Bà Nguyễn Thị Ngọc Trang, Giám đốc Hợp tác xã vận tải thương mại dịch vụ du lịch Sen Việt cho biết: Tắc nghẽn đăng kiểm gây khó khăn cho hoạt động vận tải hành khách của các doanh nghiệp.
Đơn cử như việc do nhu cầu, xe vận tải hành khách du lịch và đưa đón học sinh, doanh nghiệp đã sửa từ cửa cơ sang cửa tự động. Lái xe sau khi xếp hàng ba ngày chờ tới lượt đăng kiểm thì kỹ thuật viên trả hồ sơ do cửa không đúng thiết kế ban đầu, bắt buộc phải sửa chữa và làm lại. Không chỉ phải sửa lại phương tiện, sau đó lái xe phải xếp hàng lại từ đầu. Điều này ảnh hưởng đến việc đưa đón khách du lịch và học sinh.
Đối với xe đến hạn đăng kiểm cũng phải xin phù hiệu mới, nếu không xin được thì không thể lưu thông. Tính trung bình, mỗi xe có thể sẽ không mất đến một tháng, nếu các thủ tục mà ngành đăng kiểm có thể linh hoạt xử lý trong giai đoạn khó khăn này.
Còn theo ông Ngô Quang Trường, Công ty cổ phần Giao nhận và Thương mại Quang Châu, do ảnh hưởng bởi sự quá tải của ngành đăng kiểm nên có đến 30% số lượng phương tiện của doanh nghiệp đang để không vì chưa được đăng kiểm khi đến hạn.
Chủ tịch Hiệp hội Hàng hóa Thành phố Hồ Chí Minh Bùi Văn Quản cho biết: Theo thống kê của Cục Đăng kiểm, ước tính từ tháng 3 đến cuối năm nay, cả nước có hơn ba triệu phương tiện cơ giới đến hạn đăng kiểm. Chỉ tính riêng tại Hà Nội trong tháng 3 có tới hơn 68 nghìn phương tiện, Thành phố Hồ Chí Minh hơn 44 nghìn phương tiện đến hạn đăng kiểm, nhưng năng lực đáp ứng chưa được 50%.
Thực tế này khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn, trong đó chi phí để đăng kiểm, “thời gian chờ” cũng gây thiệt hại đối với nhiều doanh nghiệp. Ước tính, một phương tiện vận tải, chi phí sửa chữa mất hàng chục triệu đồng nhưng thiệt hại lớn hơn đến từ việc thời gian chờ đăng kiểm.
Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh Bùi Hòa An cho biết: Hiện thành phố đang có 11/19 trung tâm đăng kiểm hoạt động, công suất hơn 1.410 lượt/ngày. Trong tháng 4, dự kiến sẽ có hơn 85 nghìn phương tiện đến hạn đăng kiểm nên việc quá tải trong thời gian tới là điều vẫn tiếp tục tái diễn.
Theo Hiệp hội Vận tải Hàng hóa thành phố, thực tế này đang làm gián đoạn chuỗi cung ứng hàng hóa, nguyên vật liệu cần cho sản xuất và hoạt động vận tải hành khách. Sự tác động liên hoàn này khiến các hoạt động sản xuất khác bị ảnh hưởng.
Phó Cục trưởng Đăng kiểm Việt Nam Nguyễn Tô An cho biết: Để khắc phục khó khăn hiện nay, ngành đăng kiểm và các cơ quan chức năng liên quan đã có những biện pháp và đề xuất như: phối hợp tăng cường lực lượng là kiểm định viên ngành cảnh sát giao thông và quân đội để hỗ trợ; đề xuất, kiến nghị cho phép các phương tiện quá hạn đăng kiểm trong vòng 15 ngày được phép di chuyển đến các đơn vị kiểm định; cho các đăng kiểm viên đã nghỉ hưu được làm việc lại.
Mới nhất, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Thông tư 2/2023/TT-BGTVT có hiệu lực từ 0 giờ ngày 22/3, sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 16/2021/TT-BGTVT về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, theo hướng miễn kiểm định đối với xe ô-tô mới và kéo dài chu kỳ kiểm định của nhiều loại xe.
Theo ông Nguyễn Tô An, điểm nghẽn của ngành đăng kiểm hiện nay vẫn là vấn đề thiếu hụt nhân sự. Bộ Giao thông vận tải đang chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tập trung, khẩn trương đề xuất sửa đổi Nghị định 139/2018/NĐ-CP quy định về Kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới, với nhiều nội dung quan trọng để đáp ứng năng lực của đội ngũ kiểm định viên, không để xảy ra tình trạng tương tự sau này.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô-tô khách Thành phố Hồ Chí Minh Lê Trung Tính, thời gian qua, việc ngành đăng kiểm nhận sự hỗ trợ từ lực lượng quân đội và Cảnh sát giao thông; huy động thêm kiểm định viên đã nghỉ hưu quay trở lại làm việc đã phần nào khắc phục tình trạng quá tải ở các trung tâm. Tuy vậy, đây là giải pháp tình thế trước mắt.
Về lâu dài, ngành đăng kiểm cần tập trung tập huấn, đào tạo kiểm định viên mới. Trong tuần tới, Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh có thể sẽ khôi phục hoạt động được năm trung tâm đăng kiểm nữa dù các trung tâm này chỉ hoạt động được số lượng dây chuyền nhất định do không đủ nhân lực.
Để công tác đăng kiểm “vào guồng” và trở lại nhịp hoạt động thường nhật, nhiều ý kiến đề xuất việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động đăng kiểm và cho phép các cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa ô-tô cấp 3S, 4S chính hãng được đăng kiểm.
Tuy nhiên, các cơ quan quản lý, hoạch định chính sách cần nghiên cứu để đơn vị vận hành và doanh nghiệp cân đối, song hành với nhau tránh những sự “hợp tác” không đúng quy định của pháp luật.