Tọa đàm do Tổng cục Du lịch, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), Câu lạc bộ Doanh nhân Sao Đỏ và Báo điện tử VnExpress phối hợp tổ chức. Sự kiện có sự tham dự của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Nguyễn Ngọc Thiện; Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (TCDL) Nguyễn Trùng Khánh; Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc; Phó Cục trưởng Cục Hàng không Võ Huy Cường; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Thi; Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết; lãnh đạo nhiều tỉnh, thành và các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, hàng không và cơ quan truyền thông báo chí.
Tạo thương hiệu “Quốc gia an toàn”
Phát biểu khai mạc sự kiện, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhận định, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, nỗ lực, quyết tâm của các Bộ, Ban, ngành và địa phương, Việt Nam đã thành công trong việc nhanh chóng khống chế nhiều lần bùng phát dịch trên cả nước. Đây là tiền đề để thương hiệu quốc gia của Việt Nam tăng 29%. Việt Nam trở thành quốc gia có giá trị thương hiệu tăng mạnh nhất thế giới trong năm 2020, đi ngược xu hướng sụt giảm trên toàn cầu do đại dịch Covid-19.
Thương hiệu “quốc gia an toàn” tôn thêm giá trị hình ảnh điểm đến Việt Nam an toàn, thân thiện, hấp dẫn mà nhiều năm nay du lịch Việt Nam đã xác lập trong lòng du khách quốc tế. Đây sẽ là thế mạnh, đòn bẩy cho du lịch Việt Nam khi chúng ta mở cửa đón khách quốc tế trở lại Việt Nam.
Năm 2020, sau khi các đợt dịch được kiểm soát, Bộ VHTTDL đã phát động hai đợt kích cầu du lịch “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” và “Du lịch Việt Nam - an toàn, hấp dẫn” và nhận được sự hưởng ứng, tham gia mạnh mẽ của các địa phương, doanh nghiệp, cơ quan truyền thông trong cả nước. Nhờ vậy lượng khách nội địa đạt 56 triệu lượt, mang lại nguồn thu khoảng 312.200 tỷ đồng; góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực do dịch Covid-19 tới ngành du lịch. Điều này cũng cho thấy, tiềm năng và nhu cầu đi du lịch trong nước của người dân vẫn còn nhiều dư địa khai thác.
Định hướng chung cho giai đoạn phục hồi 2021 - 2023, Việt Nam sẽ lấy du lịch nội địa làm trọng tâm khai thác. Bên cạnh đó sẽ làm mới sản phẩm cũ, phát triển sản phẩm du lịch mới để chuẩn bị từng bước mở cửa, tiến tới phục hồi hoàn toàn du lịch quốc tế trong bối cảnh bình thường mới. Cơ cấu lại thị trường mục tiêu, chuyển hướng tập trung vào thị trường gần và thị trường nội địa là kế hoạch phổ biến của nhiều quốc gia trên thế giới trong nỗ lực phục hồi ngành du lịch.
Trong bối cảnh như vậy, kế hoạch phục hồi du lịch Việt Nam sẽ được tính toán trên nhiều phương diện.
Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ sau đại dịch Covid-19, khi nhắc tới sự phát triển của du lịch và kinh tế Việt Nam, mọi thứ đã thay đổi.
Chủ tịch VCCI cho rằng Việt Nam nên tiếp tục tạo nên dấu ấn về phát triển kinh tế, bằng cách sáng tạo và phát triển du lịch. “Tôi đề nghị chúng ta cùng phát động cuộc thi về những sáng kiến phát triển du lịch Việt Nam trong phạm vi toàn quốc với tên gọi như: Khám phá Việt Nam hay Đất nước ta. Chúng ta sẽ tìm ra câu chuyện để phát triển du lịch bằng cách tìm hiểu về văn hóa, lịch sử Việt Nam. Cuộc thi sẽ giúp cho người dân trong nước lẫn thế giới đều biết đến và muốn đến khám phá, trải nghiệm ở từng vùng đất của Việt Nam”.
Làm mới du lịch
Trao đổi sâu về vấn đề “Sức bật thị trường nội địa”, các diễn giả tham gia tọa đàm đã đưa ra nhiều ý kiến xác đáng. Trong đó, các diễn giả đều nhất trí rằng du lịch nội địa cần thu hút du khách bằng cách tăng giá trị du lịch trải nghiệm, thay vì chỉ giảm giá, bên cạnh việc xây dựng hình ảnh điểm đến an toàn cho du khách.
Theo ông Đinh Ngọc Đức-Vụ trưởng Vụ thị trường Du lịch, TCDL, có ba yếu tố tạo nên chiến dịch marketing thành công. Thứ nhất là thông điệp, nội dung phù hợp. Thứ hai là sự điều phối, thu hút sự tham gia của các bên như: cơ quan nhà nước, truyền thông, doanh nghiệp... để thu hút du khách. Thứ ba là phải khẳng định cái mình truyền thông như: điểm đến an toàn, sản phẩm thực sự hấp dẫn...
Có mặt tại Tọa đàm, ông Nguyễn Thanh Bình - Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Nguyễn Văn Thi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết các địa phương này đã có sẵn nhiều kế hoạch, kịch bản phát triển du lịch trở lại, chuẩn bị sẵn sàng cho mùa du lịch hè sắp tới. Đặc biệt, việc chuẩn bị các gói kích cầu du lịch của địa phương luôn gắn liền với các quy định phòng, chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Chính phủ.
Nhấn mạnh du lịch Việt Nam cần cải thiện chất lượng dịch vụ để thu hút du khách trong nước và quốc tế quay trở lại các điểm đến trong nước, ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh cho rằng, du lịch Việt Nam cần đáp ứng đủ năm yếu tố là lưu trú, thăm quan, nghỉ ngơi, trải nghiệm và mua sắm để du khách quay lại nhiều lần. Ông cho rằng du khách cần được trải nghiệm văn hóa địa phương hơn các hình thức giải trí hiện đại, quen thuộc trên thế giới. Ngoài ra cần thiết kế đặc sản, mô hình du lịch riêng cho từng địa phương để tăng trải nghiệm mua sắm. Chủ tịch tập đoàn Tân Hoàng Minh nhấn mạnh, 63 tỉnh thành cần có khu vui chơi giải trí song song với các khu nghỉ dưỡng để tăng tính đa dạng của sản phẩm du lịch.
Đồng tình với các ý kiến trên, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC kiến nghị 63 tỉnh thành cần tổ chức các cuộc tọa đàm kích cầu du lịch để thu hút thu hút các cơ quan truyền thông, doanh nghiệp để kích cầu du lịch cho địa phương. Mỗi vùng đều góp sức, du lịch Việt Nam sẽ phát triển đồng đều hơn. Theo đó, các lãnh đạo địa phương cần chủ động hơn trong chính sách, tìm kiếm giải pháp kích cầu du lịch.
Chia sẻ vai trò của truyền thông trong việc tuyên truyền, quảng bá du lịch, ông Ngô Mạnh Cường - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ Trực tuyến FPT (FPT Online) cho biết, với những gì đã làm trong thời gian qua như ra mắt chuyên trang Safe Go về du lịch an toàn, khảo sát online nhu cầu du khách,…“Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp này trong các năm sắp tới để hoạt động du lịch các doanh nghiệp, địa phương được truyền thông rộng hơn với công chúng, tạo ra sản phẩm du lịch có tính đặc thù với từng địa phương".
Nhấn mạnh tới yếu tố thái độ với du khách tạo nên sự thành công của du lịch địa phương, ông Lê Vũ Thắng - thành viên Câu lạc bộ doanh nhân Sao Đỏ cho rằng tất cả người đi du lịch đều mong muốn có cảm xúc tốt từ sự thân thiện của con người. Vì vậy, các nơi nên chú trọng yếu tố này hơn từ điểm chạm đầu tiên khi du khách tới địa phương như tài xế taxi, người chỉ đường... Ông Thắng mong muốn các địa phương tuyên truyền cho từng cá nhân, từ người dân đến cán bộ để tạo thành chuỗi dịch vụ thân thiện với du khách.
Còn ông Cao Hoài Dương - Chủ tịch PV Oil đề xuất, Việt Nam nên có thêm nhiều kỳ nghỉ dài hơn để các gia đình có thể thuận lợi lên kế hoạch đi du lịch. Ông cũng cho rằng, sau Covid-19, du khách có xu hướng tận hưởng cuộc sống, vì vậy thay vì đưa thông điệp là "vẻ đẹp tiềm ẩn", Việt Nam có thể truyền tải hình ảnh là một điểm đến để tận hưởng và tái tạo cuộc sống.
Sẵn sàng đón du khách quốc tế - bảo đảm an toàn tối đa
Về vấn đề mở cửa đón khách quốc tế khi điều kiện cho phép, ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành, TCDL nói, ngày 23-3, Thủ tướng giao Bộ VTTDL tìm giải pháp đón khách quốc tế trong bối cảnh dịch Covid-19 được kiểm soát. Thực tế, khi dịch vẫn đang diễn ra, Bộ VHTTDL vẫn chuẩn bị phương án đón khách du lịch quốc tế, duy trì xúc tiến sản phẩm du lịch dưới hình thức trực tuyến. Trong bối cảnh cạnh tranh khu vực, việc đề xuất phương án đón khách du lịch không chỉ phát triển kinh tế địa phương mà còn tạo thêm cạnh tranh điểm đến.
Về phương án, lộ trình đón khách quốc tế, Bộ VHTTDL sẽ triển khai giai đoạn thí điểm đầu tiên, dựa vào hộ chiếu vaccine, kết hợp với công tác xét nghiệm, tuân thủ nguyên tắc 5K để bảo đảm an toàn tối đa cho du khách cũng như người dân địa phương. |
Nhấn mạnh các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam luôn sẵn sàng đón khách quốc tế khi được cho phép mở lại thị trường, nhiều doanh nghiệp lữ hành đã chia sẻ một số trăn trở thực tế.
Ông Nguyễn Công Hoan, Trưởng ban truyền thông Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Tổng giám đốc Công ty lữ hành HanoiRedtours chia sẻ, ngay khi dịch Covid-19 bùng phát, các công ty lữ hành đã tính toán các kịch bản đón du khách quốc tế thế nào. Tuy nhiên, tâm thế sẵn sàng đi cùng với những khó khăn, trăn trở. Thứ nhất, sau hai năm Covid-19, thị trường du lịch thế giới, tâm lý của du khách đã có nhiều thay đổi. Do đó, ông Hoan đề nghị có TCDL có kế hoạch nghiên cứu lại thị trường để định hướng cho các doah nghiệp lữ hành đón được tâm lý thị trường.
Cùng với đó là có kế hoạch, quỹ xúc tiến thị trường xúc tiến trước, cố gắng đưa quỹ xúc tiến du lịch sớm đi vào hoạt động. Vấn đề nhân sự du lịch là yếu tố đáng lưu ý vì một số đã đi làm ngành khác. Vì thế cần chuẩn bị đào tạo nguồn nhân lực cho việc phục hồi. Thứ tư là hướng dẫn doanh nghiệp đón khách quốc tế, cần xây dựng sẵn bộ tiêu chuẩn, bảo đảm an toàn nhưng đừng quá chặt chẽ “vì nếu du khách không thoải mái thì không thể đến được”.
Cuối cùng là cần xác định nếu mở cửa thị trường quốc tế, sẽ gặp những rủi ro. Vậy vai trò trách nhiệm của doanh nghiệp như thế nào, cần phải có cơ chế bảo đảm cho doanh nghiệp khi có rủi ro. Tổng giám đốc HanoiRedTours kiến nghị cơ quan quản lý tài chính nhà nước xem xét gói bảo hiểm rủi ro Covid-19 cho doanh nghiệp khi mở lại thị trường đón khách quốc tế.
Ông Lê Tuấn Linh, nhà sáng lập Phoenix Voyages chia sẻ tại tọa đàm rằng rất nhiều doanh nghiệp đã đóng cửa. Như với công ty ông, dù luôn sẵn sàng đón khách quốc tế nhưng nguồn lực về tài chính là thách thức rất lớn. Ông chia sẻ thêm, các doanh nghiệp đều đang rất cố gắng để duy trình hoạt động. Doanh nghiệp cần có sự hỗ trợ thiết thực, mang tính đột phá để có thể hoạt động mạnh mẽ khi mở cửa trở lại bởi họ đã bị ảnh hưởng quá nặng nề trước đó.
Cũng như các doanh nghiệp khác khẳng định sẵn sàng đón khách du lịch quốc tế, ông Phùng Hữu Hoàng, Phó giám đốc Văn phòng Saigon Tourist Hà Nội cho rằng các bộ, ngành cần có cuộc khảo sát về nhu cầu điểm đến của du khách trên thế giới trong bối cảnh kinh tế đã đi xuống sau Covid-19. Bên cạnh đó, ông cho rằng phải hồi lại nguồn nhân lực du lịch khi Covid-19 lắng xuống. “Tôi tin chắc ngành du lịch Việt Nam, không chỉ nội địa mà quốc tế sẽ phục hồi rất nhanh chóng. Chúng tôi hy vọng tất cả doanh nghiệp du lịch sẽ đang và sẽ sẵn sàng khi có khách quốc tế tới Việt Nam”, ông Hoàng chia sẻ.
Nhận định những ý kiến xác đáng của buổi tọa đàm là điểm nhấn, cú hích để du lịch Việt Nam phục hồi, tăng trưởng lại sau bối cảnh mới, ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng cục trưởng TCDL cho rằng đây chính là cơ hội để TCDL tiếp thu ý kiến của địa phương, các doanh nghiệp... để cùng chung tay phát triển du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.