Những tín hiệu tích cực
Vụ trưởng Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) Phạm Văn Bắc cho biết, hiện cả nước có 30 nhà máy nhiệt điện đốt than, ba nhà máy sản xuất phân bón DAP đang hoạt động. Các nhà máy nhiệt điện phát thải lượng tro, xỉ khoảng 16 triệu tấn và các nhà máy sản xuất phân bón DAP phát thải khoảng 1,3 triệu tấn bã thải gyps.
Ðánh giá được tầm quan trọng của việc tái sử dụng các loại phế thải công nghiệp theo định hướng phát triển kinh tế tuần hoàn, Chính phủ có nhiều chính sách và giải pháp nhằm đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng. Ngày 26/3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 08/CT-TTg về đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng.
Thực hiện chỉ đạo này, Bộ Xây dựng đã xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật và định mức kinh tế kỹ thuật giúp đẩy mạnh việc xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao. Do đó, lượng tro, xỉ nhiệt điện đã được xử lý, tiêu thụ đáng kể. Riêng trong năm 2022, tổng lượng tro, xỉ được tiêu thụ đạt hơn 16,68 triệu tấn, tương đương 105,7% tổng lượng phát thải trong năm. Ðiều đó đã góp phần đưa tổng lượng tro, xỉ nhiệt điện tiêu thụ cộng dồn qua các năm trong cả nước đạt hơn 65 triệu tấn, chiếm khoảng 55,8% tổng lượng phát thải từ trước tới nay.
Cũng theo Vụ trưởng Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) Phạm Văn Bắc, lượng xử lý và tiêu thụ bã thải gyps từ các nhà máy sản xuất phân bón DAP vẫn đang gặp khá nhiều khó khăn, vướng mắc. Ngoại trừ Nhà máy sản xuất phân bón DAP Ðình Vũ (Hải Phòng) có dây chuyền xử lý bã thải gyps thành thạch cao PG làm phụ gia xi-măng thay thế cho thạch cao tự nhiên, còn lại, hai nhà máy sản xuất DAP số 2 tại Lào Cai và Nhà máy DAP của Công ty cổ phần hóa chất và phân bón Ðức Giang-Lào Cai thì bã thải gyps vẫn tồn trữ, chưa thể xử lý.
Theo Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần DAP-Vinachem Ðình Vũ (Hải Phòng) Nguyễn Ngọc Sơn, từ năm 2009 công ty đã sản xuất và cung ứng gần 3 triệu tấn phân bón DAP ra thị trường và trở thành trụ cột của ngành sản xuất phân bón DAP trong nước. Doanh nghiệp cũng hết sức lo ngại khi trong 10 năm đầu tiên đi vào sản xuất đã phát thải ra hơn 3,2 triệu tấn bã thải gyps. Bã thải được tồn trữ cứ chất cao như ngọn núi và tiêu tốn của doanh nghiệp chi phí khá lớn trong bảo quản, tồn trữ. Thậm chí đã có những sự cố đáng tiếc về môi trường từ việc tồn trữ lượng lớn bã thải này cùng với tác động bất lợi của thời tiết, khí hậu…
Công ty cổ phần DAP-Vinachem Ðình Vũ đã hợp tác với Công ty cổ phần Cao Cường Sông Ðà để thành lập Công ty cổ phần thạch cao Ðình Vũ và đi vào hoạt động từ cuối năm 2017 với việc sản xuất thạch cao PG dùng làm phụ gia xi-măng từ bã thải gyps. Ðây là nhà máy có quy mô công nghiệp đầu tiên và lớn nhất trong xử lý bã thải gyps tại nước ta. Từ đó đến nay, hơn 1,2 triệu tấn bã thải gyps đã được sử dụng trong sản xuất thạch cao PG. Từ 192 nghìn tấn bã thải gyps của năm 2018 được sử dụng đã tăng lên hơn 368 nghìn tấn của năm 2022. Và như vậy, lượng tiêu thụ bã thải gyps để sản xuất thạch cao PG của năm 2022 đã bảo đảm cân bằng và cao hơn chút ít so với lượng phát sinh bã thải từ sản xuất trong năm. Nhưng lượng bã thải gyps vẫn tồn đọng tại nhà máy lên tới 3,5 triệu tấn…
Tìm hướng giải quyết bã thải tồn đọng
Vụ trưởng Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) Phạm Văn Bắc cho rằng, sở dĩ tốc độ tiêu thụ thạch cao PG trong sản xuất xi-măng còn chậm do các nhà máy xi-măng mới sử dụng khoảng 30% thạch cao PG, 70% còn lại vẫn sử dụng thạch cao tự nhiên. Do vậy, lượng sử dụng bã thải gyps để sản xuất thạch cao PG còn không đáng kể. Việc nghiên cứu sử dụng bã thải gyps để sử dụng làm vật liệu xây dựng, nhất là cốt liệu trong san lấp mặt bằng, nền đường giao thông là việc làm cấp thiết và là hướng mở quan trọng để giải quyết được lượng bã thải tồn đọng hiện nay, cũng như lượng bã thải phát sinh trong quá trình sản xuất…
Tuy nhiên, để sử dụng làm vật liệu xây dựng, cụ thể là cốt liệu san lấp, cốt nền đường thì các bã thải này phải được xử lý, hình thành quy chuẩn kỹ thuật và ban hành thành tiêu chuẩn kỹ thuật để có thể áp dụng rộng rãi trong thực tế…
Theo Phó Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) Lưu Thị Hồng, trong những năm qua, Viện đã phối hợp với Công ty cổ phần DAP-Vinachem Ðình Vũ trong nghiên cứu, sản xuất và xây dựng tiêu chuẩn việc sử dụng bã thải gyps để sản xuất thạch cao PG dùng làm phụ gia xi-măng mang lại hiệu quả trong thực tế. Ðồng thời, Viện cũng nghiên cứu tái sử dụng thạch cao PG để làm vật liệu san lấp và làm đường. Ðến nay, kết quả thử nghiệm được đánh giá là thành công khi thạch cao PG được xử lý đúng quy trình, quy phạm hoàn toàn có thể sử dụng được làm vật liệu san lấp và móng đường giao thông. Bà Hồng cũng hy vọng trong thời gian tới, thạch cao PG cũng sẽ được sử dụng nhiều hơn nữa trong các công trình xây dựng…
Theo Tiến sĩ Trần Long Giang, Viện nghiên cứu Khoa học và công nghệ hàng hải (Trường đại học Hàng hải Việt Nam), kết quả nghiên cứu cho thấy phương án sử dụng phụ gia hóa chất trong xử lý bã thải thạch cao để làm đường giao thông và bãi chứa hàng hóa mang tính ưu việt và hoàn toàn bảo đảm các yêu cầu về thiết kế kỹ thuật móng đường giao thông cấp 4, cấp 5. Các phụ gia hóa chất có thể giúp cải thiện cường độ liên kết và độ bền hỗn hợp bã thải thạch cao, đất, xi-măng giúp hỗn hợp này đáp ứng yêu cầu về ứng suất và biến dạng của nền và móng công trình đường giao thông…
Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng Lê Trung Kiên cho rằng, với sự nỗ lực của các cấp, ngành, nhà khoa học, doanh nghiệp, các chính sách, giải pháp xử lý triệt để đối với lượng phát thải gyps từ các nhà máy sản xuất phân bón nêu trên sớm trở thành hiện thực. Ðiều này có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ giải quyết những vấn đề về môi trường của thành phố, mà còn tạo ra nguồn vật liệu san lấp, vật liệu xây dựng cho các công trình xây dựng hiện đang ngày càng trở nên khan hiếm. Ðây cũng là những biện pháp thiết thực, hiệu quả trong thực thi những chính sách về bảo vệ môi trường, hướng tới các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và môi trường sống của nhân dân, bảo đảm sự phát triển bền vững của thành phố Hải Phòng và đất nước.
Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần DAP-Vinachem Ðình Vũ (Hải Phòng) Nguyễn Ngọc Sơn mong mỏi, các nghiên cứu, thực nghiệm của các nhà khoa học nói trên là cơ sở quan trọng để các cơ quan quản lý nhà nước sớm hoàn thiện, ban hành tiêu chuẩn, chỉ dẫn kỹ thuật đối với sản phẩm từ bã thải gyps đã qua xử lý để ứng dụng làm vật liệu xây dựng và ứng dụng vào các công trình xây dựng… Ðồng thời, nhà nước cũng cần có cơ chế, chính sách khuyến khích các nhà máy xi-măng tích cực sử dụng thạch cao nhân tạo sản xuất trong nước, hạn chế nhập khẩu. Nhất là giảm thuế VAT, nhằm tăng sức cạnh tranh của thạch cao nhân tạo sản xuất từ bã thải, coi đây là một giải pháp hữu hiệu để giải quyết dứt điểm lượng bã thải tồn đọng từ các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, hiện thực hóa mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn vào thực tiễn, bảo đảm hài hòa lợi ích của doanh nghiệp với môi trường sống và phát triển bền vững...