Tìm cơ hội việc làm ở xứ anh đào

Ðoàn nghệ thuật của Nhà hát Tuổi trẻ với hơn chục nghệ sĩ, vừa đặt chân tới Tokyo (Nhật Bản), đã vội chuẩn bị ngay một chương trình biểu diễn phục vụ bà con Việt kiều và các du học sinh, tu nghiệp sinh (TNS) nhân dịp Tết "con chuột" sắp tới. Buổi sáng, hơn 700 TNS vùng Kan-tô đổ về nhà hát, xúc động lắng nghe giai điệu quê hương, với những bờ tre, dòng sông, những con đò và "mẹ tôi" quanh năm vất vả... Nhiều người nhớ nhà, lau nước mắt.

Nhớ hương vị Tết quê nhà

Ngày cuối năm, chúng tôi từ Tokyo lên tàu cao tốc Shinkansen chỉ mất 1 giờ 45 phút đã tới thành phố Nagoya, cách Thủ đô hơn 500 km, rồi có mặt tại một góc hẻo lánh ở miền trung Nhật Bản, nơi 13 lao động Việt Nam gồm chín TNS và bốn kỹ sư đang làm việc.

Họ cũng đang sửa soạn cho tiệc mừng năm mới. Tà áo dài của chín cô gái phấp phới bay trong ký túc xá, như đại diện cho hình ảnh Việt Nam ở nơi xa xôi này.

Nguyễn Thị Huê (Hải Hậu, Nam Ðịnh) đã hai mùa xuân xa nhà, tâm sự: Ở bên này, người Nhật Bản chỉ ăn Tết Dương lịch, cho nên đến ngày Tết cổ truyền của  dân tộc, chúng em tuy không được nghỉ, vẫn sắm mâm ngũ quả và thắp nén nhang để nhớ hương vị Tết quê nhà, nhớ quê hương, tổ tiên, gia đình.

Ðể tới được Công ty Mizukoshi thuộc thành phố Inabe này, phải đi hơn một giờ ô-tô từ thành phố. Xe cứ chạy hun hút trên con đường lúc xuyên làng khi xuyên rừng. Trời lâm thâm mưa, thời tiết lạnh hơn ở thành phố vài độ C.

Các em TNS và kỹ sư phần đông quê ở miền nam, chưa quen với giá rét, sang đây phải thích nghi dần. Không biết có phải vì trời lạnh, trông cô nào cũng xinh, da trắng má hồng.

Nguyễn Thị Thúy Oanh (quê ở Củ Chi, TP Hồ Chí Minh) bảo vì xe buýt chạy tuyến này cũng thưa nên anh chị em ít có điều kiện đi chơi, nhưng vẫn nói chuyện với bạn qua điện thoại và "chát" với gia đình ở trong nước qua internet. Kỹ sư Nguyễn Chánh Huy, 35 tuổi, ví các cô gái như mỏ vàng của công ty vì tay nghề giỏi. Ðiều này lý giải một phần về thái độ trân trọng của giám đốc đối với lao động Việt Nam.

Thu nhập của TNS, kể cả làm thêm, chừng 135.000 yên (họ thường gọi 10.000 yên là một "lá", 13 lá rưỡi tương đương 19 triệu VNÐ); của kỹ sư khoảng 19-20 lá, tương đương 27-28 triệu đồng một tháng. Huy bảo, qua đây "một công đôi chuyện", vừa kiếm tiền vừa học tiếng Nhật làm vốn sau này.

Mizukoshi là công ty nhỏ, cung cấp các sản phẩm chi tiết cho các hãng ô-tô Toyota, bếp ga Rinnai... với doanh thu 1 triệu USD/tháng. Ðã có dịp tiếp xúc với nhiều chủ doanh nghiệp sử dụng lao động Việt Nam ở nhiều nước, tôi chưa thấy ai nhận xét về người lao động cũng như về Việt Nam một cách đầy thiện cảm như ông Mizukoshi. "Nếu Chính phủ cho phép, tôi sẽ nhận toàn lao động Việt Nam - ông nói vậy. Các em Việt Nam rất giống thế hệ tôi thời trẻ, luôn cố gắng làm việc để hướng tới tương lai. Dành dụm để gửi tiền về cho cha mẹ, họ thật hiếu thảo".

Nằm ở thành phố Conan, cách Nagoya 20 km, miền trung Nhật Bản là "thủ phủ" của ô-tô với các hãng ô-tô nổi tiếng thế giới như: Toyota, Honda, Nissan và hàng chục nghìn doanh nghiệp vệ tinh quanh nó, nhưng Công ty Mi-oa In-tec lại sản xuất những mặt hàng không liên quan gì đến ô-tô, như phụ tùng máy may, máy dệt, thêu..., từng được giải vàng chất lượng tại triển lãm về cơ khí năm 2006. 14 lao động Việt Nam làm việc ở công ty đều là nam.

Chủ tịch công ty là một ông già trông phúc hậu. Ông kể: Tôi sang Việt Nam tuyển từng TNS, đến từng gia đình và hỏi cha mẹ các em có đồng ý để tôi coi chúng như con cái, chăm lo việc làm, đời sống; nhưng nếu chúng mắc lỗi cũng bị trách phạt như khi ở nhà? Họ đều chấp nhận.

Võ Thanh Châu, 25 tuổi, quê ở Củ Chi, sang đây được sáu tháng, cho biết thu nhập của em hiện khoảng 11-12 lá, để dành mỗi tháng được chừng 10 triệu VNÐ gửi về nhà. "Lính" mới toe là kỹ sư trẻ Trần Văn Ðược, mới qua được mấy ngày. Lương theo hợp đồng của Ðược (tức chưa tính làm tăng ca) là 24 triệu VNÐ. "Khó nhất đối với em là chưa biết nấu cơm, chứ công việc học một ngày là biết" - Ðược nói, rồi bâng khuâng nhớ về vùng đất Bắc Giang quê mình, khi sắp phải trải qua cái Tết đầu tiên không được ở bên cha mẹ.

Làm lụng vì tương lai

Ở thời điểm này, tại Nhật Bản có khoảng hơn 13.000 TNS. Tham tán ÐSQ Việt Nam tại Tokyo Lê Văn Thanh cho biết: Gọi là TNS bởi nước này chưa cho phép nhận lao động nước ngoài, lao động Việt Nam sang đây vẫn chủ yếu theo con đường "tu nghiệp", học nghề, trong khi "ở nhà" lại quan niệm là đi xuất khẩu lao động.

Lao động Việt Nam tại Nhật Bản.
Nhật Bản đang có nhu cầu lớn về lao động do duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và tình trạng thiếu nhân lực bổ sung do dân số bị già hóa, tuổi thọ trung bình là 83. Nhiều chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ nói, nếu không bị giới hạn bởi quy định chỉ được nhận 5% thì họ có thể tiếp nhận cả 100% số lao động nước ngoài. Hiện có 15 quốc gia đưa lao động sang đây, trong đó "đầu bảng" vẫn là Trung Quốc.

Việt Nam bắt đầu đưa TNS đến Nhật Bản từ năm 1993, sau khi hai nước ký kết thỏa thuận về việc này. 15 năm qua, lúc thịnh lúc suy, chúng ta đã đưa được khoảng 30 nghìn lượt TNS sang đây làm việc.

Những năm đầu thủ tục dễ dàng, người đi lao động không cần đóng tiền đặt cọc, mỗi năm 2.500 người sang đây, hứa hẹn một thị trường lao động giàu tiềm năng.

Nhưng rồi tình trạng TNS tự phá bỏ hợp đồng, trốn ra ngoài làm việc và cư trú bất hợp pháp ngày càng nghiêm trọng, gây khó khăn không chỉ cho doanh nghiệp mà cho cả những lao động muốn tìm kiếm việc làm ở đất nước Mặt trời mọc.

Mặc dù các cơ quan chức năng liên quan và các doanh nghiệp xuất khẩu lao động cố đề ra giải pháp khắc phục, nhưng tình trạng này chỉ được khống chế một thời gian, đến năm 2003 thì con số trốn lên tới 34%, lòng tin của người sử dụng lao động suy giảm, nguy cơ "vỡ" thị trường này là nhãn tiền.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp bách cho thành lập Ban Quản lý lao động tại Nhật Bản, đồng thời đề cao trách nhiệm của các công ty phái cử, và quan trọng nhất là sau Nghị định của Chính phủ, Luật về đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã được Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ 1-7-2006, giúp cho việc giải quyết tình trạng bỏ trốn hiệu quả hơn.

Số lao động bỏ trốn năm 2005 giảm còn 10% và giảm tiếp vào năm 2006 (4,5%) và năm 2007 vừa qua, chỉ còn hơn 3%. Những cố gắng này đã giúp cho nhiều người đang thiếu việc làm có cơ hội đến thị trường lao động Nhật Bản.

Năm 2005 thêm hơn 3.500 người, năm 2006 là 5.360 người và 2007, mặc dù chỉ bằng 1/10 của Trung Quốc, nhưng con số hơn 6.000 TNS vẫn hứa hẹn sự chuyển biến tích cực của thị trường này. Dự kiến thời gian tới mỗi năm 10.000 TNS Việt Nam nhập cảnh xứ sở hoa anh đào.

- Chiều nay tôi vừa tiếp đại diện một hãng tàu Nhật Bản, họ muốn nhận 9 thợ hàn của VINASHIN. Họ thích VINASHIN lắm! - Ông Thanh phấn khởi nói. Tuy nhiên, tôi vẫn thấy trên bàn làm việc của ông mấy hồ sơ về lao động vừa bỏ trốn.

Không nhộn nhịp như ở Tokyo, buổi tối nơi thành phố Ichinomia không gian thật yên tĩnh. Ðằng sau con phố nhỏ tưởng chừng lặng lẽ, chúng tôi bất ngờ trước khung cảnh đông vui khi bước vào một quán ăn nho nhỏ. Ông Hiro Yoshizaki, Chủ tịch một Hiệp hội gồm 100 doanh nghiệp vừa và nhỏ, đồng thời là người đứng đầu một công ty sản xuất máy tàu cho hãng Yamaha, đãi chúng tôi món hải sản tươi sống "khoái khẩu" của người Nhật Bản, rồi cầm ly rượu xa-kê đưa lên nói "dô" bắt chước dân nhậu Việt Nam.

Ðã 5 năm tuyển dụng lao động Việt Nam và cũng trải qua những chuyện đau đầu do TNS gây ra, nhưng ông vẫn khăng khăng: "Mười năm tới hoặc hơn nữa, tôi vẫn muốn nhận lao động Việt Nam. Họ cố gắng, siêng năng, y như chúng tôi thời trẻ. Tuy nhiên nhiều người mới nghĩ kiếm tiền mà quên trau dồi lấy một nghề để sau này về nước lập nghiệp". Năm nay đã 65 tuổi, "ông già" Hiro - như cách gọi của TNS Việt Nam - sắp bàn giao công việc cho con cái. "Mình cả đời gắn bó với máy móc, tâm nguyện cuối đời là lập một trung tâm kỹ thuật phi lợi nhuận gì đó ở Việt Nam để giúp thanh niên đến học nghề. Nhiều doanh nghiệp sẵn sàng cung cấp máy, chỉ không biết thủ tục ở Việt Nam thế nào?" - Ông nói chân thành.

Họ y như chúng tôi thời trẻ. Họ giống thế hệ chúng tôi cách đây 30 năm... Nhiều giám đốc thành đạt người Nhật Bản nhận xét như vậy về lao động Việt Nam. Dẫu có chuyện này chuyện nọ, nhưng những TNS vẫn như những sứ giả đã gieo mối thiện cảm trong lòng người dân bản xứ đối với đất nước và con người Việt Nam.

Có thể bạn quan tâm