Tiểu sử nhà thơ Huy Cận

Nhà thơ Huy Cận tên khai sinh là Cù Huy Cận. Ông sinh ngày 31-5-1919 tại xã Ân Phú, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh.

Trước Cách mạng tháng Tám, Huy Cận đi học (tú tài, cao đẳng Nông lâm...) và hoạt động văn học. Từ đầu năm 1942, ông vừa học Nông lâm vừa tham gia hoạt động bí mật và làm thơ, viết văn. Cuối tháng 7-1945, tham dự Quốc dân Đại hội ở Tân Trào và được bầu vào Ủy ban Dân tộc giải phóng toàn quốc (sau mở rộng thành Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa). Ông là Bộ trưởng Canh nông và Thanh tra đặc biệt của Chính phủ lâm thời. Từ 5-11-1946, ông là Thứ trưởng Bộ Nội vụ. Trong kháng chiến chống Pháp là Thứ trưởng Bộ Canh nông rồi Thứ trưởng Bộ Kinh tế. Từ 1949-1955: Thứ trưởng, Tổng thư ký Hội đồng Chính phủ. 1955-1984: Thứ trưởng Bộ Văn hóa. Từ 9-1984: Bộ trưởng Đặc trách công tác văn hóa - thông tin tại Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng, kiêm Chủ tịch Ủy ban T.Ư Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam, sau đó làm Phó chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp Các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, đại biểu Quốc hội khóa 1, 2 và 7.  

Những tác phẩm chính của Huy Cận: Lửa thiêng (thơ, 1940); Vũ trụ ca (thơ, 1942); Kinh cầu tự (văn xuôi, 1942); Tính chất dân tộc trong văn nghệ (nghiên cứu, 1958); Trời mỗi ngày lại sáng (thơ, 1958); Đất nở hoa (thơ, 1960); Bài thơ cuộc đời (thơ, 1963); Hai bàn tay em (thơ, 1967); Phù Đổng Thiên Vương (thơ, 1968); Những năm sáu mươi (thơ, 1968); Cô gái Mèo (thơ, 1972); Thiếu niên anh hùng họp mặt (thơ, 1973); Chiến trường gần đến chiến trường xa (thơ, 1973); Những người mẹ, những người vợ (thơ, 1974); Ngày hằng sống, ngày hằng thơ (thơ, 1975); Sơn Tinh, Thủy Tinh (thơ, 1976); Ngôi nhà giữa nắng (thơ, 1978); Hạt lại gieo (thơ, 1984); Văn hóa và chính sách văn hóa ở CHXHCN Việt Nam (viết bằng tiếng Pháp, xuất bản ở Paris, 1985); Tuyển tập (thơ, 1986); Nước thủy triều Đông (thơ, song ngữ, xuất bản ở Paris, 1994); Hồi ký song đôi (1997).  

Nhà thơ Huy Cận đã được Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật (đợt 1 - 1996).