Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu đẩy mạnh tự chủ bệnh viện

NDO -

NDĐT - Sáng 19-1, chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai nhiệm vụ ngành y tế năm 2018, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao những đổi mới tích cực của ngành y tế trong năm 2017. Phó Thủ tướng yêu cầu ngành y tế cần tiếp tục đẩy mạnh tự chủ, xây dựng môi trường bệnh viện thật tốt để phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị trực tuyến.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị trực tuyến.

Sáng 19-1, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến “Triển khai công tác ngành y tế năm 2018 và Đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới theo Quyết định số 2348/QĐ-TTg” với một điểm cầu Trung ương tại Bộ Y tế và hơn 700 điểm cầu tại các tỉnh/thành phố và tuyến huyện/xã.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, năm 2017, ngành y tế đã nỗ lực triển khai đồng bộ và hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp với mục tiêu lấy người bệnh là trung tâm phục vụ. Theo đó, tỷ lệ bảo hiểm y tế (BHYT) đã tăng lên 86,4%; giảm gần 17% giá thuốc khi thực hiện đấu thầu thuốc tập trung quốc gia; tự chủ sản xuất vaccine sởi - rubella; đưa hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia vào sử dụng; nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật được ứng dụng thành công; tăng cường y tế cơ sở; đổi mới, sắp xếp hệ thống y tế theo hướng tinh gọn bộ máy... Trong đó, việc lần đầu tiên đưa chi phí tiền lương vào giá dịch vụ y tế, cơ bản không làm ảnh hưởng tới các đối tượng chính sách xã hội, người nghèo, trẻ em dưới sáu tuổi…

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu đẩy mạnh tự chủ bệnh viện ảnh 1

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến báo cáo kết quả hoạt động năm 2017.

Với những giải pháp đồng bộ, ngành y tế đã hoàn thành vượt mức hai chỉ tiêu Quốc hội giao. Một là, chỉ tiêu số giường bệnh/10.000 dân đạt 25,7% (giao 25,5%). Hai là, chỉ tiêu tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 86,4% (chỉ tiêu giao 82,2%).

Chủ trì Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: "Tôi biểu dương cán bộ y tế các cấp, ngành trong năm 2017 đã rất nỗ lực đổi mới. Chất lượng khám, chữa bệnh (KCB); thái độ y, bác sĩ nâng lên rõ rệt. Ngành y tế đã chú trọng phát triển y tế dự phòng và y tế cơ sở; y tế cơ sở và y tế chuyên sâu đã cân xứng nhau và đi đúng nhiệm vụ phục vụ từng đối tượng người bệnh. Đặc biệt, ngành y tế đã ban hành gói giá dịch vụ y tế cơ bản, đấu thầu thuốc quốc gia tập trung, tự chủ tài chính".

Nhấn mạnh năm 2018 là một năm đòi hỏi sự đổi mới hơn nữa trong công tác y tế, Phó Thủ tướng yêu cầu cần phải đẩy mạnh hơn nữa việc tự chủ bệnh viện. “Đừng có nghĩ bệnh viện Trung ương mới tự chủ được. Thực tế, cho thấy nhiều đơn vị y tế cơ sở có thể tự chủ được. Khi chất lượng tăng lên, được KCB BHYT, người dân đến chữa bệnh nhiều thì cán bộ y tế không chỉ có thêm thu nhập mà tay nghề còn được nâng lên. Các trạm y tế có thể mời bác sĩ tư nhân đến ngồi KCB với tinh thần là chung tay chăm sóc sức khỏe của người dân. Từ đó giải quyết câu chuyện biên chế”. Phó Thủ tướng cũng đề nghị ngành y tế phải chỉ đạo, hỗ trợ các bệnh viện vệ tinh hoạt động theo mô hình tự chủ, giúp giảm tải cho tuyến trên.

Ngành Y tế cũng cần phải hướng tới xây dựng môi trường trong bệnh viện thật tốt. “Môi trường bệnh viện tốt không đơn giản là nhà đẹp, sạch sẽ mà phải minh bạch;công khai thu, chi; quy định chức năng của từng cá nhân để có thể giám sát nghiêm túc”, Phó Thủ tướng nói.

Nhắc lại hiện tượng các bác sĩ bị hành hung và các sự cố y khoa trong năm qua, Phó Thủ tướng phân tích: “Bảo vệ bác sĩ và môi trường bệnh viện; nghiêm trị những kẻ hành hung là đúng. Nhưng cần phải nhìn từ phía ngược lại. Trừ một số trường hợp say xỉn, còn lại là những sự việc người nhà đến gây chuyện, xô xát với bác sĩ. Họ đến gây chuyện cũng một phần vì bất bình với thái độ của nhân viên y tế. Có những bất bình do họ không hiểu vấn đề nhưng có những bất bình do cán bộ y tế chúng ta chưa tốt. Phải nhìn nhận một cách nghiêm túc”.

Phó Thủ tướng yêu cầu, ngành y tế cần sớm hoàn thiện các danh mục dịch vụ (không chỉ danh mục KCB dịch vụ mà bao gồm cả danh mục y tế dự phòng) và phác đồ điều trị. Hiện nay, các danh mục thiết bị, vật tư, dịch vụ quá nhiều so với quốc tế nên ngành y tế cần tinh gọn lại cho dễ hiểu và dễ thanh toán.

Về đấu thầu thuốc quốc gia, Phó Thủ tướng đề nghị ngành y tế tiếp tục duy trì đấu thầu tập trung quốc gia, giúp giảm được tiền thuốc cho người dân, đặc biệt là thuốc ung thư hiện vẫn còn cao hơn trong khu vực.

Bày tỏ lo ngại về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong KCB, Phó Thủ tướng nói, cán bộ ngành y tế còn chưa hiểu đúng bản chất, ngại thay đổi, ngại giám sát. Vì thế, Phó Thủ tướng yêu cầu ngành y tế cần phải “kỷ cương” trong việc áp dụng công nghệ thông tin, tập huyến cho trạm y tế cơ sở. Các bệnh viện tuyến trên phải cập nhật bệnh án điện tử đầu tiên, không chỉ phục vụ cho thanh toán bảo hiểm mà để quản lý hồ sơ sức khỏe người dân.

Về y tế tư nhân, hiện có 206 bệnh viện tư, chiếm 15% tổng số bệnh viện và 5,3% giường bệnh, chiếm 7,8% số lượt KCB trong toàn quốc. Phó Thủ tướng đề nghị cần huy động nguồn lực này vào công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân nhưng phải xử lý nghiêm minh với những trường hợp trục lợi.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng cho biết, năm 2018, Bộ Y tế tiếp tục đề ra 11 chỉ tiêu với các con số cao hơn năm 2017. Trong đó, Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ giao hai chỉ tiêu: Số giường bệnh/10.000 dân là 26% và tỷ lệ dân số tham gia BHYT là 88,5%. Liên quan đến vấn đề tài chính và BHYT, người đứng đầu ngành y tế đề nghị BHXH Việt Nam phải đổi mới tư duy toàn diện, tăng chi phí thanh toán KCB BHYT cho trạm y tế xã, huyện thay vì chi cho các bệnh viện tỉnh và Trung ương. Hiện nay, mức chi cho trạm y tế xã chỉ chiếm 3-5% tổng chi phí KCB BHYT.

Năm 2017, Bộ Y tế đã ban hành 46 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền là 1,1 tỷ đồng. Tại các địa phương, thanh kiểm tra 625.060 cơ sở, phát hiện 123.914 cơ sở vi phạm (19,8%), xử lý 32.579 cơ sở (tăng 75% so với năm 2016) với số tiền phạt là 61 tỷ đồng (tăng 92,7% so với năm 2016).

Về khám, chữa bệnh và BHYT, đã thanh kiểm tra 9.332 cơ sở, phát hiện 2.580 cơ sở vi phạm (27,6%) với số tiền phạt là 14,7 tỷ đồng. Về dược, mỹ phẩm và trang thiết bị y tế, đã thanh kiểm tra 15.307 cơ sở, phát hiện 4.508 cơ sở vi phạm (29,4%) với số tiền phạt là 12,9 tỷ đồng.