PGS, TS Trần Đắc Phu: TP Hồ Chí Minh cần xây dựng bản đồ nguy cơ đến từng địa bàn

NDO -

Theo PGS, TS Trần Đắc Phu, TP Hồ Chí Minh cần ưu tiên xét nghiệm cho đối tượng nguy cơ cao, trả kết quả nhanh để truy vết các trường hợp F0, cung cấp các dữ liệu về nguy cơ để có biện pháp giãn cách, phong tỏa phù hợp với từng địa bàn nhằm "khóa chặt" nguồn lây.

PGS, TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam. (Ảnh: Bộ Y tế)
PGS, TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam. (Ảnh: Bộ Y tế)

Sau hai tuần thực hiện giãn cách xã hội lần 2, số ca nhiễm tại TP Hồ Chí Minh vẫn không ngừng tăng cao, kỷ lục là vượt mốc 700 ca nhiễm mới vào ngày 3/7. Chỉ trong một tháng, TP Hồ Chí Minh đã sắp chạm mốc 6.000 nghìn ca nhiễm, trở thành địa phương đứng đầu cả nước. 

Tình hình dịch bệnh tại TP Hồ Chí Minh đang diễn biến phức tạp, khó lường, số lượng ca mắc tăng nhanh, Thành phố đã có những thay đổi trong công tác điều tra, truy vết, khoanh vùng trong đợt cao điểm để nhanh chóng kiểm soát dịch Covid-19.

Theo đó, về việc khoanh vùng, Thành phố sẽ tiến hành xác định khu vực khoanh vùng trong một giờ hoặc sớm hơn nữa ngay sau khi có kết quả xét nghiệm khẳng định nhiễm Covid-19. Đối với công tác điều tra dịch, xác định các mốc dịch tễ của F0, các đơn vị lập danh sách F1 gần, F1 xa và F2 của F1 gần sẽ được điều tra theo thực tế tiếp xúc, không theo hộ khẩu. Việc tổ chức lấy mẫu xét nghiệm tùy theo từng đối tượng sẽ có các nguyên tắc riêng.

Thành phố cũng sắp xếp, tổ chức bộ máy điều tra dịch và can thiệp chống dịch tại cộng đồng nhằm bảo đảm 100% ca bệnh F0 phải được khởi động điều tra trong vòng một giờ sau khi nhận được thông tin và các F1 phải có kết quả xét nghiệm trong 12 giờ; các F2 và mẫu xét nghiệm ổ dịch phải có kết quả trong 24 giờ. Trên cơ sở đó quyết định việc điều chỉnh phạm vi phong tỏa.

PGS, TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam nhận định, dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh đã âm thầm lây lan trong nhiều ngày qua. Hơn thế nữa đây là dịch do chủng mới SARS-CoV-2 lây lan rất nhanh.

Việc phát hiện những trường hợp F0 có sốt đi đến nhiều bệnh viện để khám là những ca chỉ điểm và là phần nổi của tảng băng chìm.

"Hiện nay dịch đã lây lan trong cộng đồng với nhiều chuỗi lây nhiễm khác nhau với đa nguồn lây, đa ổ dịch vì TP Hồ Chí Minh là nơi có sự giao lưu đi lại rất lớn. Vừa qua chúng ta đã phát hiện lây tại cộng đồng dân cư, trong doanh nghiệp, khu chợ, nhiều bệnh viện, thậm chí cả nhân viên trại giam…Vì vậy, khi chúng ta xét nghiệm diện rộng tăng lên hàng ngày thì tất nhiên số có kết quả xét nghiệm dương tính sẽ tăng lên”, ông Phu cho hay.

PGS, TS Trần Đắc Phu: TP Hồ Chí Minh cần xây dựng bản đồ nguy cơ đến từng địa bàn -0
 TP Hồ Chí Minh tăng tốc xét nghiệm để truy vết F0, khoanh vùng kịp thời.

Theo ông Phu, cũng cần phân tích các ca được xác định dương tính là đang ở trong khu cách ly hay trong khu phong tỏa để đánh giá hiệu quả của việc giãn cách, phong tỏa đã hiệu quả chưa.

“Để đánh giá số ca dương tính trên thực tế tại cộng đồng có giảm đi một cách thực sự hay không, để nhận định chính xác việc triển khai các biện pháp phòng bệnh có hiệu quả hay không, cần có phân tích dịch tễ thật kỹ càng. Trên cơ sở đó để Thành phố quyết định các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp”, ông Phu cho hay.

Theo chuyên gia này, TP Hồ Chí Minh đang chỉ đạo công tác phòng, chống dịch một cách đúng hướng. Tuy vậy cũng cần lưu ý tiến hành xét nghiệm với số lượng lớn người dân không chỉ để phát hiện các trường hợp F0 để khoanh vùng dập dịch, mà còn cung cấp các dữ liệu về nguy cơ để có biện pháp giãn cách, phong tỏa phù hợp.

“Qua đây chúng ta có thể lên được bản đồ nguy cơ đến từng địa bàn khu phố, thôn, phường, xã, quận huyện để áp dụng các biện pháp phù hợp. Chúng ta cũng không thể giãn cách toàn thành phố mãi được vì phải duy trì mục tiêu phát triển kinh tế và đến nay, nhiều khu vực đã bị phong tỏa thời gian quá dài”, ông Phu nói.

Về biện pháp xét nghiệm kháng nguyên nhanh, theo ông Phu chỉ nên áp dụng ở khu vực được đánh giá nguy cơ lây nhiễm cao được dự đoán đang có nhiều ca dương tính. Các nơi còn lại cần tiến hành làm xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp. Việc xét nghiệm nhiều một lúc cần đề phòng lây nhiễm chéo giữa những người được xét nghiệm và lây nhiễm cho nhân viên lấy mẫu.

Đặc biệt, việc xét nghiệm và trả kết quả phải nhanh, nếu trả kết quả chậm, việc can thiệp các ổ dịch có ca F0 bị chậm và việc đánh giá nguy cơ cũng bị sai lệch. Do đó, phải ưu tiên việc xét nghiệm cho từng đối tượng, từng địa bàn.

Ông Phu nhấn mạnh, hiện nay dịch đã lan rộng ra cộng đồng, các biện pháp phòng, chống dịch theo cách giãn cách, phong tỏa, thực hiện nghiêm ngặt 5K là quan trọng nhất. Đặc biệt, Thành phố cần cấm hoặc hạn chế đám đông, cấm hoặc hạn chế đi lại khi không cần thiết, hạn chế các sinh hoạt đối với các hoạt động trong môi trường kín… nghĩa là cần tìm ra những hoạt động nguy cơ cao gây lây lan dịch bệnh để cấm hoặc hạn chế để cắt đứt nguồn lây.

Việc phong tỏa hoặc giãn cách tiếp địa bàn nào cần dựa trên kết quả xét nghiệm diện rộng. Đối với địa bàn nào thực hiện phong tỏa phải rất nghiêm, thực hiện “cửa đóng then cài”. Qua đó sẽ chấm dứt, hạn chế việc tiếp xúc giữa người bệnh với người lành, cắt đứt sự lây lan dịch bệnh và các trường hợp dương tính sẽ giảm đi.

Tuy nhiên, chuyên gia này cũng nhận định, dịch tại TP Hồ Chí Minh sẽ giảm từ từ, không giảm ngay một lúc hết được.

Tập trung khống chế dịch Covid-19 lây lan