Nhiều thách thức trong phòng chống lao

NDO -

NDĐT- Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng thứ 12 trong 22 nước có tình hình dịch tễ lao cao nhất toàn cầu, đồng thời đứng thứ 14 trong số 27 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới.

Bệnh nhân điều trị lao tại Bệnh viện Lao phổi T.Ư.
Bệnh nhân điều trị lao tại Bệnh viện Lao phổi T.Ư.

Gia tăng bệnh nhân lao nguy cơ cao ở nhóm suy giảm miễn dịch

Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 130.000 người mắc lao mới, 170.000 người mắc lao lưu hành, 18.000 người tử vong do bệnh lao. TS Hoàng Thị Phượng – Trưởng khoa Lao, BV Phổi T.Ư cho biết, hiện nay bệnh lao vẫn chưa thể kiểm soát và khống chế, gia tăng bệnh nhân lao nguy cơ cao ở nhóm bệnh nhân suy giảm miễn dịch như HIV, đái tháo đường…

Tỷ lệ người dân mắc bệnh đái tháo đường chiếm 50% dân số, nhóm bệnh nhân đái tháo đường là một trong những thành tố gây gia tăng bệnh lao. Bên cạnh đó, nhóm bệnh nhân nhiễm HIV cũng chiếm một tỷ lệ cao. Đại dịch HIV tuy bước đầu đã được khống chế nhưng số ca nhiễm HIV tích lũy tiếp tục tăng lên và đến lúc có nhiều bệnh nhiễm trùng cơ hội xuất hiện mà lao là bệnh phổ biến nhất ở người nhiễm HIV. Chẩn đoán lao/ HIV còn khó khăn, kết quả điều trị còn chưa có do tỷ lệ được điều trị ARV còn thấp.

BS Phượng cũng cho biết, Bệnh viện Lao phổi T.Ư đã điều trị nhiều bệnh nhân lao có HIV, nhưng những trường hợp này vừa dùng thuốc ARV, vừa dùng thuốc điều trị lao vì vậy không thể tránh khỏi tác dụng không mong muốn của hai nhóm thuốc này đè nặng trên người bệnh. Thời gian điều trị phù thuộc vào tổn thương của bệnh nhân, điều kiện kéo dài, tốn kém về nguồn lực.

Trại giam là nơi tập trung nhiều đối tượng có HIV, tỷ lệ bệnh lao, lao kháng đa thuốc, HIV trong trại giam cao. Tuy nhiên, công tác chống lao trong trại giam còn nhiều khó khăn như: Thiếu nguồn nhân lực có chất lượng, thiếu trang thiết bị chẩn đoán và điều trị lao…

Theo BS Phượng, tuy sản phụ mắc bệnh lao không nhiều nhưng nhóm lao thai sản cũng cần được quan tâm. Nhiều bà mẹ khi mang thai ho nhiều nghĩ là bị ho gió, viêm họng nên chủ quan, không đi kiểm tra sức khỏe. Bệnh mãi vẫn không khỏi, đến bệnh viện khám mới biết mình mắc bệnh lao, lúc đó bệnh đã tiến triển nặng. “Có những trường hợp thương tâm đứa bé sinh ra bị lao toàn thể. Ở BV chúng tôi đã chứng kiến ba trẻ lây lao từ mẹ bị tử vong do phát hiện muộn”, BS Phượng nói.

Lao đa kháng thuốc diễn biến phức tạp

Lao đa kháng thuốc là bệnh lao kháng với đa số loại thuốc điều trị lao thông thường. Mỗi năm Việt Nam có khoảng 3.500 trường hợp lao đa kháng thuốc và hàng nghìn trường hợp lao siêu kháng thuốc hết hy vọng được điều trị.

Theo PGS. TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc BV Phổi T.Ư, thuốc điều trị lao đa kháng thuốc đắt tiền hơn, liều điều trị cao hơn nhưng hiệu quả đôi khi không cao vì bệnh nhân đã kháng quá nhiều thuốc.

“Bệnh nhân phải điều trị dài, tác dụng phụ nhiều hơn, hiệu quả thấp hơn, thì việc điều trị cũng tốn nhiều công sức vì ngoài bác sĩ điều trị cũng cần có người giám sát tại cộng đồng. Thời gian điều trị kéo dài 20 tháng hoặc hơn, chưa kể tới việc bệnh nhân mất sức lao động, tốn công chăm sóc của người nhà…”, TS Nguyễn Viết Nhung nói.

TS Nguyễn Đức Chính (Chương trình Chống lao quốc gia) cho biết, lao đa kháng thuốc đang có diễn biến phức tạp do sự gia tăng của y tế tư nhân thực hành điều trị dưới chuẩn, diện bao phủ dịch vụ kiểm soát lao kháng thuốc còn thấp. Hoạt động lao kháng thuốc còn gặp một số thiếu sót trong quản lý bệnh nhân. Năng lực xét nghiệm, vận chuyển mẫu và hỗ trợ người bệnh còn hạn chế. Trong khi đó, tiến độ nâng cấp phòng xét nghiệm chuẩn quốc gia chậm, gây ảnh hưởng đến hoạt động lao kháng đa thuốc.

Sắp tới, Việt Nam sẽ là nước áp dụng đầu tiên thuốc chống lao mới cho các trường hợp lao tiền siêu kháng thuốc vào cuối năm 2014. TS Nguyễn Viết Nhung cho rằng: “Chỉ những bệnh nhân siêu kháng thuốc – kháng đa thuốc không còn khả năng cứu chữa bằng các loại thuốc khác mới nên đưa Sirturo vào điều trị. Việc điều trị bằng loại thuốc này phải được kiểm soát chặt chẽ, WHO sẽ có hướng dẫn bằng chính sách và phác đồ cụ thể”.

Ngân sách chống lao giảm

Theo TS Nguyễn Đức Chính, ngân sách nhà nước dành cho phòng chống lao năm 2014 giảm mạnh, từ 114 tỷ năm 2013 xuống còn 63 tỷ. Nhu cầu ngân sách để mua một năm thuốc chống lao cho khoảng 100.000 bệnh nhân lao phát hiện và điều trị hàng năm là khoảng 117 tỷ đồng. Kinh phí phòng chống lao phân bổ về cho các địa phương giảm chỉ còn 30% của năm trước, điều này ảnh hưởng lớn đến hoạt động chống lao tại các địa phương.

“Nếu không được đầu tư thuốc chống lao hàng một (miễn phí cho bệnh nhân) sẽ hết vào tháng 6-2014. Kinh phí được cấp từ nguồn ngân sách nhà nước chỉ đáp ứng khoảng ba tháng điều trị”, TS Nguyễn Đức Chính nói.

Để thực hiện mục tiêu tiến tới thanh toán bệnh lao, vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt "Chiến lược quốc gia phòng chống bệnh lao đến năm 2020 và tầm nhìn 2030". Chiến lược đã đề ra nhiều giải pháp cụ thể, trong đó tập trung xây dựng chế độ chính sách ưu đãi cho cán bộ, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế đang làm công tác phòng chống bệnh lao; nghiên cứu ban hành quy định để người có thẻ bảo hiểm y tế được thuận lợi trong khám chữa bệnh lao cũng như ưu đãi trong chi trả chi phí khám chữa bệnh lao từ Quỹ bảo hiểm y tế.

Chiến lược cũng khẳng định sẽ đẩy mạnh việc áp dụng các kỹ thuật mới vào khám phát hiện, chẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh lao; đầu tư nghiên cứu sản xuất thuốc trong nước đáp ứng nhu cầu điều trị cho người bệnh. Đặc biệt sẽ tăng cường tuyên truyền về bệnh lao và công tác phòng chống lao để người dân, đặc chủ động tiếp cận sử dụng dịch vụ khám phát hiện, chẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh lao do ngành y tế cung cấp.

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao quốc gia cho biết mục tiêu đặt ra từ năm 2015 đến 2020, Việt Nam giảm 30% số người mắc lao (giảm 6% mỗi năm), giảm 40% số người chết do lao trong năm năm (giảm 8%/ năm). Hiện nay, tốc độ giảm hai tỷ lệ này ở nước ta lần lượt là 4,6% và 4,4%/ năm.