Quá trình phát triển đất nước, đã có nhiều tấm gương cán bộ “6 dám” sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thách thức, hành động vì lợi ích chung, vì nước, vì dân. Có thể thấy rõ trong việc khởi xướng chủ trương “khoán mười” của cố Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Kim Ngọc. Khi triển khai chủ trương này ở Vĩnh Phúc vào thời điểm năm 1966, đã vấp phải rào cản ngay trong quy định của Đảng, Nhà nước cũng như những định kiến cũ. Khi đó, Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc nhận thức rõ, đưa chủ trương có tính chất “xé rào” này vào thực tế, cá nhân ông và tập thể có thể sẽ phải chịu trách nhiệm trước cấp trên.
Với tinh thần dám làm, dám chịu trách nhiệm, ông đã tỏ rõ phẩm chất người cộng sản chân chính, quyết tâm thực hiện với một mục đích duy nhất đem lại ấm no cho người nông dân. Những sáng tạo, dám đổi mới cách thức quản lý trong nông nghiệp, gắn lợi ích của người nông dân với kết quả lao động từ “khoán hộ”, đã góp phần thay đổi tư duy lý luận và tổng kết thực tiễn, là cơ sở quan trọng để Đảng từng bước hoạch định chủ trương đổi mới cơ chế quản lý trong nông nghiệp.
Trong giai đoạn hiện nay, qua gần 40 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt nhiều thành tựu to lớn, được khẳng định bằng cơ đồ, tiềm lực, vị thế quốc tế. Tuy nhiên, còn đó nhiều thách thức, khó khăn, như Đại hội XIII của Đảng đã nhận định: Các mối đe dọa độc lập, chủ quyền, lợi ích chiến lược của đất nước, vấn đề an ninh phi truyền thống, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, cạn kiệt tài nguyên, xu hướng già hóa dân số; tình trạng suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; sự chống, phá quyết liệt của các thế lực thù địch, các tổ chức phản động...
Xây dựng đội ngũ cán bộ “6 dám” là cần thiết, quan trọng đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên trong giai đoạn hiện nay.
Trong bối cảnh có những thay đổi bất ngờ, nhanh chóng của tình hình thế giới, sự cạnh tranh gay gắt của thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ tư, những ảnh hưởng tiêu cực từ kinh tế thị trường, có tác động nhiều chiều đến tư tưởng, tâm lý của một bộ phận cán bộ, đảng viên; nảy sinh những biểu hiện “suy thoái”, “tự chuyển hóa”, “tự diễn biến” trong nội bộ. Suy thoái là nguồn gốc của tham nhũng, tiêu cực, những hành vi bất chấp vì tư lợi, “lợi ích nhóm”. Suy thoái cũng sinh ra tư duy “bình quân chủ nghĩa”, không dám làm, sợ sai, sợ trách nhiệm, làm cản trở lý tưởng cống hiến, ý thức dấn thân, tiên phong, gương mẫu, vì nước, vì dân của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Nếu không kịp thời thay đổi tư duy, thì đó sẽ là rào cản làm tuột mất những cơ hội phát triển. Do vậy, xây dựng đội ngũ cán bộ “6 dám” là cần thiết, quan trọng đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên trong giai đoạn hiện nay.
Song song với đó, chúng ta cần nâng cao hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực; nhất là tuyên truyền, giáo dục, xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực; thực hiện hiệu quả Quy định của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới, góp phần thực hiện các giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; tạo môi trường, điều kiện để thúc đẩy đổi mới, phát huy sáng tạo và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.
Đây là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, đòi hỏi các cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu phải nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác giáo dục, đào tạo đội ngũ cán bộ; sớm nghiên cứu cơ chế động viên, khuyến khích đội ngũ cán bộ dám nghĩ, dám làm; khơi dậy mạnh mẽ ý thức trách nhiệm, khát vọng cống hiến, tinh thần đổi mới, hết lòng, hết sức vì nhân dân phục vụ; làm tốt khâu “then chốt” tạo đà để nhanh chóng nắm bắt, chuyển hóa thách thức thành thời cơ, tạo đột phá trong phát triển, phấn đấu đến năm 2030, nước ta là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao như mục tiêu Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.