Tiêu chí phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển

NDO -

Để triển khai thực hiện các kết luận, Nghị quyết của Đảng và Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, ngày 20-7, tại Hà Nội, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội phối hợp Ủy ban Dân tộc tổ chức hội thảo “Tiêu chí phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển giai đoạn 2021-2025”. 

Toàn cảnh buổi Hội thảo (Ảnh: ĐĂNG KHOA)
Toàn cảnh buổi Hội thảo (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Kết quả phân định được Đảng và Nhà nước làm căn cứ để xây dựng và tổ chức thực thi nhiều chính sách phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng vùng, từng địa bàn; tập trung nguồn lực đầu tư, hỗ trợ cho các tỉnh vùng dân tộc thiểu số và miền núi phát triển kinh tế - xã hội. 

Hội thảo với sự chủ trì của các Ủy viên T.Ư Đảng: Hà Ngọc Chiến, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; Đỗ Văn Chiến, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; cùng sự tham dự của Đại diện Thường trực các Ủy ban của Quốc hội; đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành trung ương; các vị đại biểu Quốc hội; đại diện lãnh đạo 25 tỉnh, thành phố thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi.  

Xuất phát từ yêu cầu và tầm quan trọng của việc phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, việc phân định vùng dân tộc và miền núi theo trình độ phát triển đã được chỉ đạo, tổ chức thực hiện từ năm 1996.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến đánh giá: “Những chính sách áp dụng theo kết quả phân định đã và đang phát huy hiệu quả, có những chuyển biến quan trọng, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào từng bước được nâng cao, diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã thay đổi rõ rệt...”.  

Hội thảo này thực hiện Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về công tác dân tộc trong tình hình mới; Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội về việc phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/5/2020 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội về việc phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, trong đó giao Chính phủ “Xây dựng và ban hành tiêu chí phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển bảo đảm toàn diện, khách quan, khoa học, chính xác, làm cơ sở xác định đối tượng, địa bàn cần ưu tiên để tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm”. 

Trên cơ sở này, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 28/NQ-CP ngày 10-3-2020, giao cho Thủ tướng Chính phủ quyết định bộ tiêu chí phân định cụ thể và quyết định công nhận danh sách xã khu vực III, khu vực II, khu vực I. Cơ quan chủ trì soạn thảo (Ủy ban Dân tộc) đã Dự thảo quyết định tiêu chí và kết quả phân định sơ bộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Tại hội thảo, Dự thảo về Đề án tiêu chí phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 được Phó Vụ trưởng Vụ chính sách dân tộc, Ủy ban Dân tộc Nguyễn Văn Tân trình bày.

Phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thành ba khu vực và thôn đặc biệt khó khăn (ĐBKK) để thực hiện các chính sách nhiệm vụ theo Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2030.

So sánh tiêu chí giai đoạn 2021-2025 với giai đoạn 2016-2020, về xác định vùng dân tộc thiểu số và miền núi: trước đây, vùng dân tộc thiểu số và miền núi được xác định đưa vào danh sách các xã, thôn đã thực hiện từ năm 1996 có bổ sung các xã chia tách, thành lập mới. Tuy nhiên, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn chưa được xem xét, nên có nhiều xã, thôn không có dân tộc thiểu số hoặc có rất ít cũng được phê duyệt là xã, thôn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Để khắc phục vấn đề trên, vùng dân tộc thiểu được quy định là các xã, thôn có hơn 15% hộ dân tộc thiểu số sinh sống…

Theo Dự thảo, tiêu chí xã ĐBKK (xã khu vực III): Các phường, thị trấn không thuộc đối tượng phân định xã đặc biệt khó khăn. Địa bàn ĐBKK (xã khu vực III, thôn ĐBKK): là các xã (thôn) tập trung đông đồng bào DTTS, có tỷ lệ hộ nghèo cao; kinh tế, xã hội chậm phát triển; chất lượng nguồn nhân lực thấp; hạ tầng cơ sở yếu kém, nhất là về giao thông, điều kiện khám chữa bệnh, điều kiện học tập của con em đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn… Các xã (thôn) nêu trên sẽ được Nhà nước ưu tiên, tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng; phát triển nguồn nhân lực và tạo điều kiện để người dân tiếp cận với các dịch vụ cơ bản, để từng bước thu hẹp khoảng cách so với vùng phát triển.

Địa bàn còn khó khăn (xã khu vực II): Là các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống thành cộng đồng, còn thiếu hụt một hoặc một số điều kiện về cơ sở hạ tầng và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Đối với các xã khu vực II, nhà nước tập ưu tiên thực hiện các chính sách đối với con người, hỗ trợ tạo sinh kế, đầu tư bổ sung hạ tầng còn thiếu hụt.

Địa bàn bước đầu phát triển (Xã khu vực I): Bao gồm các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới; các xã có tỷ lệ hộ nghèo dưới 10%. Đối với những xã này, cơ bản để thực hiện chính sách đối với con người thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo.

Tại hội thảo này, Dự thảo Quyết định về tiêu chí phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển giai đoạn 2021- 2025 nhận được nhiều ý kiến tập trung trao đổi, phân tích, đánh giá tính khoa học, sự phù hợp của các tiêu chí phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển qua các giai đoạn trước đây, cũng như khó khăn, tồn tại, bất cập và những vấn đề rút ra cần tiếp tục hoàn thiện trong giai đoạn tới. 

Các đại biểu cơ bản thống nhất với Dự thảo, theo đó, nội dung chính của dự thảo quy định tiêu chí xã, thôn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, tiêu chí xã đặc biệt khó khăn, tiêu chí xã bước đầu phát triển, tiêu chí xã còn khó khăn, tiêu chí thôn đặc biệt khó khăn. 

Trước những ý kiến băn khoăn của một số tỉnh về tiêu chí phân định, Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh, đối với xã không đạt các tiêu chí xã ĐBKK thì xem xét, xác định thôn ĐBKK, trong đó trường hợp các thôn có tỷ lệ hộ nghèo từ 15% đến dưới 20% (đối với khu vực đồng bằng Sông Cửu Long từ 12% đến dưới 15%), nếu có một trong các điều kiện sau thì được xác định là thôn ĐBKK: Có trên 60% hộ nghèo là hộ dân tộc thiểu số trong tổng số hộ nghèo của thôn. Chưa có đường từ thôn đến trung tâm xã hoặc có đường nhưng đi lại rất khó khăn, nhất là mùa mưa. Chưa có điện lưới quốc gia hoặc đã có nhưng trên 30% số hộ chưa được sử dụng điện lưới quốc gia. Bộ trưởng lưu ý, chỉ một trong các điều kiện được xác định là thôn đặc biệt khó khăn. Các tỉnh sẽ rà soát lại lần cuối để tránh thiệt thòi của đồng bào dân tộc thiểu số. 

Tuy nhiên, Điều 3 về tiêu chí xã ĐBKK (khu vực III) và Điều 6 về tiêu chí thôn ĐBKK nhận được nhiều ý kiến đánh giá, bàn thảo của đại diện lãnh đạo các địa phương như Bình Phước, Bắc Cạn, Cao Bằng, Bình Định, Lào Cai, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Sóc Trăng, Kiên Giang... Tại Điều 3, về tiêu chí xã đặc biệt khó khăn (khu vực III), nên chăng dự thảo cần bổ sung phường, thị trấn cũng thuộc đối tượng phân định xã đặc biệt khó khăn. 

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho rằng, xã đặc biệt khó khăn chỉ có xã và thôn, còn phường, thị trấn không nằm trong đối tượng điều chỉnh. Ban soạn thảo sẽ nghiên cứu, xem xét xử lý trường hợp cá biệt ở những nơi phường, thị trấn đã đạt chuẩn nông thôn mới nhưng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn nhiều khó khăn.

Ông Danh Phúc, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang, cho biết: “Bà con dân tộc thiểu số sống đan xen tại các ấp, trong khi đó mỗi ấp có tới vài trăm hộ. Vì thế, với đặc thù địa phương, xin đề xuất nên có tỷ lệ phù hợp, phân định tỷ lệ theo vùng, theo khu vực...”.

Đối với ý kiến của đại diện lãnh đạo một số tỉnh khu vực Tây Nam Bộ, Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến cho biết, sau hội thảo, sẽ tổ chức các đoàn công tác tại khu vực này để tập hợp ý kiến, đưa ra hướng giải quyết hài hòa... Về cách thức phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển được tiếp tục phân định thành ba khu vực để bảo đảm tính kế thừa và thống nhất trong áp dụng và tổ chức thực hiện các chính sách trên địa bàn. 

Kết luận hội thảo, Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến đánh giá: “Hội thảo này là rất quan trọng và cần thiết. Đối với các xã biên giới, xã bãi ngang ven biển, xã ATK trước đây thuộc chương trình 135, Ủy ban Dân tộc theo hướng tham mưu cùng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xã đặc biệt khó khăn được đầu tư là xã vùng dân tộc thiểu số... Trên cơ sở những đánh giá, kiến nghị, đề xuất, Ủy ban Dân tộc và Hội đồng Dân tộc của Quốc hội tổng hợp, bàn thảo, hoàn thiện bộ tiêu chí phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi trình cấp thẩm quyền phê duyệt...”.

Đây là những căn cứ quan trọng để áp dụng các chính sách dân tộc, ưu tiên đầu tư đối với những nơi có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn nhất, góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển giữa miền ngược với miền xuôi, giữa đồng bào dân tộc thiểu số với người đa số và giữa các dân tộc thiểu số trên địa bàn. 
 

Xác định xã ĐBKK (xã khu vực III): Các phường, thị trấn không thuộc đối tượng phân định xã đặc biệt khó khăn.
(1) Là xã thuộc vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi; chưa được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
(2) Tỷ lệ hộ nghèo từ 20% trở lên (đối với các xã thuộc khu vực đồng bằng Sông Cửu Long từ 15% trở lên hoặc có hơn 150 hộ DTTS nghèo/xã).
(3) Trường hợp các xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 15% đến dưới 20% (đối với các xã thuộc khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long từ 12% đến dưới 15%), nếu có một trong các điều kiện sau thì cũng được xác định là xã đặc biệt khó khăn:
- Hơn 60% hộ nghèo là hộ DTTS trong tổng số hộ nghèo của xã.
- Có từ 20% trở lên số người DTTS trong độ tuổi từ 15 đến 60 mù chữ (theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo).
- Trên 80% lao động có việc làm nhưng chưa qua đào tạo từ 3 tháng trở lên.
- Đường giao thông từ trung tâm huyện, lỵ đến trung tâm xã trên 20km, trong đó có trên 50% số km chưa được rải nhựa hóa hoặc đổ bê tông.
* Xác định xã bước đầu phát triển (xã khu vực I):
Là xã thuộc vùng DTTS và miền núi có tỷ lệ hộ nghèo dưới 10% hoặc xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
*Xác định xã còn khó khăn (xã thuộc khu vực II):
Là các xã còn lại của vùng DTTS và miền núi, sau khi đã xác định xã khu vực III và xã khu vực I.
*Xác định thôn ĐBKK:
Đối với xã không đạt các tiêu chí xã ĐBKK thì xem xét, xác định thôn ĐBKK (không áp dụng đối với phương, thị trấn, và xã, thôn đã đạt chuẩn nông thôn mới):
(1) Tỷ lệ hộ nghèo của thôn từ 20% trở lên (đối với khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long từ 15% trở lên hoặc có hơn 30 hộ DTTS nghèo/thôn).
(2) Trường hợp các thôn có tỷ lệ hộ nghèo từ 15% đến dưới 20% (đối với khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long từ 12% đến dưới 15%), nếu có một trong các điều kiện sau thì được xác định là thôn ĐBKK:
- Có trên 60% hộ nghèo là hộ DTTS trong tổng số hộ nghèo của thôn.
- Chưa có đường từ thôn đến trung tâm xã hoặc có đường nhưng đi lại rất khó khăn, nhất là mùa mưa.
- Chưa có điện lưới quốc gia hoặc đã có nhưng trên 30% số hộ chưa được sử dụng điện lưới quốc gia.