Tiếp tục triển khai hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về phát triển văn hóa

NDO - Ngày 18/8, tại Hà Nội, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương có buổi làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về kết quả công tác nửa nhiệm kỳ triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
0:00 / 0:00
0:00
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu kết luận buổi làm việc.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu kết luận buổi làm việc.

Cùng dự buổi làm việc có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ Trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch; đại diện lãnh đạo một số bộ, ban, ngành Trung ương, các cục, vụ, viện… trực thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Đánh giá kết quả nổi bật qua nửa nhiệm kỳ, trên 6 nhóm nhiệm vụ công tác, đồng chí Nguyễn Văn Hùng nêu rõ, bước vào nhiệm kỳ 2021-2025, Ban Cán sự đảng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và lãnh đạo Bộ đã đề ra phương châm hành động của cả nhiệm kỳ là “Quyết liệt hành động - Khát vọng cống hiến” nhằm tạo sức bật mới, quyết tâm chính trị cao tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ đã đặt ra và bước đầu đạt được những kết quả đáng ghi nhận trên cả 3 lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch.

Tiếp tục triển khai hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về phát triển văn hóa ảnh 1

Đồng chí Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ gợi mở một số vấn đề về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong giai đoạn mới.

Đặc biệt, sau Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, các hoạt động kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam, nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa đối với sự phát triển bền vững đất nước đã được nâng lên và lan tỏa trong xã hội. Khung khổ pháp lý cho hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch được rà soát tổng thể, từng bước hoàn thiện.

Nguồn lực đầu tư cho văn hóa từng bước được quan tâm theo hướng chăm lo cho văn hóa, đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho sự phát triển bền vững, có tính chất lâu dài.

Các chương trình văn hóa, nghệ thuật phục vụ các sự kiện chính trị, nhu cầu hưởng thụ của nhân dân được tổ chức thực hiện bài bản, có trọng tâm, trọng điểm, dưới nhiều hình thức, trực tiếp và trực tuyến, khắc phục tình trạng chênh lệch về mức hưởng thụ văn hoá giữa các vùng trong cả nước, nổi bật là mô hình “Nhà hát online”, các chương trình nghệ thuật với chủ đề “San sẻ yêu thương, vượt qua đại dịch” được phát trên nền tảng số đã kịp thời khích lệ, động viên, cổ vũ tinh thần nhân dân vượt qua đại dịch.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” từng bước đi vào thực chất, góp phần xây dựng môi trường văn hóa, xây dựng con người, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản văn hóa, văn hóa các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được quan tâm.

Công tác thông tin đối ngoại và ngoại giao văn hóa được tăng cường hiệu quả quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Việt Nam đã ứng cử thành công với số phiếu cao nhất vào Ủy ban liên Chính phủ Công ước về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể giai đoạn 2022 2026.

Phong trào thể thao quần chúng được thúc đẩy, thu hút hơn 17 triệu người tham gia tập luyện thể dục thường xuyên. Thể thao thành tích cao đạt một số kết quả ấn tượng. Du lịch nội địa tăng trưởng tích cực, du lịch quốc tế từng bước phục hồi.

Tiếp tục triển khai hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về phát triển văn hóa ảnh 2

Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ Trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo tại buổi làm việc.

Thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế, đồng chí Nguyễn Văn Hùng cho rằng, việc xây dựng, trình phê duyệt một số chương trình, đề án xương sống của ngành còn chậm, như Chiến lược phát triển thể thao Việt Nam đến năm 2030; việc phát triển du lịch, công nghiệp văn hóa chưa tương xứng tiềm năng, lợi thế, cơ hội về thiên nhiên, con người, truyền thống văn hóa-lịch sử…

Công tác quản lý nhà nước thông qua các công cụ pháp luật từng bước đi vào nền nếp, nhưng việc kiểm tra, giám sát, xử lý các sai phạm thuộc lĩnh vực quản lý đã phân cấp cho các địa phương cần được thực hiện thường xuyên, chặt chẽ hơn nữa, nhất là trong công tác quản lý về di sản, tổ chức các hoạt động biểu diễn, tổ chức lễ hội...

Tại Hội thảo các đại biểu là các chuyên gia, nhà quản lý, lãnh đạo các cục, vụ, viện trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Ban Tuyên giáo Trung ương chia sẻ những kết quả đạt được, bài học kinh nghiệm, đồng thời tập trung đề xuất, kiến nghị nhiều vấn đề, giải pháp nhằm thúc đẩy, chấn hưng văn hóa. Trong đó, tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy; tiếp tục đổi mới cách thức tiếp cận và tư duy quản lý, từ “làm văn hóa” sang “quản lý nhà nước về văn hóa”; hoàn thiện thể chế; tiếp cận, khai thác các giá trị văn hóa trên tinh thần văn hóa là kết quả của kinh tế, đồng thời là động lực của sự phát triển kinh tế…

Phát biểu ý kiến, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá cao những kết quả mà ngành văn hóa, thể thao và du lịch đạt được hơn nửa nhiệm kỳ qua. Tuy nhiên, để có cái nhìn toàn diện, cần có thêm những đánh giá đầy đủ, sâu sắc, phải thực hiện từ cấp cơ sở, địa phương. Từ đó nhìn ra những chuyển động, đổi mới sau khi thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Theo Phó Thủ tướng, những hạn chế tồn tại trong ngành văn hóa và công tác quản lý văn hóa có nguyên nhân là do một bộ phận cán bộ chưa nhận thức đúng về tầm quan trọng của văn hóa, chưa đặt văn hóa ngang hàng với kinh tế, chính trị… Do vậy, vẫn còn tình trạng chậm thể chế hóa, phát triển văn hóa chưa đồng bộ, nặng về hình thức; môi trường văn hóa bị ô nhiễm bởi tệ nạn tham nhũng, tiêu cực.

Trong nửa nhiệm kỳ tới, ngành văn hóa, thể thao và du lịch cần tập trung rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung những luật liên quan quản lý văn hóa; tiếp tục phát hiện, gìn giữ, bảo tồn và phát triển các di sản vật thể và phi vật thể; xây dựng chương trình mục tiêu về văn hóa; tập trung đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ những người làm văn hóa vừa có tâm, vừa có tầm, tạo ra những giải pháp đột phá, đổi mới về tư duy để chấn hưng “đại công trình” về văn hóa.

Tiếp tục triển khai hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về phát triển văn hóa ảnh 3

Quang cảnh hội nghị.

Kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa biểu dương những nỗ lực của toàn ngành văn hóa, thể thao và du lịch thời gian qua.

Dự báo tình hình thế giới và trong nước, đồng chí lưu ý, để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, từ nay đến cuối nhiệm kỳ, Ban Cán sự đảng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh quán triệt, tuyên truyền sâu rộng các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, văn bản của Đảng về phát triển văn hóa; trọng tâm là Nghị quyết Đại hội XIII và 6 nhóm nhiệm vụ, 4 nhóm giải pháp trong bài phát biểu chỉ đạo rất quan trọng của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc; tạo bước chuyển biến căn bản, toàn diện về nhận thức của đội ngũ cán bộ ngành văn hóa, làm hạt nhân lan tỏa trong hệ thống chính trị và toàn xã hội về vị trí, vai trò, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ mới.

Đồng chí đề nghị, Ban Cán sự Đảng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, cách thức tiếp cận, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa; tập trung nghiên cứu, rà soát, khẩn trương thể chế hóa đầy đủ đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng thành luật pháp và các chính sách cụ thể, khả thi; nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật và các chiến lược, quy hoạch, chương trình, dự án, đề án đã ban hành; đẩy mạnh công tác sắp xếp lại tổ chức bộ máy quản lý văn hóa từ Trung ương đến cơ sở theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, gắn với xã hội hóa các dịch vụ công theo lộ trình hợp lý.

Lãnh đạo Bộ cần quan tâm đầu tư xây dựng, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2026-2030. Nâng cao năng lực thực thi pháp luật; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch…

Trong thời gian tới, Ban Cán sự Đảng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ xây dựng và triển khai hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới; đưa các hệ giá trị thấm sâu vào đời sống, trở thành “nền tảng”, “ngọn hải đăng” cho sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong giai đoạn mới.

Tiếp tục triển khai hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về phát triển văn hóa ảnh 4

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa với các đại biểu.

Đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, để hoạt động văn hóa thực sự có hiệu quả, cần phải rà soát, điều chỉnh, bổ sung chính sách, nâng cao hiệu quả của các thiết chế văn hóa cơ sở, nhất là ở các khu công nghiệp, khu đô thị mới; bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, văn hóa tốt đẹp của các dân tộc, gắn với triển khai các Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở 6 vùng kinh tế-xã hội của cả nước, phù hợp đặc thù vùng, miền, dân tộc, tôn giáo…

Nâng cao hiệu quả đầu tư công, tập trung tháo gỡ các “nút thắt”, “điểm nghẽn” chính sách, khơi thông các nguồn lực xã hội, nguồn lực trong nước và nước ngoài cho sự nghiệp văn hóa; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, công nghệ và chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa. Toàn ngành cần tập trung xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác văn hóa tương xứng với yêu cầu và nhiệm vụ trong giai đoạn mới.