Ðể đáp ứng yêu cầu đó, ngành BHXH Việt Nam đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh chuyển đổi số tạo thuận lợi cho người tham gia và thụ hưởng các quyền lợi BHXH, BHYT, nhất là BH thất nghiệp; tổ chức phương án chi trả chế độ hưu trí, trợ cấp BHXH hằng tháng phù hợp, nhất là tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội; đẩy nhanh tiến độ, đơn giản hóa thủ tục và rút ngắn thời gian giải quyết các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do Covid-19 theo Nghị quyết của Chính phủ và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ… Trong điều kiện khó khăn chung, dù đã rất nỗ lực, nhưng một số mặt công tác của ngành, nhất là công tác phát triển người tham gia, mở rộng diện bao phủ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cũng phải đối mặt với không ít trở ngại, dù phát triển BHXH tự nguyện được xem là
"điểm sáng".
Theo BHXH Việt Nam, tám tháng năm 2021, số người lao động tham gia BHXH bắt buộc trong cả nước giảm tới hơn 950 nghìn người so cùng kỳ (giảm hơn 1,4 triệu người so cuối năm 2020). Cũng trong thời gian này, số người lao động tham gia BH thất nghiệp cũng giảm hơn 900 nghìn người so tám tháng đầu năm 2020 (giảm hơn 1,4 triệu người so tám tháng trước).
Có thể nói, đây cũng là diễn biến phù hợp thực trạng của nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch. Theo Tổng cục Thống kê, tám tháng qua, số doanh nghiệp thành lập mới cũng như số việc làm mới do các doanh nghiệp này tạo ra trong cả nước đã có sự suy giảm đáng kể. Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại nhiều địa phương cũng là lý do chính dẫn đến việc hơn 85 nghìn doanh nghiệp phải tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 24,2% so cùng kỳ năm 2020, khiến cho một số lượng lớn lao động phải tạm hoãn hợp đồng lao động, mất việc làm, không có thu nhập, không tiếp tục tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp...
Ðể đáp ứng được sự kỳ vọng vào một hệ thống an sinh xã hội vững mạnh với độ bao phủ BHXH, BHYT cao; bên cạnh việc tiếp tục phát huy những cách làm, kết quả đã đạt được trong phát triển BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, toàn ngành BHXH cần không ngừng nỗ lực thực hiện công tác thu và phát triển người tham gia BHXH, BHYT trong bốn tháng cuối năm 2021 theo kế hoạch được BHXH Việt Nam ban hành đầu tháng 9 vừa rồi. Trong đó, BHXH các địa phương cần chủ động bám sát tình hình thực tế, căn cứ vào những giải pháp cụ thể đã được BHXH Việt Nam xác định trong hai tình huống: Dịch bệnh được kiểm soát hoặc dịch bệnh có diễn biến phức tạp, để xây dựng, triển khai phương án phù hợp thực tiễn từng địa phương để thực hiện hiệu quả mục tiêu đề ra đối với từng đơn vị cũng như toàn ngành■
Song Hoàng