Tiếp tục kế thừa, sáng tạo, phát huy di sản tư tưởng vĩ đại của Ph. Ăng-ghen

Hôm nay, 28-11, giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên toàn thế giới kỷ niệm 200 năm Ngày sinh Ph.Ăng-ghen - nhà cách mạng, nhà triết học, nhà tư tưởng, nhà lý luận chính trị, nhà giáo dục người Đức, người đã cùng C.Mác sáng lập, phát triển học thuyết về chủ nghĩa cộng sản, lý luận về con đường cách mạng, khoa học để xây dựng hình thái kinh tế - xã hội mới không còn áp bức giai cấp. Hơn một thế kỷ qua, từ cống hiến vô cùng to lớn của ông, Ph.Ăng-ghen được tôn vinh là lãnh tụ thiên tài của giai cấp công nhân, di sản tư tưởng vĩ đại của C.Mác và Ph.Ăng-ghen luôn là ánh sáng soi đường cho phong trào cách mạng của giai cấp công nhân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, phấn đấu đạt tới mục tiêu cao cả của loài người là xóa bỏ tình trạng người bóc lột người và giải phóng nhân dân lao động, xây dựng xã hội mới mang bản chất dân chủ, bình đẳng và ngày càng văn minh, mọi người được sống trong hạnh phúc, cùng có cơ hội phát triển.

Tiếp tục kế thừa, sáng tạo, phát huy di sản tư tưởng vĩ đại của Ph. Ăng-ghen

Sinh ngày 28-11-1820 tại Vương quốc Phổ (bộ phận cấu thành, chi phối sự ra đời nước Đức), từ nhỏ Ph.Ăng-ghen đã chứng kiến sự bóc lột tàn bạo của giai cấp thống trị và cuộc sống bần cùng, bế tắc của người lao động. Tình trạng đó tác động đến suy nghĩ của Ph.Ăng-ghen, giúp ông sớm hình thành một tính cách độc lập. Trong ông từng bước hình thành ý thức chính trị, và đã quyết định không trở thành thương gia mà trở thành người đấu tranh vì tiến bộ xã hội. Cuộc đời Ph.Ăng-ghen là hành trình của nhà tư tưởng, và nhà hoạt động thực tiễn. Dù sống trong hoàn cảnh, điều kiện nào ông cũng luôn gắn bó với thực tiễn để khám phá, tìm nguyên nhân, khái quát bản chất vấn đề, sự kiện, hiện tượng, tìm ra các quy luật chung nhất của quá trình phát triển, xác định thế giới quan, nguyên tắc phương pháp luận để giải quyết mọi vấn đề đặt ra một cách khoa học, hiệu quả.
 
 Từ các bài viết đăng báo đến những tác phẩm xuất sắc như: Tình cảnh của giai cấp công nhân ở Anh, Những phác thảo phê phán môn kinh tế chính trị học, Cách mạng và phản cách mạng ở Đức, Chống Đuyrinh, Luận văn quân sự, Nguồn gốc gia đình, Chế độ tư hữu và Nhà nước, L.Phoi-ơ-bach và sự cáo chung của triết học cổ điển Đức, Biện chứng tự nhiên,... và các tác phẩm viết chung với C.Mác như Gia đình Thần thánh, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, hoàn thiện bản thảo in tập II và III của bộ Tư bản,... Ph.Ăng-ghen trở thành con người có trí tuệ, tầm nhìn vượt thời đại. Ông từng bước nhận thức về vấn đề vận động tiến lên của lịch sử loài người đến những hình thái cao hơn với quan điểm biện chứng về lịch sử và các hiện tượng trong đời sống xã hội. Ông đến với chủ nghĩa duy vật, tham gia phát triển, bảo vệ tư tưởng về sự thống nhất của thế giới, về sự tất yếu nội tại và tính quy luật, đến việc xuất hiện giai cấp trong xã hội; ông khẳng định: không thể xóa bỏ được mâu thuẫn giữa giai cấp vô sản với giai cấp tư sản, và phía sau cuộc đấu tranh của các đảng phái luôn ẩn giấu cuộc đấu tranh của các giai cấp. Ông áp dụng phương pháp biện chứng vào việc phân tích các quan hệ kinh tế của xã hội tư sản, chỉ ra sự thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập, coi đó là cơ sở của phát triển; chỉ rõ chế độ tư hữu tư bản chủ nghĩa là cơ sở của toàn bộ sinh hoạt vật chất và tinh thần của xã hội tư sản...
 
 Tháng 8-1844, cuộc gặp gỡ với C.Mác trở thành một dấu ấn quan trọng trong cuộc đời, sự nghiệp của Ph.Ăng-ghen. Cùng chung chí hướng, hai ông đã xây dựng một tình bạn cao cả và cảm động, như V.I.Lê-nin viết: “Từ ngày mà vận mệnh đã gắn liền Các Mác với Phri-đrích Ăng-ghen thì sự nghiệp suốt đời của hai người bạn ấy trở thành sự nghiệp chung của họ” (V.I.Lê-nin, Toàn tập, tập 2, NXB Tiến bộ, M.1978, tr.3). Hai ông đã kế thừa các trào lưu tư tưởng tiến bộ nhất của loài người đến thế kỷ 19, tổng kết thực tiễn của thời đại mình để sáng tạo một học thuyết hoàn chỉnh, chặt chẽ, tính khoa học thống nhất với tính cách mạng triệt để. Cùng với C.Mác, Ph.Ăng-ghen đã bảo vệ và phát triển triết học duy vật, sáng tạo chủ nghĩa duy vật biện chứng, mở ra bước ngoặt cơ bản trong triết học, và cung cấp một cách nhìn mới mẻ, một công cụ sắc bén để giải thích, nhận thức và cải tạo thế giới; chủ nghĩa duy vật lịch sử là thành quả vĩ đại của tư tưởng khoa học, phát hiện được tính quy luật của sự phát triển xã hội, tính tất yếu của quá trình chuyển biến từ hình thái kinh tế - xã hội này sang hình thái kinh tế - xã hội khác cao hơn. Cùng với C. Mác, Ph. Ăng-ghen dựa vào kinh tế chính trị học cổ điển để xây dựng một học thuyết kinh tế mới, đem lại cuộc cách mạng thực sự trong kinh tế chính trị học; với việc nghiên cứu và phát hiện quy luật giá trị thặng dư, các ông tìm ra phương thức bóc lột tư bản chủ nghĩa, luận chứng trên cơ sở khoa học về sự diệt vong tất yếu của chủ nghĩa tư bản và thắng lợi của chủ nghĩa cộng sản. Cùng với C.Mác, Ph.Ăng-ghen phân tích chủ nghĩa tư bản để phát hiện các quy luật vận động và phát triển của nó; khẳng định đấu tranh giai cấp là động lực phát triển của xã hội có giai cấp, chỉ ra rằng lực lượng duy nhất có khả năng xây dựng xã hội mới là giai cấp công nhân do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Vì vậy, chủ nghĩa xã hội theo tư tưởng của C.Mác, Ph.Ăng-ghen là chủ nghĩa xã hội khoa học.
 
 Kết quả tổng hòa từ thành tựu tư tưởng của Ph.Ăng-ghen là cùng C.Mác tìm ra “chìa khóa” giúp nhân loại mở cánh cửa của một thời đại mới. Với cách mạng Việt Nam, ngay từ đầu chủ nghĩa Mác - Lê-nin, trong đó có tư tưởng thiên tài của Ph.Ăng-ghen, được xác định là nền tảng tư tưởng, được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam vận dụng một cách sáng tạo để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong đấu tranh giành độc lập và trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc ngày nay, di sản tư tưởng, lý luận quân sự của Ph.Ăng-ghen đã ảnh hưởng lớn đến quan điểm xây dựng nền quốc phòng toàn dân, đường lối chiến tranh nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân của Đảng và Nhà nước Việt Nam, giúp phân tích, nắm bắt nguồn gốc, bản chất, tính chất của chiến tranh, giải quyết vấn đề quan hệ con người với vũ khí, khẳng định vai trò của nhân dân và yếu tố chính trị - tinh thần trong chiến tranh...
 
 Ngày nay, tư tưởng của Ph.Ăng-ghen về triết học, kinh tế chính trị, chủ nghĩa xã hội khoa học vẫn giữ nguyên tính thời sự, có ý nghĩa quan trọng với sự nghiệp đổi mới của nước ta, nhất là trong nhận thức và làm sáng tỏ quy luật vận động phát triển tất yếu của cách mạng Việt Nam, giúp nhận thức đầy đủ hơn về quan hệ giữa mục tiêu của cách mạng với phương tiện phát triển kinh tế trong sự lựa chọn đi lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa nhưng vẫn tiếp thu, kế thừa các thành tựu nhân loại đã đạt được dưới chế độ tư bản, đặc biệt về khoa học, công nghệ. Kỷ niệm 200 năm Ngày sinh của Ph.Ăng-ghen, chúng ta khẳng định, ghi nhớ công lao vĩ đại của ông, đồng thời nhấn mạnh phép biện chứng duy vật cùng các nguyên tắc phương pháp luận khoa học luôn yêu cầu chúng ta xác định chủ nghĩa Mác - Lê-nin là một hệ thống mở, và việc vận dụng các nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lê-nin phải gắn với sự vận động của thực tiễn, cần tiếp tục nghiên cứu để bổ sung cơ sở khoa học, tổng kết thực tiễn và nghiên cứu lý luận, từ đó làm sáng tỏ hơn nữa lý luận về chủ nghĩa xã hội, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, củng cố nền móng tinh thần để toàn Đảng, toàn dân nỗ lực đạt đến mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.