Tổng kết tình hình thực hiện các giải pháp tài chính hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19 của Chính phủ mới đây cho thấy, dịch bệnh đã diễn ra từ năm 2020 cho đến nay, đặc biệt là bùng phát mạnh và khó lường trên phạm vi toàn cầu. Tác động của dịch Covid-19 đã khiến kinh tế thế giới cũng như kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Trước tác động của dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng tới tăng trưởng ở hầu hết các ngành, lĩnh vực chậm lại thậm chí suy giảm mạnh; tình hình đứt gãy thương mại quốc tế gây ra những hệ lụy tới hoạt động sản xuất và xuất, nhập khẩu của Việt Nam; tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm ở mức cao...
Theo số liệu thống kê, GDP năm 2020 chỉ tăng 2,91% (thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra là 6,8%) và là mức tăng thấp nhất của các năm trong giai đoạn 2011-2020. Hoạt động dịch vụ là lĩnh vực chịu tác động, ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19, mặc dù có mức tăng trưởng song cũng là mức thấp nhất của các năm trong giai đoạn 2011 – 2020.
Trong đó, có nhiều ngành hoạt động suy giảm nghiêm trọng, cụ thể như: vận tải (hàng không giảm 41,3% lượng hành khách, 39% về lượng hàng hóa vận chuyển); du lịch; dịch vụ lưu trú, ăn uống...
Sáu tháng đầu năm 2021, GDP tăng 5,64%, cao hơn tốc độ tăng 1,82% của 6 tháng đầu năm 2020 nhưng thấp hơn tốc độ tăng 7,05% và 6,77% của cùng kỳ năm 2018 và 2019. Các ngành nghề gặp khó khăn vẫn tập trung vào lĩnh vực dịch vụ.
Có tới 70,2 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm trước. Thực tế này đã ảnh hưởng đến cân đối thu, chi ngân sách nhà nước.
Báo cáo Quốc hội về tình hình ban hành và thực hiện cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, phục hồi kinh tế của Chính phủ cho biết, trong quá trình triển khai nhiều giải pháp thực hiện mục tiêu “kép”, Chính phủ chú trọng các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 đặt mục tiêu bảo vệ sức khỏe của người dân là trên hết.
Vì vậy, chính quyền các cấp chủ động nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành theo thẩm quyền các chính sách tài chính - ngân sách Nhà nước trong năm 2020 và những tháng đầu năm 2021 nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân ứng phó với đại dịch, duy trì và từng bước phục hồi sản xuất kinh doanh.
Trong các giải pháp về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất, năm 2020, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính chủ động nghiên cứu, báo cáo, ban hành và thực thi các chính sách thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất.
Trên cơ sở đó, Quốc hội đã quyết định tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2025 (dự kiến số tiền thuế được miễn bình quân mỗi năm trong giai đoạn 2021-2025 là 7,5 nghìn tỷ đồng; giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 (số tiền thuế giảm khoảng 5,5 nghìn tỷ đồng); điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh để giảm nghĩa vụ thuế cho cá nhân (số giảm thực tế khoảng 10,8 nghìn tỷ đồng cho khoảng 6 triệu người nộp thuế); giảm 30% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay (số thuế giảm khoảng 384 tỷ đồng cho 21 doanh nghiệp).
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã gia hạn thời hạn nộp thuế (thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân đối với hộ, cá nhân kinh doanh) và tiền thuê đất cho hầu hết các đối tượng là doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh gặp khó khăn.
Theo đó, số tiền thuế, tiền thuê đất được gia hạn thực tế của năm 2020 là 78,2 nghìn tỷ đồng cho gần 185,6 nghìn đối tượng nộp thuế. Chính phủ cũng sửa đổi biểu thuế xuất, nhập khẩu ưu đãi để giảm thuế suất nhiều nhóm mặt hàng (số tiền thuế đã giảm trong năm 2020 là 6,2 nghìn tỷ đồng); gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô-tô sản xuất, lắp ráp trong nước với số tiền thuế là 19,3 nghìn tỷ đồng cho 13 doanh nghiệp; giảm 15% tiền thuê đất cho một số đối tượng (số tiền giảm là 354 tỷ đồng cho 4.138 hồ sơ);...
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đã chủ trì, phối hợp với các Bộ rà soát, nghiên cứu thực hiện miễn, giảm nhiều khoản phí và lệ phí. Theo đó, số tiền lệ phí trước bạ đã giảm khoảng 7,3 nghìn tỷ đồng cho khoảng 209,6 nghìn lượt hồ sơ; số giảm các khoản phí, lệ phí khác khoảng 1 nghìn tỷ đồng.
Tổng số tiền thuế và thu ngân sách đã gia hạn, miễn, giảm theo các chính sách đã ban hành thực hiện năm 2020 đạt khoảng 129 nghìn tỷ đồng (trong đó số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn khoảng 97,5 nghìn tỷ đồng; số được miễn, giảm hơn 31,5 nghìn tỷ đồng).
Trong thực tế quá trình xây dựng các giải pháp nêu trên, có thể thấy, tại các văn bản đều đã quy định rõ việc áp dụng ngay các giải pháp hỗ trợ mà không phải chờ báo cáo mức độ ảnh hưởng.
Đồng thời, các đối tượng thụ hưởng sẽ tự xác định, kê khai số thuế phải nộp, đảm bảo việc thực hiện công khai, minh bạch và thuận lợi. Có thể thấy, đặt trong tổng thể các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân đã được ban hành và triển khai thực hiện vào thực tế, các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất nêu trên được đánh giá là kịp thời, có tác động tích cực và được cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân đánh giá cao, góp phần tháo gỡ khó khăn, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh và duy trì tăng trưởng của năm 2020.
Năm 2021, trong bối cảnh đại dịch, để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, Chính phủ đã chỉ đạo tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay (ước tính số tiền thuế được giảm để hỗ trợ doanh nghiệp khoảng 900 tỷ đồng); tiếp tục thực hiện giảm thuế suất thuế nhập khẩu; tiếp tục giảm mức thu 30 loại phí, lệ phí (ước tính số tiền phí, lệ phí được giảm khoảng 2.000 tỷ đồng); tổ chức thực hiện hiệu quả việc gia hạn thời hạn nộp các sắc thuế và tiền thuê đất trong năm 2021 (khoảng 115.000 tỷ đồng).
Việc ban hành và thực hiện các giải pháp nêu trên đã tiếp tục nhận được sự đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao của cộng đồng doanh nghiệp, người dân; đóng góp rất lớn vào kết quả tích cực về phát triển kinh tế xã hội trong 6 tháng đầu năm 2021.
Để bảo toàn được kết quả đạt được, trên cơ sở tình hình thực tế và điều kiện cân đối của ngân sách nhà nước, việc Chính phủ kiến nghị, đề xuất, Quốc hội cho phép tiếp tục thực hiện thêm một số giải pháp về miễn, giảm thuế đã thực sự hỗ trợ thiết thực doanh nghiệp, người dân trước diễn biến phức tạp và nhanh chóng của dịch Covid-19 như hiện nay. Gói hỗ trợ lần này ước tính khoảng 21.300 tỷ đồng.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, cả nước có gần 67,1 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 942,6 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 484,3 nghìn lao động, tăng 8,1% về số doanh nghiệp, tăng 34,3% về vốn đăng ký và giảm 4,5% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, cũng có tới 70,2 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: 35,6 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 22,1%; 24,7 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 25,7%; 9,9 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 33,8%. Tình hình này đặt Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) vào một điều kiện công tác mới, khó khăn hơn rất nhiều, đòi hỏi sự nỗ lực vượt bậc của toàn ngành.
(Bài viết có tài trợ)