Trong công tác cán bộ thì việc quy hoạch cán bộ là khâu mở đầu, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, bảo đảm cho công tác cán bộ đi vào nền nếp, chủ động, có tầm nhìn xa, đáp ứng cả yêu cầu trước mắt và lâu dài. Nhiệm kỳ này, Trung ương làm công tác quy hoạch cán bộ một cách căn cơ, bài bản và chặt chẽ hơn so với cách làm trước đây. Tinh thần là làm từng bước, từng việc, chắc chắn, chặt chẽ; quy hoạch xong Ban Chấp hành Trung ương mới làm quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sau đó mới đến các chức danh chủ chốt (trước đây là làm luôn một lần tất cả các bước quy hoạch trên). Ðồng thời, thường xuyên rà soát, kịp thời phát hiện những trường hợp vi phạm hoặc không đủ tiêu chuẩn để đưa ra khỏi quy hoạch. Phát huy đầy đủ trách nhiệm, thẩm quyền của các cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị và người đứng đầu trong việc giới thiệu nhân sự quy hoạch cán bộ cấp chiến lược. Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "Trong quá trình thực hiện phải hết sức thận trọng, bảo đảm đúng nguyên tắc tập trung dân chủ và các quy định của Ðảng về công tác cán bộ, phải thật sự công tâm, khách quan, tuyệt đối không được thiên vị, cá nhân, không để lọt vào quy hoạch những người không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", có quan điểm lệch lạc, mất đoàn kết, tham nhũng, tiêu cực". Quán triệt tinh thần đó, Ban Chấp hành Trung ương đã tiến hành ghi phiếu giới thiệu quy hoạch một bước Ban Chấp hành Trung ương nhiệm kỳ 2021- 2026 trên cơ sở nghiên cứu kỹ, thảo luận và nhất trí cao Tờ trình của Bộ Chính trị. Tờ trình được chuẩn bị tích cực, nghiêm túc, chu đáo, đúng quy định của Ðảng, có kế thừa kinh nghiệm của nhiệm kỳ trước, đồng thời có bổ sung những quan điểm, nguyên tắc, cách làm mới, phù hợp với một lộ trình chặt chẽ, khoa học.
Việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các thành viên lãnh đạo trong các cơ quan Ðảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội là một chủ trương mới, đúng đắn mà Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về Xây dựng Ðảng đã đề ra, được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ. Tại Hội nghị này, Bộ Chính trị tổ chức lấy phiếu tín nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương đối với các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhằm thăm dò tín nhiệm, qua đó giúp các đồng chí được lấy phiếu tự nhìn nhận lại mình, để điều chỉnh, tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, không ngừng nâng cao trình độ, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Ðồng thời giúp Bộ Chính trị có thêm thông tin để đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ. Ban Chấp hành Trung ương đã phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm và xây dựng, nghiên cứu kỹ Quy định và Tờ trình của Bộ Chính trị, các báo cáo công tác của từng đồng chí được lấy phiếu tín nhiệm, thể hiện chính kiến của mình qua mỗi lá phiếu. Việc lấy phiếu lần này thực sự dân chủ, khách quan, công tâm, tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Ðảng. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm đã một lần nữa cho thấy tinh thần trách nhiệm, ý thức xây dựng, thái độ khách quan, công tâm trong việc đánh giá và sự tín nhiệm của Trung ương đối với các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Kết quả đó còn thể hiện sự đoàn kết, thống nhất cao trong Trung ương.
Ban Chấp hành Trung ương tán thành Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2018 và khẳng định, Bộ Chính trị, Ban Bí thư là một tập thể lãnh đạo đoàn kết, vững vàng về chính trị, kiên định mục tiêu, lý tưởng của Ðảng, luôn bám sát các quan điểm, đường lối của Ðảng và tình hình thực tiễn để kịp thời có những chủ trương, quyết sách đúng đắn, lãnh đạo toàn Ðảng, toàn dân vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được những thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực về đối nội và đối ngoại. Trung ương cũng chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm của Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong lãnh đạo, chỉ đạo; hoan nghênh việc Bộ Chính trị, Ban Bí thư nghiêm túc tự phê bình và phê bình, thẳng thắn nhận khuyết điểm trước Trung ương về những việc còn chưa làm được.
Ban Chấp hành Trung ương cũng đã xem xét thi hành kỷ luật đồng chí Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Ðảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh. Như vậy, từ đầu nhiệm kỳ khóa XII đến nay, trong vòng chưa đầy ba năm, hơn 60 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý đã bị thi hành kỷ luật là con số chưa từng có, trong đó có năm đồng chí Ủy viên Trung ương Ðảng đương nhiệm và ba đồng chí trong số đó đã bị đưa ra khỏi Ban Chấp hành Trung ương. Tiếp tục tinh thần xử lý kỷ luật không có "vùng cấm", không có ngoại lệ, vì sự nghiêm minh của kỷ luật Ðảng, sự thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh và uy tín của Ðảng và ý nguyện của nhân dân, chúng ta phải làm và sẽ còn tiếp tục làm trong thời gian tới - đó là khẳng định của người đứng đầu Ðảng ta, Nhà nước ta Nguyễn Phú Trọng trước Ban Chấp hành Trung ương, làm nức lòng toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân. Khẳng định đó cũng mạnh mẽ bác bỏ những âm mưu, luận điệu sai trái của các phần tử xấu, thù địch xuyên tạc những việc làm chính đáng của chúng ta để kích động, hòng chia rẽ nội bộ Ðảng.
Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Ðảng đã thành công tốt đẹp với dấu ấn tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Ðảng về công tác cán bộ và các mặt công tác khác. Phát huy những kết quả, thành tích đã đạt được trong năm 2018 và từ đầu nhiệm kỳ đến nay, toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân ta nguyện đoàn kết, thống nhất, trên dưới một lòng, kiên quyết triển khai thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội năm 2019 và những năm tiếp theo, đạt và vượt các mục tiêu mà Nghị quyết Ðại hội XII của Ðảng đã đề ra.