Bà X.Gla-du-nô-va thích được gọi bằng tên tiếng Việt là Hằng, hiện là giáo viên dạy tiếng Việt tại Học viện Quan hệ quốc tế Mát-xcơ-va (LB Nga). Từ khi còn rất nhỏ, bà Hằng đã theo cha sang công tác tại Việt Nam. Tình yêu đất nước và con người Việt Nam trong trái tim cô gái trẻ cứ thế lớn dần theo năm tháng. Bà quyết tâm thi vào trường có chuyên ngành tiếng Việt và gắn bó với Việt Nam.
Chúng tôi gặp bà Hằng trong một buổi chiều khi bà đang cùng ông Nguyễn Quốc Hùng (công tác tại Viện Hàn lâm khoa học Nga) thảo luận những công việc cuối cùng chuẩn bị cho buổi ra mắt bản dịch tiếng Nga cuốn sách "Hoạt động của Nguyễn Ái Quốc ở Liên Xô". Ðây là cuốn sách thứ hai về Bác Hồ mà bà Hằng góp công chuyển ngữ, sau tác phẩm "Bác Hồ viết di chúc". Với bà Hằng, dịch những trang di chúc của Bác là công việc cần nhiều thời gian và sự cẩn thận tối đa, bởi theo bà, Bác viết rất chặt chẽ, cụ thể, ngôn từ chắt lọc.
Dịch sách về Bác là cơ hội để bà Hằng cảm nhận sâu sắc hơn những câu chuyện về vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam. Những câu chuyện, những kỷ niệm của cha mình với Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn in đậm trong tâm trí bà Hằng. Sinh thời, ông E.Gla-du-nốp thường kể cho con gái nghe về những lần được gặp và làm việc cùng Bác. Có lẽ bởi vậy, chưa một lần được gặp Bác Hồ, song bà Hằng vẫn cảm thấy mình may mắn hơn rất nhiều người Nga. Tình yêu đất nước và lòng ngưỡng mộ vị lãnh tụ của nhân dân Việt Nam như ngọn lửa, để mỗi khi đứng trên bục giảng, bà Hằng say sưa truyền tải tới sinh viên Nga những thông điệp về tình yêu đất nước và con người Việt Nam.
Ngoài dịch sách, bà Hằng cũng thường tham gia phiên dịch tại các sự kiện có chủ đề về Bác Hồ, về quan hệ Việt Nam - LB Nga. Một năm qua, do đại dịch Covid-19, nhiều sự kiện phải tổ chức theo hình thức trực tuyến. Bà Hằng chia sẻ sự tiếc nuối, bởi gặp gỡ trực tuyến khiến không khí các hoạt động trở nên khô khan, thiếu cảm xúc. Với chất giọng người Hà Nội, người phụ nữ Nga chia sẻ đầy nhiệt huyết: Tôi rất muốn gặp trực tiếp những nhân chứng, những người bạn, muốn được cùng nhau kể lại những câu chuyện về Bác. Cũng như cha mình, mỗi khi nói về Bác, bà Hằng không giấu nổi niềm xúc động.
Trong cuộc đời giảng dạy, có những kỷ niệm mà mỗi lần nhắc lại, bà Hằng vẫn cảm thấy chạnh lòng, dù theo bà câu chuyện ấy xảy ra đã lâu và nay khác rồi. Vào những năm 90 của thế kỷ 20, khi nước Nga biến động, một số sinh viên có thái độ không tích cực về cách mạng, về chủ nghĩa xã hội… Nhưng câu chuyện về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về đất nước Việt Nam vẫn đều đặn xuất hiện trong bài giảng của những giáo viên như bà Hằng. Sau nhiều năm, bà Hằng thật sự vui mừng khi nhận thấy giới trẻ Nga giờ đây đã dành sự quan tâm đặc biệt đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và đất nước, con người Việt Nam. Lĩnh hội kiến thức, lắng nghe câu chuyện về Bác, sinh viên Nga bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, một nhà cách mạng vĩ đại, một con người ái quốc, vị lãnh tụ đáng kính của dân tộc Việt Nam. Qua nhiều trang sách, qua những giờ lên lớp, hình ảnh Việt Nam gần hơn với người Nga, với sinh viên Nga. Nhưng với bà Hằng, chừng đó thôi vẫn chưa đủ.
"Bố tôi thường nhắc, vẫn còn nhiều thứ người Nga cần được biết, được hiểu về Việt Nam. Phải giới thiệu càng nhiều về Việt Nam càng tốt", bà Hằng nhấn mạnh ý nguyện của cha. Bà luôn cảm thấy tiếc khi cha mình chưa hoàn thành cuốn sách mà ông tâm huyết. Ðó là cuốn sách về Việt Nam, về quãng thời gian ông E.Gla-du-nốp sống và làm việc ở nơi ông luôn xem là quê hương thứ hai của mình.
Bài và ảnh: QUẾ ANH, THANH THỂ
Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại LB Nga