Theo Viện trưởng Viện Răng- Hàm- Mặt Quốc gia, PGS-TS Trịnh Đình Hải, hằng năm viện phải khám và chữa trị các bệnh về răng-hàm-mặt cho khoảng 60 nghìn lượt bệnh nhân với hơn mười nghìn ca phẫu thuật về răng. Việc sử dụng tiêm thuốc tê bằng tay vừa chậm, ảnh hưởng đến thời gian phẫu thuật, vừa gây cảm giác đau và căng thẳng ở bệnh nhân. Để khắc phục vấn đề này, viện vừa tiếp nhận công nghệ mới ứng dụng kỹ thuật số tiêm gây tê trong phẫu thuật răng.
Với công nghệ bơm tiêm điện ANAEJECT hay còn gọi là máy gây tê, nạp điện lại không dây, có chương trình tự động cài đặt trước, bác sĩ và các kỹ thuật viên có thể thực hiện việc bơm thuốc vào những khu vực khó nhất như các phần mô mềm chân răng, tuỷ răng, v.v theo ba tốc độ từ chậm, trung bình đến nhanh, hạn chế tuyệt đối cảm giác đau ở bệnh nhân.
Việc bơm tiêm được bắt đầu bằng cách tiếp xúc hai điểm cảm ứng, làm giảm việc đầu kim không vững khi tiêm. Người điều khiển hệ thống máy tiêm không cần thay đổi sự cầm nắm theo vị trí răng cần gây tê và mũi kim được tiêm theo đúng cách tiêm của ống chích thông thường, cho phép tiêm được chính xác. Trong quá trình tiêm hệ thống máy còn phát ra những âm thanh êm dịu giúp người bệnh bớt căng thẳng và lo lắng.
Hệ thống bơm tiêm chích điện ANAEJECT được điều khiển tự động hoàn toàn bằng chương trình vi tính không dây kiểm soát được tốc độ bơm tiêm, đưa lượng thuốc tê đến vị trí cần thiết mà không gây nên áp lực thừa. Việc khởi động và kết thúc bơm chích thuốc đều sử dụng theo nguyên tắc cảm ứng không cần lực bấm và không phải di chuyển đầu kim gây đau cho người bệnh. Khi thanh đẩy được kéo ra hoàn toàn thì động cơ điều khiển sẽ tự động tắt. Nếu có lực thừa tác động lên thảnh đẩy, hệ thống an toàn sẽ tự ngắt lực và khởi động hệ thống báo động để tránh làm tổn hại đến ống thuốc tê và giúp người sử dụng máy dừng lại khi cần thiết.
Máy chụp tủy răng không gian ba chiều. |
Bên cạnh hệ thống ANAEJECT, Viện Răng- Hàm- Mặt cũng đã đưa vào sử dụng máy chụp điều trị tủy răng X-MINDRAC của Ý, nối với hệ thống phân tích hình ảnh bằng chương trình vi tính, cho phép chụp được không gian ba chiều tủy răng, giúp các bác sĩ quan sát trực tiếp, rõ ràng và tỉ mỉ tình trạng tuỷ và chân răng đẻ chẩn đoán bệnh chính xác. Trước đó, viện đã tiếp nhận công nghệ hệ thống soi và xét nghiệm với máy tính siêu tốc có thể chẩn đoán và xét nghiệm cho kết quả ngay với các khối u vùng xương hàm, mặt. Kỹ thuật số cũng được ứng dụng triệt để trong phần lớn các lĩnh vực điều trị nội nha, phục hình răng.
Những thành công của Viện Răng- Hàm- Mặt Quốc gia trong công tác nghiên cứu khoa học, khám chữa và điều trị các bệnh về răng-hàm-mặt thời gian qua đã tạo nên uy tín của viện ở trong nước và ngoài nước.
Viện trưởng Trịnh Đình Hải cũng cho biết, điều này đã cho thấy tầm nhìn về lâu dài trong chiến lược phát triển trước đây của nguyên Viện trưởng - GS.TS Trần Văn Trường, người đặt nền móng hội nhập cho ngành nha khoa Việt Nam và rất quan tâm đến việc tăng cường nâng cấp trang thiết bị y tế hiện đại và cập nhật các công nghệ tiến bộ nhất của nền nha khoa thế giới nhằm đáp ứng yêu cầu khám, điều trị các bệnh răng-hàm-mặt của nhân dân.
Bên cạnh việc hỗ trợ chuyển giao công nghệ, một số tổ chức nha khoa và Tổ chức Y tế Thế giới đang phối hợp cùng viện dự kiến xây dựng một phòng thí nghiệm trung tâm của cả khu vực Đông- Nam Á nhằm nghiên cứu và triển khai chương trình đưa Phlo vào nước và muối ăn nhằm phòng tránh, ngăn ngừa các bệnh về răng ở người dân Việt Nam và các nước trong khu vực.