Tiếng vọng lịch sử gửi thông điệp tới tương lai

NDO -

Có mặt tại buổi tổng duyệt chương trình "Chung một dòng sông", Thiếu tá Đào Chí Thành - cựu chiến binh từng tham gia chiến trường Quảng Trị năm 1972 xúc động: “Tôi bỗng như thấy quá khứ khốc liệt tại Quảng Trị hiện về. Tôi rất nhớ những đồng đội khi đó mới mười tám, đôi mươi đã mãi mãi không thể trở về. Chương trình vô cùng ý nghĩa khi giúp thế hệ hiện tại hiểu hơn về những điều cha, ông mình đã trải qua".

"Chung một dòng sông" mang theo những thông điệp quý giá gửi từ quá khứ vọng tới hiện tại và cả tương lai. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)
"Chung một dòng sông" mang theo những thông điệp quý giá gửi từ quá khứ vọng tới hiện tại và cả tương lai. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Được ấp ủ lên ý tưởng từ năm 2021, trải qua nhiều tháng làm việc nghiêm túc, cẩn trọng,  chương trình nghệ thuật "Chung một dòng sông" do Báo Nhân Dân, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức sẽ chính thức được diễn ra vào lúc 20 giờ tối nay 26/4.

Sáng 26/4, lễ tổng duyệt chương trình nghệ thuật đã diễn ra tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt-Xô (Hà Nội). Là một chương trình giao lưu truyền hình đặc biệt, “Chung một dòng sông” ca ngợi tinh thần dân tộc, khát vọng hòa bình và tình yêu quê hương, cội nguồn. 

Công tác chuẩn bị đã sẵn sàng

“50 năm giải phóng tỉnh Quảng Trị cũng là chừng đó năm cây cầu Hiền Lương chứng kiến những thay đổi của lịch sử, của đất nước. Khát vọng “chung một dòng sông” nay đã thành hiện thực, còn khát vọng kết nối tình yêu quê hương, tinh thần dân tộc của những người con đất Việt từ khắp thế giới vẫn mãi chảy không ngừng”, đại diện Ban tổ chức cho hay.

Tiếng vọng lịch sử gửi thông điệp tới tương lai ảnh 1
Lễ tổng duyệt chương trình "Chung một dòng sông" sáng 26/4. (Ảnh: THÀNH ĐẠT) 

Theo nhà báo Phạm Khánh Sơn, Trưởng phòng Thời sự (Trung tâm Truyền hình Nhân Dân), chương trình sẽ bao gồm 5 trục nội dung chính, bao gồm: Khát vọng, hạt giống hòa hợp vượt qua chia cắt - Tình yêu quê hương, xứ sở - Chung tay xây dựng, phát triển, giữ gìn đất nước - Cùng chung tiếng Việt yêu thương - Thế hệ mới, cội nguồn xưa. Điểm đặc biệt nhất của chương trình là những câu chuyện được kể xen kẽ giữa các tiết mục nghệ thuật. 

“Trong 5 trục nội dung này, chúng tôi sẽ kể lại 5 câu chuyện về tình yêu của những người bên bờ sông Bến Hải, chuyện về tình bạn cảm động của những người lính hai đầu trận tuyến. Đó còn là câu chuyện về những đồng bào Việt Nam ở xa Tổ quốc nhưng vẫn gắn bó máu thịt với đất nước, quê hương. Ngoài ra, ekip tổ chức cũng sẽ mời chính những người lính từng “gác bút nghiên lên đường ra trận” tới giao lưu với khán giả”, nhà báo Phạm Khánh Sơn cho biết thêm.

Sáng 26/4, chương trình đã hoàn thành công tác tổng duyệt. Toàn bộ các tiết mục biểu diễn cũng như phóng sự đều đã được hoàn thiện và rà soát. Xe màu của Trung tâm Truyền hình Nhân Dân cũng đã vào vị trí, kết nối tín hiệu thành công.

Tiếng vọng lịch sử gửi thông điệp tới tương lai ảnh 2
Những khâu cuối cùng cho sự kiện đặc biệt đã cơ bản hoàn tất. (Ảnh: THÀNH ĐẠT) 

Vừa kết thúc tổng duyệt, ca sỹ Đức Tùng (Oplus) không giấu nổi sự hồi hộp của mình. Đức Tùng chia sẻ: “Thực sự đây là chương trình rất xúc động. Trong sự kiện đặc biệt này, nhóm Oplus được giao hai ca khúc Quê hương Việt Nam và Tình ca của nhạc sĩ Phạm Duy. Đây cũng là lần đầu tiên, hai ca khúc cùng mang tên Tình ca sẽ được cất lên tại cùng một sân khấu. Nội dung chương trình, cách dàn dựng đều rất đặc biệt”.

Theo đại diện Ban tổ chức, chương trình sẽ có sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ tên tuổi như NSND Quốc Hưng, các ca sĩ Anh Thơ, Ánh Tuyết, Thanh Thanh, Bạch Trà, rapper Quốc Trung, các nghệ sĩ Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam, vũ đoàn HT và đặc biệt là ca khúc “Xin chào Việt Nam” của ca sĩ Quỳnh Anh như một lời tâm tình từ những người con xa quê…

Tiếng vọng từ lịch sử cho tương lai

Từ năm 2021, ý tưởng về một chương trình đặc biệt nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng Quảng Trị (1/5/1972-1/5/2022) đã được lãnh đạo Báo Nhân Dân, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị và Hội Nhà báo Việt Nam lên kế hoạch thực hiện. Sau khi kịch bản văn học được nhà báo Trần Đăng Tuấn hoàn thành, cả ekip đã ngay lập tức bắt tay vào thực hiện.

Cuối tháng 3/2022, toàn bộ ekip di chuyển vào Quảng Trị để hoàn thiện khâu sản xuất cuối cùng và cũng là quan trọng nhất. Những người thực hiện đã đến từng nhà, gặp từng nhân chứng lịch sử của hàng chục năm trước nhằm ghi lại những khuôn hình, câu chuyện chân thực nhất.

“Thời điểm đó, Quảng Trị bất ngờ đón nhận đợt áp thấp nhiệt đới nên mưa rất lớn. Thậm chí, một số huyện còn xảy ra tình trạng lũ lụt. Ekip thực hiện đối mặt với nhiều khó khăn. Nhưng may mắn, khi chúng tôi ghi hình thì trời lại tạnh mưa và lặng gió”, một thành viên trong ekip sản xuất nhớ lại.

Tiếng vọng lịch sử gửi thông điệp tới tương lai ảnh 3
Ekip sản xuất tác nghiệp tại sông Bến Hải, tỉnh Quảng Trị. (Ảnh: Truyền hình Nhân dân) 

Có mặt tại lễ tổng duyệt, Thiếu tá Đào Chí Thành – cựu chiến binh từng tham gia chiến trường Quảng Trị năm 1972 không giấu nổi niềm xúc động. Ông cho hay: “Ngày hôm nay, khi tới đây, tôi bỗng như thấy tất cả quá khứ khốc liệt tại Quảng Trị hiện về. Tôi rất nhớ những đồng đội, bạn bè khi đó mới mười tám, đôi mươi đã mãi mãi không thể trở về”.

Thiếu tá Thành cho rằng: Đây là một sự kiện rất đặc biệt và vô cùng có ý nghĩa khi giúp thế hệ hiện tại hiểu hơn về những điều cha, ông mình đã trải qua.

Tiếng vọng lịch sử gửi thông điệp tới tương lai ảnh 4
Thiếu tá Đào Chí Thành trao đổi cùng phóng viên Báo Nhân Dân. (Ảnh: THÀNH ĐẠT) 

Mùa hè năm 1972, Thiếu tá Đào Chí Thành đã “gác bút nghiên” để lên đường ra trận. Ông kể lại: Ở lứa tuổi mười tám, đôi mươi, chúng tôi trong trắng lắm. Tháng 7/1972, chúng tôi vượt sông Thạch Hãn và chốt tại cổng Đông của thành cổ. Ngay sáng hôm sau, đón những người lính trẻ là “pháo nổ dữ dội, rung bần bật cùng những tiếng súng chát chúa”. 

“Đấy là những khoảnh khắc không thể nào quên, tới tận bây giờ vẫn như chỉ mới xảy ra ngày hôm qua. Qua chương trình, chúng tôi muốn gửi gắm tới thế hệ trẻ hiện nay một thông điệp: Hãy sống và phấn đấu để xây dựng một đất nước Việt Nam đoàn kết, hòa bình và giàu mạnh”, ông Thành nói.

“Chung một dòng sông” không chỉ mang ý nghĩa nước non đã nối liền một dải, cây cầu đã xóa nhòa ranh giới, nối liền hai bờ sông Bến Hải, mà còn mang ý nghĩa nối liền trái tim, tình cảm của những người con đất Việt, dù ở trong hay ngoài nước, cùng một tình yêu quê hương, cùng một tinh thần dân tộc.

Chương trình với các hoạt động chính diễn ra vào lúc 20 giờ tối 26/4 tại Hà Nội. Điểm dẫn chuyện thứ hai đặt tại cầu Hiền Lương và một số địa danh lịch sử tại Quảng Trị. Chương trình do nhà báo Trần Đăng Tuấn thực hiện phần kịch bản văn học, kịch bản truyền hình do nhà báo Sao Mai thực hiện. Phần biên tập và đạo diễn do Khánh Sơn, Hồng Nhung, Trọng Hải thực hiện. Nhà thơ, nhà báo Trần Hữu Việt đảm nhiệm phần dẫn chuyện ở cầu Hiền Lương, tỉnh Quảng Trị.

50 năm Hiền Lương - Bến Hải