Tiếng nói của Việt Nam rất quan trọng cho đoàn kết quốc tế, hòa bình và cải cách Liên hợp quốc

NDO -

Tiếp tục chuyến công tác dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ, thăm làm việc tại Hoa Kỳ và Liên hợp quốc (LHQ), sáng 16/5 (giờ địa phương), tại Trụ sở LHQ, thành phố New York, Thủ tướng Phạm Minh Chính có cuộc gặp với Phó Tổng Thư ký LHQ, bà Amina Mohammed.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó Tổng Thư ký LHQ, bà Amina Mohammed.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó Tổng Thư ký LHQ, bà Amina Mohammed.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, năm 2022 có ý nghĩa đặc biệt, đánh dấu 45 năm Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc - Đối tác tin cậy hàng đầu vì hòa bình, hợp tác phát triển trên thế giới và Người bạn tin cậy, gắn bó lâu dài của Việt Nam trong mọi chặng đường phát triển đất nước. Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục phát huy vai trò, đóng góp tích cực và xây dựng hơn nữa vào công việc chung của Liên hợp quốc ở cả 3 trụ cột: an ninh-chính trị, phát triển và quyền con người.

Nhân dịp này, Thủ tướng chuyển đến lãnh đạo Liên hợp quốc những tình cảm hữu nghị, chân thành nhất và sự tri ân sâu sắc của Chính phủ, Nhân dân Việt Nam đối với những đóng góp, hỗ trợ quý báu của Liên hợp quốc đối với Việt Nam hơn 4 thập kỷ qua; trân trọng chuyển lời mời Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres và các lãnh đạo Liên hợp quốc thăm Việt Nam trong năm nay để tăng cường quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Liên hợp quốc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam cam kết mạnh mẽ đối với chủ nghĩa đa phương và một trật tự thế giới dựa trên luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, ủng hộ vai trò trung tâm của Liên hợp quốc trong hệ thống quản trị toàn cầu, cho rằng cần có cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân, toàn diện để xử lý các thách thức chung như dịch bệnh, biến đổi khí hậu. Việt Nam cũng ủng hộ tăng cường quan hệ giữa Liên hợp quốc, nghị viện các quốc gia thành viên và Liên minh Nghị viện thế giới để tranh thủ được sự ủng hộ của kênh lập pháp đối với chương trình nghị sự của Liên hợp quốc.

Thủ tướng cho biết Việt Nam đang triển khai mạnh mẽ, toàn diện ba đột phá chiến lược để hiện thực hóa mục tiêu đưa đất nước trở thành nước công nghiệp, có thu nhập cao vào năm 2045; mong muốn tiếp tục đồng hành và hỗ trợ hiệu quả, trong đó có việc hỗ trợ triển khai Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Trao đổi về ứng phó với đại dịch Covid-19, Thủ tướng cho biết, Việt Nam đã nỗ lực và triển khai thành công chiến lược tiêm chủng, kịp thời chuyển sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh để mở cửa nền kinh tế, tập trung phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Thủ tướng đề nghị Liên hợp quốc tiếp tục quan tâm hỗ trợ các nước đang phát triển trong ứng phó với đại dịch, bảo đảm an sinh xã hội và tư vấn chính sách, phục hồi theo hướng xanh, bền vững, tự cường hơn.

Thủ tướng khẳng định Việt Nam quyết tâm triển khai các cam kết tại Hội nghị COP26, và đề nghị Liên hợp quốc hỗ trợ Việt Nam trong thiết lập quan hệ đối tác về chuyển đổi năng lượng với các nước G7, xây dựng chiến lược tài chính khí hậu để huy động hiệu quả nguồn lực hỗ trợ từ các đối tác phát triển quốc tế.

Thủ tướng đề nghị Liên hợp quốc tiếp tục hỗ trợ Việt Nam hoàn thành các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs), trong đó có các mục tiêu như bình đẳng giới, năng lượng sạch, tăng trưởng kinh tế và việc làm bền vững; khẳng định Việt Nam sẽ tích cực tham gia trao đổi, tham vấn rộng rãi tại Liên hợp quốc để xem xét việc triển khai các đề xuất trong Báo cáo của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về Chương trình Nghị sự chung của Chúng ta, qua đó thúc đẩy các thỏa thuận quốc tế lớn hiện nay.

Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam đã đạt nhiều kết quả tích cực trong việc cử lực lượng tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, đề nghị Liên hợp quốc tăng cường hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này, đồng thời tiếp tục hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh tại Việt Nam, nhất là rà phá bom mìn còn sót lại sau chiến tranh.

Trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực, Thủ tướng vui mừng nhận thấy quan hệ đối tác ASEAN-Liên hợp quốc tiếp tục được tăng cường, đề nghị Liên hợp quốc ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong giải quyết các vấn đề khu vực, trong đó có việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), và hỗ trợ Myanmar ổn định tình hình thông qua đối thoại và hòa giải, bảo đảm an toàn cho người dân, tiếp cận nhân đạo.

Về Ukraine, Thủ tướng khẳng định cần thúc đẩy đối thoại, đàm phán để tìm giải pháp hòa bình lâu dài trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, tôn trọng và có tính đến lợi ích chính đáng của các bên liên quan, đồng thời thông báo Việt Nam đã quyết định ủng hộ 500.000 USD cho các hoạt động cứu trợ nhân đạo để hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi xung đột ở Ukraine và sẵn sàng đóng góp tích cực cho tiến trình ngoại giao, đối thoại và đàm phán, cũng như trong tái thiết và phục hồi tại Ukraine.

Tiếng nói của Việt Nam rất quan trọng cho đoàn kết quốc tế, hòa bình và cải cách Liên hợp quốc -0
Thủ tướng Phạm Minh Chính và  Phó Tổng Thư ký LHQ, bà Amina Mohammed. 

Về phần mình, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc Amina Mohammed khẳng định Việt Nam là đối tác quan trọng và là người bạn của Liên hợp quốc và mong muốn hai bên tiếp tục phát triển quan hệ một cách toàn diện, hiệu quả hơn nữa.

Phó Tổng Thư ký tỏ rất ấn tượng trước những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam cùng với những chính sách, nỗ lực thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19.

Bà đánh giá cao những đóng góp tích cực, có trách nhiệm của Việt Nam đối với công việc chung của Liên hợp quốc, nhất là trên cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, tiếng nói của Việt Nam rất quan trọng cho đoàn kết quốc tế trong bối cảnh thế giới đang trải qua nhiều khủng hoảng và khác biệt, Việt Nam luôn có tiếng nói mạnh mẽ ủng hộ chủ nghĩa đa phương, hòa bình và cải cách Liên hợp quốc, tham gia có trách nhiệm vào lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, triển khai hiệu quả các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) và nỗ lực thực hiện các cam kết chống biến đổi khí hậu, nhất là tại Hội nghị COP26 vừa qua; thúc đẩy hợp tác phát triển vì lợi ích  chung của cộng đồng.

Phó Tổng thư ký khẳng định, Liên hợp quốc sẽ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ các ưu tiên phát triển của Việt Nam theo hướng xanh, bền vững và tự cường hơn; bày tỏ chia sẻ quan điểm của Việt Nam về nhiều vấn đề quốc tế và khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông, đồng thời mong muốn quan hệ đối tác ASEAN-Liên hợp quốc sẽ tiếp tục được củng cố vì lợi ích hòa bình, an ninh và thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới, bày tỏ kỳ vọng Việt Nam phát huy mạnh mẽ vai trò đóng góp vào việc giải quyết các vấn đề toàn cầu tương xứng với năng lực vị trí của mình.