Trở thành một Tiến sĩ nghiên cứu về rắn mà trong giới khoa học ưu ái gọi anh là “Tiến sĩ rắn”, TS Nguyễn Thiên Tạo, Trưởng phòng Bảo tồn thiên nhiên (Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam) đã có hành trình khám phá dài kỳ, nhiều thú vị về thiên nhiên, về những loài rắn độc.
Phải chịu khó học hỏi và nuôi dưỡng đam mê
Rời ghế nhà trường từ Khoa Sinh, Đại học Tự nhiên năm 2005, Tạo kể mình từng rất mơ hồ về con đường làm khoa học. Nhưng may mắn có người anh nghiên cứu ở Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam đã mở đường và truyền cảm hứng cho anh. Và từ đây, anh đã có cơ hội được gặp những chuyên gia hàng đầu trên thế giới nghiên cứu về bò sát – ếch nhái ở Việt Nam, trong số đó giáo sư Nikolai Orlov là người thầy đầu tiên của anh.
Công việc ban đầu của anh với vai trò trợ lý nghiên cứu cho GS Nikolai Orlov ngoài thực địa để thu thập các dữ liệu. Vốn sinh ra trong gia đình nông dân, vốn quen với đồng ruộng, ếch và rắn kèm với một sự lì, ham tìm hiểu, lại có cơ hội được tiếp xúc và học hỏi kinh nghiệm nghiên cứu cũng như tiếng Anh, Tạo lên đường và được GS Orlov đánh giá rất cao sau chuyến đi này.
Tự nhận mình không phải là một sinh viên giỏi, lại không tập trung và bị xao nhãng trong hai năm đầu khi ngồi trên ghế giảng đường đại học, Tạo cuối cùng đã tìm được con đường đi riêng. Và với Tạo, anh quan điểm “Người thầy giỏi thì phải truyền được cảm hứng và đào tạo những học trò bình thường trở thành người tốt chứ không phải chỉ lựa chọn người học trò xuất sắc để hướng dẫn. Mỗi người đều có khả năng riêng, quan trọng là nhìn nhận và phát huy những khả năng đó tốt nhất có thể và giảm bớt những gì chưa tốt”.
40 ngày thực địa năm 2006 tại Tây Nguyên với các chuyên gia người Nga đã biến Tạo trở thành một con người khác. “Càng làm, càng thấy mỗi con vật tồn tại nó đều có sứ mệnh riêng. Và trong nghiên cứu tìm hiểu đó, tôi thấy mình bị thu hút và có động lực để bước vào con đường nghiên cứu khoa học nghiêm túc”, Tạo tiếp lời “May mắn làm việc với các chuyên gia đầu ngành, tôi học hỏi được nhiều kinh nghiệm và mong muốn trong tương lai có thể trở thành nhà nghiên cứu độc lập”.
Tạo kể, những ngày tháng đó anh cũng là lần đầu tiên có những trải nghiệm ý nghĩa về cuộc sống nghiên cứu, ăn ngủ trong rừng, hàng đêm chong đèn đi thu thập dữ liệu nghiên cứu.
Anh học được từ kỹ năng đi rừng, cách thu thập thông tin, đến các kiến thức phong phú về các loài rắn, ếch nhái với rất nhiều tập tính từng loài: Có loài chuyên sống trên cây, loài ở dưới đất;trong hang, loài rắn nào độc, loài nào không.
Lần đầu tiên, anh cảm nhận được giới hạn chịu đựng của mình thế nào. Anh kể, GS Nikolai bảo “Ban đầu tôi chưa có ấn tượng nhiều với cậu. Nhưng sau 3-5 ngày làm việc trên thực địa, tôi nhận thấy cậu là người có tố chất, chăm chỉ và có thể đào tạo được đấy. Cậu cũng khá đam mê công việc này và có tinh thần sẵn sàng”. 40 ngày ấy, nếu với chàng sinh viên mới ra trường là trải nghiệm thú vị, thì với GS Orlov, đó là những ngày test của ông với Tạo.
40 ngày đó đã mở ra một cơ hội mới với Tạo. GS Nikolai Orlov mở lời nếu Tạo mong muốn và thích thú theo con đường nghiên cứu khoa học này thì ông sẽ giúp đỡ và hỗ trợ. Việc đầu tiên, là ông mua một chiếc máy ảnh và ống kính có giá 1.700 USD tặng Tạo kèm theo lời dặn dò khi cậu có cơ hội bắt gặp các loài ếch nhái hay rắn hãy chụp ảnh thật chi tiết, tôi sẽ hỗ trợ và giúp chỉ ra những sự khác biệt ở mỗi loài và đào tạo cậu bài bản. Ông không quên nhắn lại “khi tôi sang Việt Nam công tác, cậu phải đi với tôi”.
Từ đó đến nay, đã hơn 12 năm anh đồng hành cùng GS Nikolai Orlov trong các chuyến đi thực địa ở Việt Nam cũng như các nước lân cận như Lào, Trung Quốc, có năm đi 2-3 lần, mỗi chuyến đi thuường khoảng 1 tháng. Anh học được cách làm việc bài bản, kỹ lưỡng, mỗi đối tượng nghiên cứu đôi khi phải chụp tới 200-300 ảnh làm tư liệu. Anh học cách đọc và viết bài báo khoa học, chỉnh sửa từng chi tiết cơ bản. Anh có cơ hội và được giới thiệu tham gia các hội thảo quốc tế, được tiếp xúc với nhiều nhà nghiên cứu khác. Anh bảo, tuy GS Nikolai Orlov không phải là người hướng dẫn anh làm nghiên cứu cứu sinh tiến sĩ, nhưng đã chắp cánh cho anh từ bước đi chập chững ban đầu và truyền cảm hứng và đam mê nghiên cứu khoa học cho anh.
![]() |
GS.VS Bai Chunlin - Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học thế giới trao giấy chứng nhận nhiệm kỳ 2018 -2022 cho TS Nguyễn Thiên Tạo.
Hành trình trở thành Tiến sĩ rắn
Năm 2007, một năm sau được đi thực địa với GS Orlov, Tạo và các chuyên gia phát hiện một số loài mới trong đó có loài rắn độc. Kết quả ban đầu là động lực rất lớn cho những nghiên cứu tiếp theo của Tạo. Qua nhưng công bố phát hiện mô tả loài mới, các nhà khoa học thế giới biết đến nhóm nghiên cứu này.
Năm 2009-2010, nhóm làm phim khoa học thuộc Hiệp hội Địa lý quốc gia của Hoa Kỳ (National Geographic Society) đã liên hệ phỏng vấn và sang Việt Nam xây dựng kịch bản làm phim về loài rắn độc ở Việt Nam. Tạo có cơ hội được làm việc với nhiều chuyên gia nghiên cứu khác. Không chỉ là nhân vật trải nghiệm trong chương trình khoa học bài bản, Tạo và nhóm nghiên cứu của mình còn được tiếp xúc với các nạn nhân bị rắn độc cắn cũng như các bác sĩ cứu chữa nạn nhân này.
Trong cuộc đời nghiên cứu khoa học của mình, anh đã từng bị rắn cắn. Vô tình một lần vệ sinh cho rắn để chụp ảnh tư liệu thì anh bị rắn cắn nhưng với những kinh nghiệm thực tế của mình đã xử lý và tự sơ cứu mình.
Trong quá trình nghiên cứu thu thập tư liệu, anh đã gặp nhiều người bị rắn độc cắn, người chữa rắn cắn, và gặp cả những bác sĩ rất tâm huyết cứu chữa bệnh nhân bị rắn độc cắn. “Lúc đó tôi suy nghĩ và đặt ra nhiều câu hỏi nghiên cứu, có bao nhiêu loài rắn độc? phân bố ngoài tự nhiên của chúng? loài nào thường sống gần người và con người thương hay không may bị cắn? tôi hỏi các bác sỹ nhưng khó khăn gì khi chữa cho bệnh nhân bị rắn độc cắn?”, Tạo kể.
Năm 2011, khi làm nghiên cứu sinh tại trường Đại học Kyoto, Nhật Bản, tại các buổi sinh hoạt học thuật, anh được tiếp xúc với một nhóm các nhà nghiên cứu về sinh thái và tiến hoá các loài rắn. “Những công bố của ông rất hay, có một số loài rắn dù không độc nhưng lại tích tụ độc tố từ con mồi của chúng, trong đó có loài phân bố ở Việt Nam”. Lúc này, những câu hỏi trong anh cứ trở đi, trở lại và làm thế nào để có thể hỗ trợ và cứu giúp những nạn nhân khi bị rắn độc cắn.
Vậy là sau khi bén duyên với nghiên cứu rắn độc, anh tiếp tục tìm hiểu nghiên cứu về dịch tễ các loài rắn độc ở Việt Nam và tìm kiếm các cơ hội hợp tác để có thể sản xuất được huyết thanh kháng nọc độc rắn.
“Những nạn nhân khi bị rắn độc cắn cần xác định chính xác loài rắn độc cắn là gì sẽ giúp ích cho công tác cứu chữa. Từ những mẫu vật, hình ảnh và địa điểm ghi nhận mẫu được cung cấp, chúng tôi sẽ kết hợp để giám định chính xác loài dựa trên phân tích các đặc điểm hình thái, đôi khi có những mẫu không thể nhận dạng hình thái thì cần đến phân tích các dữ liệu phân tử”, TS Tạo nói.
Sau một thời gian hỗ trợ công tác nhận dạng mẫu vật các loài rắn được người nhà bệnh nhân mang đến trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai, anh đã xây dựng được cơ sở dữ liệu ban đầu về dịch tễ rắn độc cắn và xác định được các loài rắn độc thường gặp để có cơ sở khoa học quan trọng cho công tác nghiên cứu chế tạo sản xuất huyết thanh kháng nọc độc rắn. Nếu như trước đây dữ liệu chi tiết về các loài rắn độc còn chưa nhiều và thì hiện nay, với những nghiên cứu của TS Tạo đã có thể sàng lọc được một số loài rắn độc phổ biến. Anh tiết lộ “Chúng tôi đang làm và mong muốn xây dựng hoàn thiện dữ liệu về hình ảnh và phân bố chi tiết từng loài rắn ở Việt Nam. Hiện nay cơ bản đã cập nhật về dữ liệu một số loài rắn độc thường gặp”.
Huyết thanh kháng nọc độc rắn – tương lai không xa
“Bạn tin không, Việt nam là nước đầu tiên trên thế giới chế tạo ra huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu và người Việt Nam cũng là người đầu tiên trên thế giới được sử dụng huyết thanh kháng nọc rắn từ nhưng năm cuối thế kỷ 19” – anh mở lời sang câu chuyện khác. Vì mục tiêu nối tiếp những thành tựu này, anh và nhóm nghiên cứu đã ấp ủ ý tưởng nghiên cứu này từ năm 2014.
Những năm qua, nhóm nghiên cứu của TS Tạo đã kết hợp với Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai và các đối tác khác để xúc tiến các công việc liên quan tới Nghiên cứu sản xuất huyết thanh kháng nọc rắn “Khó khăn là nguyên liệu đầu vào như phải xác đinh chuẩn loại rắn độc, nguồn cung cấp ổn định nọc rắn độc để có thể bước đầu xây dựng quy trình sản xuất trên quy mô phòng thí nghiệm”, TS tạo suy tư.
Những năm gần đây, nhóm nghiên cứu của anh đang tổng hợp thông tin về dịch tễ các loài rắn độc, điều tra về phân bố các loài rắn độc cũng như tìm hiểu nhu cầu huyết thanh. “Có rất nhiều loài rắn độc ghi nhận, trước mắt chúng tôi sẽ xác định 1-2 loài để ưu tiên để tập trung nghiên cứu và sản xuất huyết thanh trước. Tuy nhiên, để có được kết quả, chắc phải vài năm nữa”, TS Tạo cho hay.
Anh tâm tư, ở những nước phát triển đều có chính sách chung y tế cộng đồng về những bệnh nhiệt đới như rắn cắn. Nhưng ở một số nước đang phát triển như Việt Nam, bệnh nhiệt đới này thường bị lãng quên và chưa được thống kê đầy đủ về dịch tễ.
TS Tạo cho biết, có khoảng 20 triệu chât độc tố trong tự nhiên nhưng khoa học biết đến chỉ khoảng 10 nghìn. Số được nghiên cứu chiếm khoảng 10% trong đó. Mỗi năm tại Việt Nam ghi nhận có hàng trăm ca bệnh nhân bị rắn độc cắn, trong đó hầu hết là những người dân nghèo. Những ca bệnh này phải đối mặt với chi phí không hề nhỏ để điều trị.
Việt Nam có hơn 200 loài rắn, khoảng 25% là rắn độc. Nhưng Việt Nam vẫn phải nhập khẩu hầu hết các loại huyết thanh, khiến chi phí điều trị cao. Với việc sản xuất được các loại huyết thanh kháng nọc độc rắn đặc hiệu là thuốc giải độc thiết yếu, là phương pháp điều trị tốt nhất trong rắn độc cắn, gian điều trị thở máy rút ngắn chỉ còn từ 2-4 ngày, giảm tỉ lệ nhiễm trùng, tử vong và giảm chi phí cấp cứu.
Năm 2018, TS Nguyễn Thiên Tạo là một nhà khoa học trẻ vinh dự được chọn là thành viên trẻ của Viện Hàn lâm Khoa học thế giới nhiệm kỳ 2018-2022. TS Tạo tâm sự “Thật vinh dự khi người đầu tiên ở lĩnh vực sinh học ở Việt Nam được trở thành thành viên của Viện Hàn lâm nhiệm kỳ 5 năm. Đây là cơ hội rất lớn để mình có thể tiếp cận, hợp tác và học tập từ các nhà khoa học trên thế giới cũng như giới thiệu về sự đa dạng của sinh học Việt Nam. Tham gia các hoạt động của Viện Hàn lâm Khoa học thế giới, các nhà khoa học trẻ sẽ kết nối để giải quyết những vấn đề còn tồn tại”.
Năm 2018, nhóm nghiên cứu của anh đã có thêm công bố nghiên cứu về tiến hóa của nhóm rắn không có độc, nhưng thực tế loài này tích tụ nọc độc từ con mồi và độc tố của chúng phun ra từ cổ. “Chúng tôi vẫn đang tiếp tục nghiên cứu và giải thích về các hình thức tiến hóa của các nhóm rắn này dựa trên các bằng chứng về sinh học phân tử. Ở Việt Nam đã ghi nhận một số trường hợp trong đó có một bênh nhân bị loài rắn này cắn và đưa tời Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai”, TS Tạo cho hay.
TS Tạo nói, Việt Nam là một đất nước có mức đa dạng sinh học rất cao trên toàn cầu. Vì thế, với vai trò là một thành viên trẻ của Viện Hàn lâm Khoa học thế giới, anh nhấn mạnh, nghiên cứu về đa dạng sinh học Việt Nam cần được quan tâm hơn nữa cũng như công tác bảo tồn sự đa dạng sinh học này.
TS Nguyễn Thiên Tạo là một nhà khoa học trẻ vinh dự được chọn là thành viên trẻ của Viện Hàn lâm Khoa học thế giới với một số công trình khoa học nổi bật như nghiên cứu phát hiện và mô tả các loài mới cho hoa học, sự khai thác rắn biển, các nỗ lực bảo tồn và giảm thiểu hoạt động buôn bán động vật hoang dã, bệnh dịch trên động vât hoang dã và các giả thuyết nguyên nhân gây ra khủng hoảng đa dạng sinh học toàn cầu, tiến hoá các loài rắn và ếch nhái,… Anh đã giành giải thưởng cho Công trình nghiên cứu xuất sắc về nghiên cứu đa dạng và bảo tồn các loài động vật có xương sống ở châu Á, Giải thưởng công trình công bố tiêu biểu được nhiều người tham khảo và trích dẫn nhất năm 2015 của nhà xuất bản BioO2, Hoa Kỳ, Giải thưởng Khoa học kỹ thuật Thanh niên Quả cầu vàng – Trung ương Đoàn TNCSHCM và Bộ Khoa học công nghệ năm 2015… và là phó giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Kyoto, Nhật Bản từ năm 2016. TS Tạo đã có gần 100 bài báo quốc tế, trong đó có khoảng 20-30 bài nghiên cứu về rắn. |