Tư vấn - Đối thoại

Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc

Theo quy định hiện hành, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm những khoản thu nhập nào? Có khoản nào không dùng để tính đóng không?

Vũ Việt Chung (Ninh Bình)

Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc

Trả lời:

Tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội được quy định tại Ðiều 30 Thông tư số 59/2015/TT-BLÐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội
bắt buộc.

Ngày 7/7/2021, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư 06/2021/TT-BLÐTBXH sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 59/2015/TT-BLÐTBXH. Theo Thông tư này, từ ngày 1/1/2018 đến ngày 31/12/2020, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương, phụ cấp lương theo quy định tại khoản 1 Ðiều này và các khoản bổ sung khác theo quy định tại điểm a khoản 3 Ðiều 4 của Thông tư số 47/2015/TT-BLÐTBXH.

Từ ngày 1/1/2021 trở đi, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác quy định tại điểm a, tiết b1 điểm b và tiết c1 điểm c khoản 5 Ðiều 3 Thông tư số 10/2020/TT-BLÐTBXH ngày 12/11/2020 của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về nội dung của hợp đồng lao động, Hội đồng thương lượng tập thể và nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản, nuôi con.

Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không bao gồm các chế độ và phúc lợi khác như thưởng theo quy định tại Ðiều 104 của Bộ luật Lao động, tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động quy định tại tiết c2 điểm c khoản 5 Ðiều 3 của Thông tư số 10/2020/TT-BLÐTBXH.

Mức đóng và nguồn hình thành quỹ Bảo hiểm thất nghiệp

Hiện nay mức đóng bảo hiểm thất nghiệp là bao nhiêu phần trăm (%)? Ngoài tiền đóng thì Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp còn được hình thành từ những nguồn nào?

Hà Văn Hải (Vĩnh Phúc)

Trả lời:

1. Vấn đề bạn hỏi được quy định tại Mục 5 Luật Việc làm. Cụ thể, khoản 1 Ðiều 57 Luật Việc làm quy định mức đóng và trách nhiệm đóng bảo hiểm thất nghiệp như sau:

a) Người lao động đóng bằng 1% tiền lương tháng;

b) Người sử dụng lao động đóng bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp;

c) Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và do ngân sách trung ương bảo đảm.

Lưu ý, theo Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 ngày 24/9/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, người sử dụng lao động quy định tại Ðiều 43 của Luật Việc làm (không bao gồm cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên) đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp trước ngày 1/10/2021 được giảm mức đóng từ 1% xuống bằng 0% quỹ tiền lương tháng của những người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian 12 tháng, từ ngày 1/10/2021 đến hết ngày 30/9/2022).

2. Nguồn hình thành quỹ bảo hiểm thất nghiệp bao gồm:

a) Các khoản đóng và hỗ trợ theo quy định tại khoản 1 Ðiều này;

b) Tiền sinh lời của hoạt động đầu tư từ quỹ;

c) Nguồn thu hợp pháp khác.