Tiến hành thử nghiệm vaccine ngừa Covid-19 dạng uống tại Nam Phi

NDO -

Chính phủ Nam Phi đã cho phép tiến hành các thử nghiệm lâm sàng đối với vaccine ngừa Covid-19 dạng viên do Công ty dược phẩm Oramed của Israel bào chế.

Oramed đã nhận được giấy phép tiến hành các cuộc thử nghiệm vaccine dạng uống tại Nam Phi. (Nguồn: Oramed)
Oramed đã nhận được giấy phép tiến hành các cuộc thử nghiệm vaccine dạng uống tại Nam Phi. (Nguồn: Oramed)

Theo thông báo của Oramed, công ty này đã nhận được giấy phép để có thể tiến hành các cuộc thử nghiệm tại Nam Phi. 

Quốc gia châu Phi này đã từng là nơi tiến hành nhiều cuộc thử nghiệm đối với các loại vaccine ngừa Covid-19, nhưng đây là lần đầu tiên nước này thử nghiệm vaccine dạng uống.

Vaccine dạng uống hiện là chế phẩm đặc biệt hấp dẫn đối với các quốc gia đang phát triển, do có thể giúp các nước này giảm gánh nặng hậu cần trong các chiến dịch tiêm chủng.

Đối với các quốc gia giàu có, vaccine dạng uống cũng có thể khuyến khích người dân sử dụng bởi đây là biện pháp phòng vệ để ngăn ngừa sự lây lan của dịch Covid-19.

Vaccine dạng uống ngừa Covid-19 cũng đang được kỳ vọng sẽ trở thành một vũ khí hiệu quả trong cuộc chiến chống Covid-19 tại châu Phi, trong bối cảnh Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo châu lục này có thể gặp trở ngại do thiếu ống tiêm. 

Giám đốc WHO khu vực châu Phi, ông Matshidiso Moeti, ngày 28/10 cho biết: "Đầu năm tới, vaccine ngừa Covid-19 sẽ bắt đầu được chuyển nhiều đến châu Phi, nhưng tình trạng khan hiếm ống tiêm sẽ có thể gây gián đoạn tiến trình tiêm phòng." Ông kêu gọi cần có biện pháp mạnh để nhanh chóng tăng cường sản xuất ống tiêm.

Theo số liệu của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), châu lục này sắp phải đối mặt với "nguy cơ thiếu hụt" khoảng 2,2 tỷ ống tiêm dùng một lần, trong đó có loại ống tiêm tự hủy sử dụng cho tiêm vaccine ngừa Covid-19 của hãng Pfizer/BioNTech. Đây là loại ống tiêm có khả năng tự hủy sau lần tiêm đầu tiên nên không thể tái sử dụng, thích hợp cho mọi hình thức tiêm chủng. 

Tình trạng thiếu hụt này sẽ kéo dài ít nhất trong quý I/2022. Nếu không có biện pháp nào được thực thi, chỉ 5 nước châu Phi - gần 10% dân số châu lục - đạt mục tiêu tiêm chủng mà WHO đề ra, bao gồm quần đảo Seychelles, Mauritius, Maroc, Tunisia và Cape Verde. 

WHO đặt mục tiêu mỗi quốc gia có 40% dân số được tiêm ít nhất một mũi vaccine vào cuối năm 2021. Tuy nhiên, 82 quốc gia, đặc biệt là ở châu Phi, có nguy cơ không đạt được mục tiêu này do nguồn cung không đủ.