Tiến hành thẩm định luận án tiến sĩ có phản ánh và ý kiến của dư luận

NDO -

Quy định về việc đánh giá chất lượng luận án, hàm lượng khoa học của từng luận án là minh bạch, rõ ràng và trước hết là trách nhiệm của cơ sở đào tạo, của người hướng dẫn, của đơn vị chuyên môn và của các nhà khoa học tham gia vào các bước đánh giá luận án, trong đó vai trò của người hướng dẫn là quan trọng nhất.

Một buổi lễ trao bằng tiến sĩ tại Học viện Khoa học xã hội. (Ảnh: VÕ THƯƠNG)
Một buổi lễ trao bằng tiến sĩ tại Học viện Khoa học xã hội. (Ảnh: VÕ THƯƠNG)

Tối 8/5, trao đổi về chất lượng chuyên môn của các luận án tiến sĩ được dư luận xã hội quan tâm trong những ngày qua, Vụ trưởng Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Thu Thủy cho biết, với những luận án có phản ánh và có ý kiến của dư luận, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiến hành thẩm định theo đúng quy chế hiện hành.

Bộ Giáo dục và Đào tạo luôn hướng tới hoàn thiện hệ thống văn bản chính sách nhằm bảo đảm chất lượng đào tạo, tăng cường sự minh bạch, gia tăng vai trò giám sát của các bên liên quan trong quá trình đào tạo tiến sĩ trên tinh thần thực hiện tự chủ đại học và nâng cao trách nhiệm giải trình của các cơ sở đào tạo, đặc biệt là đội ngũ giảng viên, nhà khoa học. 

Quy định về việc đánh giá chất lượng luận án, hàm lượng khoa học của từng luận án là minh bạch, rõ ràng và trước hết là trách nhiệm của cơ sở đào tạo, của người hướng dẫn, của đơn vị chuyên môn và của các nhà khoa học tham gia vào các bước đánh giá luận án, trong đó vai trò của người hướng dẫn là quan trọng nhất. Việc này cũng gắn liền với uy tín của người hướng dẫn, của hội đồng đánh giá và của cơ sở đào tạo.

Những quy định này cũng đặt ra yêu cầu cho các cơ sở đào tạo, người hướng dẫn khoa học, những nhà khoa học được tin tưởng giao trọng trách cầm cân nảy mực phản biện luận án… phải luôn đề cao đạo đức khoa học, nghiêm minh, trung thực, khách quan, không nể nang dễ dãi trong quá trình đào tạo và đánh giá để nâng cao chất lượng đầu ra của sản phẩm được đào tạo; nâng cao nhận thức về việc minh bạch thông tin, giữ gìn uy tín về chất lượng chuyên môn chính là bảo đảm cho sự phát triển bền vững của mỗi cơ sở đào tạo tiến sĩ. 

Cũng theo bà Thủy, Bộ Giáo dục và Đào tạo luôn yêu cầu các cơ sở đào tạo chủ động và thực hiện trách nhiệm giải trình trong quá trình đào tạo; đồng thời, đề nghị các bên liên quan và toàn xã hội tiếp tục tăng cường giám sát, phản ánh, tư vấn… nhằm tăng cường chất lượng đào tạo các trình độ của giáo dục đại học, trong đó có đào tạo tiến sĩ.

Song song với việc thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn triển khai thực hiện chức năng quản lý nhà nước và cùng các bên liên quan giám sát việc thực hiện và giải trình của các cơ sở giáo dục đại học. Bộ Giáo dục và Đào tạo luôn đánh giá cao quá trình giám sát, phản ánh và phản biện của xã hội, của cộng đồng khoa học…