Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa (SGK) lớp 6 biên soạn theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 vừa được khai mạc với 128 thành viên của 12 các môn học và hoạt động giáo dục, gồm: Toán, Ngữ văn, Khoa học tự nhiên, Lịch sử - Địa lý, Giáo dục công dân, tiếng Anh, Tin học, Công nghệ, Giáo dục thể chất, Mỹ thuật, Âm nhạc, Hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp.
Bộ GD-ĐT cho biết, thành phần Hội đồng bao gồm các nhà khoa học, nhà giáo dục, nhà quản lý giáo dục có kinh nghiệm, uy tín về giáo dục và đại diện các tổ chức có liên quan. Trong đó, ít nhất 1/3 tổng số thành viên là các nhà giáo đang giảng dạy môn học/hoạt động giáo dục ở cấp học tương ứng.
Năm 2020, sau thời gian thông báo và tiếp nhận hồ sơ thẩm định SGK lớp 6, Bộ GD-ĐT đã nhận được 43 bản mẫu SGK của đầy đủ 11 môn học/hoạt động giáo dục bắt buộc, bản mẫu SGK môn tự chọn tiếng Anh. Trong đó, trừ môn Tin học có 4 bản mẫu, tiếng Anh có 9 bản mẫu, các môn còn lại mỗi môn có 3 bản mẫu SGK.
Để tổ chức thẩm định SGK, Bộ GD-ĐT đã ban hành các văn bản pháp lý, trong đó có Thông tư 33 (năm 2017) Ban hành về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa; tiêu chuẩn, tổ chức cá nhân biên soạn sách giáo khoa; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa và Thông tư 23 (năm 2020) sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư 33.
Các văn bản này đã quy định rõ 5 tiêu chuẩn, 13 tiêu chí trong thẩm định SGK, được cụ thể hóa thành 40 chỉ báo. Thứ trưởng GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ đề nghị các thành viên Hội đồng thẩm định nắm vững những nội dung quan trọng này để thẩm định, có những đánh giá giúp tác giả hoàn thiện bản mẫu cho ra được những SGK tốt.
Với tinh thần mở trong xây dựng chương trình, Thứ trưởng đề nghị Hội đồng khi thẩm định cần trân trọng những đổi mới, sáng tạo của tác giả SGK để bảo đảm tính mở, giúp giáo viên được tự do, sáng tạo trong dạy học phù hợp với các đối tượng học sinh.
Thứ trưởng cũng đề nghị các thành viên khi thẩm định cần xem xét kỹ từng câu chữ, hình ảnh của từng bản mẫu để hiểu ý tưởng, triết lý của cuốn sách; tìm ra cái hay, cái mới, điểm sáng tạo của tác phẩm và giúp tác giả hoàn thiện bản mẫu tốt hơn. Trong quy trình thẩm định, Bộ GD-ĐT đã quy định có hoạt động tác giả trình bày, trao đổi ý tưởng của bản mẫu SGK để Hội đồng hiểu rõ về tác phẩm của mình.