Tiền Giang khai thác lợi thế phát triển cây ăn trái

Được mệnh danh là “vương quốc cây ăn trái” của cả nước, thời gian qua, tỉnh Tiền Giang tiếp tục đầu tư, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao theo hướng an toàn nhằm tăng sản lượng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thị trường và hội nhập quốc tế.

Thanh long, cây làm giàu của nông dân huyện Chợ Gạo.
Thanh long, cây làm giàu của nông dân huyện Chợ Gạo.

Với các vùng sinh thái khá rõ rệt (ngọt, mặn, lợ, phèn…), Tiền Giang có điều kiện thuận lợi để hình thành nên những vùng chuyên canh cây ăn trái đặc sản nổi tiếng cả trong và ngoài nước. Ở các huyện phía tây của tỉnh: Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành - vùng đất chằng chịt kênh, rạch, nước ngọt, phù sa bồi đắp quanh năm đã tạo nên thương hiệu trái cây nổi tiếng, như xoài cát Hòa Lộc, bưởi lông Cổ Cò, sầu riêng Ngũ Hiệp, chôm chôm Tân Phong, vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim... Còn hệ sinh thái nhiễm phèn vùng Đồng Tháp Mười thuộc huyện Tân Phước, lại thích hợp và nổi tiếng với giống khóm (dứa) Tân Phước. Khu vực phía đông giáp biển thì chất lượng trái sơ-ri Gò Công không nơi nào sánh bằng; kế đến là thanh long vùng đất Chợ Gạo, dưa hấu Gò Công Tây...

Hiện nay, Tiền Giang là địa phương có diện tích cây ăn trái lớn nhất cả nước, với hơn 72 nghìn ha, chiếm 8% tổng diện tích cây ăn trái cả nước, chiếm 25% diện tích cây ăn trái vùng đồng bằng sông Cửu Long. Thực tế cho thấy, phát triển kinh tế vườn vẫn giữ vị trí quan trọng trong việc cải thiện đời sống và nâng lên khá giả nhanh chóng cho người nông dân, góp phần tích cực vào việc hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Theo khảo sát của cơ quan chức năng, bình quân canh tác 1 ha vườn chuyên canh, nông dân thu lợi nhuận từ 200 đến 300 triệu đồng/năm; cá biệt có những hộ thu nhập từ một tỷ đồng/năm trở lên.

Điều đặc biệt là mỗi loại trái ngon đặc sản Tiền Giang luôn gắn liền với việc bảo đảm cuộc sống của bà con nông dân. Cây xoài, sầu riêng, thanh long được mệnh danh là cây làm giàu của người dân Cái Bè, Cai Lậy, Chợ Gạo; cây khóm là cây “cứu tinh” giúp người dân bám trụ, an cư lạc nghiệp trên vùng đất trũng phèn Đồng Tháp Mười, huyện Tân Phước. Chủ tịch UBND xã Ngũ Hiệp (Cai Lậy) Đỗ Quốc Khánh cho biết: “Sầu riêng là thế mạnh của xứ cù lao này, nhiều gia đình vươn lên khá giả, xây nhà kiên cố, nuôi con ăn học… đều nhờ sầu riêng. Giờ đây, sầu riêng trở thành cây trồng chủ lực của xã, giúp cải thiện cuộc sống người dân rất nhiều, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Thu nhập bình quân mỗi ha sầu riêng hiện nay từ 300 đến 600 triệu đồng/năm trở lên. Tại huyện Chợ Gạo, vùng trồng thanh long tập trung của tỉnh, đến đâu cũng nghe nhà vườn nói về cây thanh long với tâm trạng rất phấn khích. Theo nhiều nhà vườn, từ năm 2013 đến nay, thanh long thường xuyên được giá, dao động ở mức cao. Ông Võ Ngọc Diệp, ấp Lương Phú C, xã Lương Hòa Lạc (Chợ Gạo), chuyên canh hơn 3 ha thanh long theo mô hình mới, đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt bằng năng lượng mặt trời, cho biết: "Với giá thanh long ở mức ổn định như hiện nay, mỗi ha thanh long của tôi lãi hơn 300 triệu đồng/năm. Cụ thể, năm rồi tôi thu lợi nhuận hơn một tỷ đồng. Không riêng hộ tôi, mà bà con trong xã này đều giàu lên từ thanh long". Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Gạo Nguyễn Văn Tám phấn khởi: Cây thanh long không những giúp bà con nông dân nâng cao thu nhập, mà còn góp phần tạo nên bức tranh tường hóa, ngói hóa ngày càng nhiều khắp vùng quê Chợ Gạo….

Theo đà phát triển của xã hội, mức sống của người dân ngày một nâng cao, yêu cầu được hưởng thụ, thưởng thức những món ngon của người tiêu dùng, cũng như an toàn cho người sản xuất, và bảo đảm môi trường thân thiện, tỉnh Tiền Giang đã tập trung chỉ đạo sản xuất theo tiêu chuẩn GAP. Toàn tỉnh hiện đã có chín chủng loại trái cây đạt chứng nhận GAP đó là: Cam sành (6,55 ha), nhãn (51 ha), xoài (11,1 ha), khóm (30 ha) thanh long (66,5 ha), sơ-ri (10 ha), vú sữa (55 ha), sa pô (14,1 ha) và sầu riêng (14,5 ha).

Tuy đã có định hướng tốt, nhưng đến nay diện tích cây trồng đạt tiêu chuẩn GAP còn quá thấp, nhất là diện tích theo các vùng chuyên canh; giá bán sản phẩm GAP chưa tương xứng với công sức bỏ ra cho nên nhiều nông dân đã quay lưng lại với GAP. Tuy nhiên, đây là yêu cầu rất quan trọng để tăng tính an toàn, độ đồng đều, khả năng cạnh tranh của trái cây sản xuất tại địa phương với các vùng, miền và nước khác, cho nên việc này cần được duy trì và mở rộng. Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Khang cho biết: “Tỉnh đang tập trung thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp hướng tới mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng, tăng thu nhập nông hộ và phát triển theo hướng bền vững trên cơ sở lợi thế và tiềm năng. Tổ chức lại quy hoạch gắn với liên kết vùng, liên kết sản xuất và tiêu thụ, hình thành các vùng chuyên canh, vùng nguyên liệu nông sản hàng hóa phục vụ công nghiệp chế biến, xuất khẩu và tiêu dùng theo chuỗi giá trị sản phẩm”.

Để đạt mục tiêu đề ra, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang Nguyễn Thanh Cẩn khẳng định: Thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ xây dựng hệ thống nhân giống đạt tiêu chuẩn, quy hoạch các cơ sở sản xuất cây giống bảo đảm chất lượng để cung cấp cho nhà vườn; tổ chức sản xuất cây giống xác nhận (cây đầu dòng), cung ứng cho sản xuất. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động chuyển giao quy trình canh tác tiến bộ, xử lý ra hoa trái vụ, rải vụ; chuyển giao nhân rộng công nghệ thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch, quản lý dịch hại trước mắt để giảm tỷ lệ thất thoát trong và sau thu hoạch, hướng tới tăng tỷ trọng trái cây đạt chứng nhận chất lượng (VietGAP, GlobalGAP). Tăng cường công tác dự báo và hướng dẫn phòng chống dịch hại, tập trung ba đối tượng cây chủ lực, chú trọng các đối tượng bệnh đốm trắng trên thanh long, xì mủ trên cây sầu riêng và thán thư trên cây xoài…

Cùng với đó, các cơ quan chức năng, ngành nông nghiệp sẽ tổ chức rà soát, đánh giá hệ thống thương nhân, có cơ chế chính sách khuyến khích mạng lưới tư thương (thương lái) phát triển làm đầu mối thu mua, bảo quản, tiêu thụ hàng hóa cho nông dân; từng bước hình thành chương trình liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân. Xây dựng mô hình hợp tác xã (HTX) nông nghiệp có sự gắn kết giữa HTX sản xuất và doanh nghiệp tiêu thụ (trong đó doanh nghiệp là thành viên của HTX) chịu trách nhiệm cung ứng vật tư nông nghiệp và tiêu thụ sản phẩm cho HTX.

Bài toán cho phát triển bền vững “vương quốc” cây ăn trái của Tiền Giang khá cụ thể, rõ ràng. Tuy nhiên, điều quan trọng là cần sự quyết tâm cao trong việc thực hiện đồng bộ các giải pháp và sự đồng thuận, tin tưởng cùng thực hiện của người dân.