Tiền Giang hỗ trợ nông dân cơ giới hóa nông nghiệp

Xác định cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp là khâu then chốt nhằm giảm chi phí sản xuất, giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động và nâng cao thu nhập cho nông dân, hướng đến nền nông nghiệp hiện đại, những năm qua, tỉnh Tiền Giang đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ, vận động từ nhiều nguồn, tạo điều kiện để nông dân tiếp cận máy móc hiện đại, góp phần cơ giới hóa đồng bộ từ khâu làm đất, bơm tưới, chăm sóc, thu hoạch đến bảo quản sau thu hoạch.
0:00 / 0:00
0:00
Máy bay phun thuốc trên đồng ruộng tại xã Mỹ Thành Bắc, huyện Cai Lậy (Tiền Giang).
Máy bay phun thuốc trên đồng ruộng tại xã Mỹ Thành Bắc, huyện Cai Lậy (Tiền Giang).

Từ những định hướng nêu trên, mức độ cơ giới hóa ở Tiền Giang ngày càng tăng, máy móc, thiết bị tiên tiến được đưa vào sử dụng rộng rãi. Nông dân mạnh dạn thay đổi tư duy sản xuất thủ công theo hướng hiện đại, ứng dụng khoa học-công nghệ, sản xuất hàng hóa với quy mô lớn, bảo đảm an toàn bền vững.

Máy móc thay dần sức người

Thời gian qua, sự dịch chuyển lao động trẻ từ nông thôn ra thành thị ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long ngày càng nhiều. Mỗi khi vào vụ mùa, nơi đây lại thiếu hụt trầm trọng lao động phục vụ sản xuất nông nghiệp. Từ những bất cập trên, cơ giới hóa đã được áp dụng và từng bước thay dần bàn tay của con người.

Đang trông máy gặt đập liên hợp thu hoạch 0,8ha lúa của gia đình, ông Nguyễn Văn Bảo, 72 tuổi, ngụ xã Mỹ Thành Bắc, huyện Cai Lậy cho hay: “Đa số các khâu trong sản xuất lúa hiện nay đều sử dụng máy móc, công nghệ. Mỗi khi vào mùa, nông dân chỉ việc gọi điện thoại là có người mang máy đến gieo sạ, phun thuốc bảo vệ thực vật, bón phân, thu hoạch, vận chuyển lúa ra tận bờ đê… Khi kết thúc vụ mùa, chúng tôi chỉ đến kiểm đếm số lượng và thu tiền về”.

Hiện nay, giá thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp dao động từ 2,5 triệu-2,6 triệu đồng/ha, thấp hơn nhiều so với thu hoạch thủ công. Thu hoạch bằng máy không chỉ giải quyết tình trạng khan hiếm lao động mà còn hạn chế thất thoát do rơi vãi, nâng cao chất lượng lúa gạo.

Không chỉ trên cây lúa, người trồng cây ăn trái ở Tiền Giang cũng đang áp dụng cơ giới hóa triệt để. Gia đình nông dân Nguyễn Minh Tân, xã Hậu Mỹ Bắc B, huyện Cái Bè đã đầu tư gần 200 triệu đồng để cải tạo 1ha đất trồng lúa sang trồng sầu riêng. Ông Tân thuê máy KO-BE làm đất, lắp đặt hệ thống ống tưới tự động. Khi cây lớn, gia đình thuê máy bay phun thuốc…

Ông Tân cho biết: “Trong ba năm trở lại đây, người dân từng bước áp dụng cơ giới hóa và công nghệ thông tin trong khâu làm đất, phun tưới nước và thuốc… Hộ khá giả thì áp dụng cơ giới hóa nhiều hơn. Nhờ đó, nhà vườn đã giảm áp lực thiếu công lao động, tiết kiệm thời gian, giảm chi phí sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với sản xuất truyền thống”.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, đối với cây lúa, cơ giới hóa trong khâu làm đất, thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp đã được ứng dụng mạnh mẽ và đạt 100% diện tích; gieo cấy bằng máy đạt gần 75% diện tích, phun thuốc bảo vệ thực vật, bón phân dạng lỏng hơn 98%.

Trên cây rau màu, diện tích áp dụng cơ giới hóa trong khâu làm đất đạt 42%, bơm tưới đạt 100%, phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy đạt 100%, phun bón phân đạt hơn 36%. Riêng cây ăn trái, cơ giới hóa trong khâu làm đất chiếm hơn 84%, bơm tát bằng động cơ chiếm 100%, phun thuốc bảo vệ thực vật chiếm 100%, ứng dụng hệ thống tưới nước vào sản xuất chiếm gần 60% diện tích.

Cơ giới hóa đã dần giải phóng sức lao động của con người, tiết kiệm thời gian, chi phí, bảo đảm thực hiện đúng lịch thời vụ; tăng năng suất lao động, nâng cao thu nhập cho nông dân. Đây là hướng đi đúng đắn, bắt kịp xu hướng và đưa nền nông nghiệp sang giai đoạn hiện đại.

Tiền Giang hỗ trợ nông dân cơ giới hóa nông nghiệp ảnh 1

Máy cấy lúa được đưa vào áp dụng nhiều năm tại xã Tăng Hòa, huyện Gò Công Đông (Tiền Giang).

Hướng đến nền nông nghiệp hiện đại

Nằm trong vùng sản xuất lương thực, thực phẩm lớn nhất cả nước, Tiền Giang có cơ cấu cây trồng, vật nuôi phong phú, đa dạng; trong đó, một số sản phẩm chủ lực có sản lượng lớn, chiếm tỷ trọng cao và đã hình thành các vùng nguyên liệu tập trung.

Để hướng đến nền nông nghiệp hiện đại, ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang sẽ tiếp tục đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp gắn với quy hoạch, tổ chức sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn. Đây là điều kiện để ứng dụng đồng bộ các phương tiện cơ giới hóa vào quy trình sản xuất nông nghiệp, giảm thất thoát sau thu hoạch, nâng cao chất lượng sản phẩm, đem lợi nhuận cao nhất cho nông dân.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang, Nguyễn Văn Mẫn cho biết: Ngoài ứng dụng cơ giới hóa, Tiền Giang thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp cơ cấu lại ngành nông nghiệp; phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn, tập trung theo chuỗi giá trị gắn sản xuất nguyên liệu với bảo quản, chế biến và tiêu thụ trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm và lợi thế vùng, phù hợp với nhu cầu thị trường, bảo đảm an toàn thực phẩm.

Tiền Giang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao nhằm tăng năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh; mời gọi, thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn gắn với củng cố, phát triển các mô hình kinh tế hợp tác bảo đảm hiệu quả và phát triển bền vững. Ngoài ra, tỉnh tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; tăng cường năng lực phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái; xây dựng dự án, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân áp dụng tiêu chuẩn GAP (thực hành nông nghiệp tốt).

Ngành nông nghiệp tỉnh tích cực nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học-công nghệ, chủ yếu là công nghệ cao và công nghệ sinh học trong tất cả các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ của ngành.

Tiền Giang khuyến khích các doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, chuyển giao khoa học-công nghệ, ứng dụng công nghệ cao nhằm tạo đột phá về năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, nâng cao khả năng cạnh tranh, hiệu quả của ngành; bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; bảo vệ thương hiệu các loại nông sản, hàng hóa xuất khẩu có lợi thế của tỉnh; nâng cao chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế…

Quán triệt và triển khai các nghị quyết, quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản; chiến lược cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông-lâm-thủy sản đến năm 2030, Tiền Giang xác định cơ giới hóa nông nghiệp phải đồng bộ, theo chuỗi liên kết sản xuất với chế biến và tiêu thụ; đẩy mạnh sử dụng máy móc, thiết bị, công nghệ tiên tiến, công nghệ số, công nghệ thông minh là nhiệm vụ quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn nhằm nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang, Nguyễn Văn Mẫn cho biết: Thực hiện Quyết định 68/2013/QĐ-TTg ngày 4/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp, đến nay, địa phương đã có gần 500 khách hàng vay vốn, với tổng số tiền hơn 136 tỷ đồng, số tiền lãi được hỗ trợ khoảng 11 tỷ đồng. Khách hàng vay chủ yếu để mua máy gặt đập liên hợp, máy sấy nông sản, máy làm đất, san phẳng đồng ruộng… Từ nguồn kinh phí khuyến nông, địa phương xây dựng nhiều mô hình trình diễn, chuyển giao đến nông dân những tiến bộ kỹ thuật về cơ giới hóa trong nông nghiệp.