Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) cho biết, giai đoạn 2010-2015, mặc dù chịu tác động bất lợi từ khủng hoảng kinh tế thế giới nhưng các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn vẫn duy trì hoạt động kinh doanh ổn định, hiệu quả, bảo đảm việc làm và cải thiện thu nhập cho người lao động. Giai đoạn 2016-2020, Tập đoàn đã phải đối mặt với những khó khăn, thách thức to lớn từ một số dự án, doanh nghiệp quy mô lớn hoạt động kinh doanh thua lỗ, kém hiệu quả, các chỉ tiêu hoạt động của Tập đoàn liên tục giảm sút, thị phần thu hẹp, áp lực trả nợ tăng cao. Tuy nhiên, Tập đoàn vẫn có tăng trưởng về doanh thu, bảo đảm việc làm và ổn định thu nhập cho gần 25.000 lao động.
Năm 2021 là giai đoạn đại dịch Covid-19 bùng phát trên phạm vi toàn cầu, Tập đoàn đã thực hiện tốt nhiệm vụ điều tiết và cung ứng các sản phẩm thiết yếu phục vụ tiêu dùng và phòng chống dịch bệnh trong nước. Các sản phẩm oxy y tế, cloramin B, nước rửa tay khô và nhiều sản phẩm hóa chất khác luôn được cung ứng tối đa phục vụ công tác phòng, chống dịch. Các hoạt động trên mang ý nghĩa lớn về công tác an sinh xã hội và được xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng mà Tập đoàn phải triển khai trong giai đoạn khó khăn của đất nước. Bước vào giai đoạn phục hồi kinh tế sau đại dịch, Tập đoàn cũng đã phát huy tối đa vai trò điều tiết và cung ứng các sản phẩm thiết yếu phục vụ tiêu dùng và sản xuất công, nông nghiệp, giữ vững vai trò điều tiết thị trường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển kinh tế đất nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nghe giới thiệu về triển lãm ảnh về quá trình xây dựng và phát triển ngành Hóa chất Việt Nam. (Ảnh: Trần Hải) |
Từ năm 2021 đến nay, bằng sự nỗ lực cố gắng của tập thể cán bộ công nhân viên và sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Công thương, Đảng ủy khối Doanh nghiệp Trung ương và sự hỗ trợ của các Bộ, ngành, Tập đoàn cơ bản đã tháo gỡ khó khăn thách thức, phấn đấu vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Từ kết quả kinh doanh thua lỗ, nguy cơ không giữ được quy mô Tập đoàn, đến nay Tập đoàn đã kinh doanh có lãi, các chỉ chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận đạt mốc lịch sử, cao nhất từ trước tới nay trong các năm 2022 và 2023.
Bên cạnh đó các dự án của Tập đoàn nằm trong 12 dự án chậm tiến độ kém hiệu quả là Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc, DAP 2 Lào cai, trên cơ sở chủ trương của Bộ Chính trị, Thủ tướng chính phủ đã phê duyệt cơ chế tháo gỡ cho các dự án này, đến nay các dự án hoạt động trên 90% công suất, không có hàng tồn kho, hoạt động hiệu quả, trả nợ vay ngân hàng theo kế hoạch. Tập đoàn đang quyết tâm sớm đưa các dự án này ra khỏi danh sách các dự án chậm tiến độ kém hiệu quả.
Nhìn lại chặng đường 55 năm qua, Ngành hóa chất Việt Nam đã ghi đậm dấu ấn của một chặng đường đầy chông gai, thử thách nhưng cũng đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận và có vị trí quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Có thể nói, chặng đường hình thành và phát triển của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam luôn gắn liền với từng giai đoạn thăng trầm của lịch sử, với nỗ lực và vị thế của mình, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đã thể hiện được vai trò trụ cột dẫn dắt ngành công nghiệp hóa chất của đất nước, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội…
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu tham dự lễ kỷ niệm. (Ảnh: Trần Hải) |
Phát biểu ý kiến tại lễ kỷ niệm, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiệt liệt chúc mừng và biểu dương những thành tựu đã đạt được và sự nỗ lực cố gắng của toàn Ngành Hóa chất trong 55 năm qua, góp phần vào thành tựu chung của cả nước trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Bên cạnh những thành tựu đạt được là cơ bản, Thủ tướng nêu rõ, ngành công nghiệp hóa chất đang đối mặt với nhiều thách thức: chủ yếu cung cấp một số sản phẩm thông dụng, còn ít sản phẩm hóa chất kỹ thuật cao; chưa có nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao; nhiều loại nguyên liệu và sản phẩm hóa chất đầu vào phụ thuộc nhập khẩu; nhiều cơ sở sản xuất nhỏ, lạc hậu; chưa chú ý đến nghiên cứu khoa học, cải tiến công nghệ, năng lực cạnh tranh; còn tình trạng ô nhiễm, dẫn đến tâm lý sợ, không chào đón tại một số địa phương và cộng đồng dân cư…
Từ kết quả, những tồn tại, hạn chế, cũng như sự nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức trong những năm vừa qua, đã củng cố thêm những bài học, kinh nghiệm quý trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội nói chung và phát triển ngành Hóa chất nói riêng, trong đó:
Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinachem Phùng Quang Hiệp phát biểu tại lễ kỷ niệm. (Ảnh: Trần Hải) |
Ngành phải đổi mới tư duy, tầm nhìn phải chiến lược. Nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân. Tập đoàn Hóa chất đã từng bước chuyển đổi thành công về mô hình phát triển, phù hợp xu thế chuyển đổi năng lượng, tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4... với phương châm: tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn; phải hết sức bình tĩnh, đoàn kết bàn cách tháo gỡ, trên cơ sở phù hợp thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn.
Tập đoàn Hóa chất phải thực sự đoàn kết, dân chủ, phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng, trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo. Phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của từng cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu trong thực hiện các nhiệm vụ; kịp thời, nhạy bén trước xu thế chuyển đổi phát triển năng lượng toàn cầu, chuyển đổi sản xuất xanh, bền vững hiện nay để phát triển Tập đoàn thành Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất hàng đầu đất nước, khu vực.
Đồng thời, tập đoàn cần chú trọng công tác phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan có thẩm quyền, các doanh nghiệp, đối tác; cùng với đó là thực hiện tốt công tác phối hợp trong nội bộ, giữa tập đoàn và các đơn vị thành viên.
Quang cảnh Lễ kỷ niệm. (Ảnh: Trần Hải) |
Ngoài ra, tập đoàn phải chú trọng đầu tư phát triển để tận dụng các cơ hội mới, nhất là trong xu thế chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển bền vững; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực thực hiện và tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc; phát huy tính tự lực, tự cường, tự vươn lên từ bàn tay khối óc của mình, dám nghĩ, dám làm, chủ động, kịp thời, không trông chờ, ỷ lại.
Thủ tướng nhấn mạnh, công nghiệp hóa chất là ngành nền tảng trong nền kinh tế của mỗi quốc gia và là ngành sản xuất lớn thứ 5 toàn cầu (sau ngành: Sản phẩm công nghệ cao, Máy móc và thiết bị; Xe cơ giới và phụ tùng; Hàng hóa thực phẩm. Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra nhiệm vụ phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng (năng lượng, cơ khí chế tạo, luyện kim, hóa chất, vật liệu); Nghị quyết 29 (Hội nghị Trung ương 6, Khóa XIII) về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đến năm 2030 đặt ra mục tiêu “Xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh với năng lực sản xuất mới, tự chủ, khả năng thích ứng, chống chịu cao, từng bước làm chủ công nghệ lõi, công nghệ nền của các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn”, tiếp tục khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với vai trò quan trọng của ngành công nghiệp hóa chất, ngành công nghiệp nền tảng.
Bối cảnh đất nước trong giai đoạn phát triển mới với yêu cầu cao hơn, nặng nề hơn, trong đó có nhiều vấn đề mới, phức tạp hơn đặt ra nhiều thách thức hơn cho Ngành Hóa chất, cần vai trò của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam làm trụ cột, điều phối, tập hợp sức mạnh toàn Ngành. Thủ tướng gợi ý thêm và nhấn mạnh những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
Quán triệt, thực hiện hiệu quả các Nghị quyết, Kết luận của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; cụ thể hóa các nhiệm vụ vào kế hoạch của Tập đoàn, của từng đơn vị để tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát.
Toàn Tập đoàn tiếp tục giữ vững sự đoàn kết, thống nhất; nâng cao tinh thần dám nghĩ, dám làm với khát vọng xây dựng và phát triển Tập đoàn Hóa chất Việt Nam là đơn vị nòng cốt của Ngành công nghiệp Hóa chất, có tiềm lực mạnh về tài chính và khoa học công nghệ, có sức cạnh tranh cao ở trong nước và quốc tế.
Tập đoàn tiếp tục bám sát định hướng và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; định hướng phát triển của ngành theo "Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040", phát huy cao độ vai trò của doanh nghiệp Nhà nước, thực hiện tốt nhất các nhiệm vụ chính trị được giao, tiếp tục có những đóng góp quan trọng hơn nữa, thiết thực hơn nữa vào sự nghiệp đổi mới, phát triển chung của Ngành.
Tiếp tục củng cố bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ chất lượng, tinh gọn, phát huy tinh thần đoàn kết nhất trí, dám nghĩ, dám làm. Rà soát, cơ cấu lại các nguồn lực; tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác tái cấu trúc doanh nghiệp, cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước. Đề nghị Tập đoàn sớm kiện toàn chức danh Tổng giám đốc Tập đoàn theo đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, minh bạch, khách quan, công tâm, bảo đảm lựa chọn được cán bộ thực sự có năng lực và được sự tín nhiệm của cán bộ chủ chốt và người lao động của Tập đoàn Hóa chất.
Ba là, nâng cao năng lực quản trị, kinh doanh phù hợp quy mô doanh nghiệp lớn, địa bàn hoạt động rộng, nắm giữ tài sản, tài nguyên lớn của đất nước. Quản trị phải thông minh; đẩy mạnh chuyển đổi số; giải quyết dứt điểm những tồn đọng.
Phát huy vai trò dẫn đầu của doanh nghiệp nhà nước, xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển trung và dài hạn để có cơ cấu nhóm ngành hợp lý, làm mới lại các động lực cũ tập trung vào các ngành, nghề kinh doanh chính, tổ chức sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, phát triển bền vững, đi đôi với bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn cho người lao động và sức khỏe cộng đồng.
Đi đầu trong nghiên cứu, đầu tư vào các lĩnh vực mới trong lĩnh vực công nghiệp hóa chất theo hướng có chọn lọc, phù hợp xu thế thế giới, phát triển các ngành công nghiệp trong tương lai, nhất là về công nghệ, kỹ thuật hiện đại trong một số ngành mới nổi như công nghiệp bán dẫn, ắc quy và pin lưu điện...
Duy trì cơ cấu tài chính lành mạnh, cân đối các nguồn lực tài chính đáp ứng nhu cầu hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển. Xây dựng, củng cố và mở rộng quan hệ với các ngân hàng có uy tín trong nước, khu vực và trên thế giới, bảo đảm nhu cầu vốn đầu tư của Tập đoàn và các đơn vị thành viên; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và các thành phần kinh tế khác đầu tư vào các dự án của Tập đoàn để tận dụng được lợi thế và cơ hội phát triển đã được xây dựng và tích lũy 55 năm qua về lĩnh vực hóa chất với nhiều yêu cầu về hạ tầng và bảo vệ môi trường.
Tích cực đổi mới, tái cơ cấu các đơn vị trong Tập đoàn phù hợp định hướng phát triển của Ngành nhằm thực hiện ngày càng tốt hơn vai trò tập hợp, phát huy sức mạnh của hệ thống các doanh nghiệp trong ngành; phấn đấu trở thành Tập đoàn kinh tế mạnh, đủ sức cạnh tranh trong khu vực và trên thế giới.
Tiếp tục cơ cấu lại 3 dự án yếu kém (Đạm Hà Bắc, Đạm Ninh Bình, DAP số 2- Vinachem) theo các đề án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm hiệu quả.
Đẩy mạnh nghiên cứu phát triển và áp dụng các giải pháp công nghệ, công cụ và vật liệu tiên tiến, hiện đại để nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh và góp phần giải quyết ô nhiễm môi trường, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hóa chất bền vững.
Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với cơ quan có thẩm quyền, các doanh nghiệp, đối tác trong triển khai thực hiện từng nhiệm vụ, mục tiêu để góp phần thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Làm tốt hơn nữa công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động; tham gia tích cực công tác an sinh xã hội.
Thủ tướng tin tưởng rằng với chiến lược đúng đắn, kế hoạch, giải pháp đồng bộ và đặc biệt là tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, với phương châm “Bứt phá - Tăng tốc - Đổi mới”, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam tiếp tục hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, có nhiều đóng góp quan trọng, thiết thực hơn nữa vào sự nghiệp đổi mới, phát triển chung của đất nước.
Nhân dịp này, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính trao Cờ thi đua của Chính phủ tặng Vinachem.