Thủy lợi phục vụ mục tiêu bảo đảm an ninh nguồn nước

An ninh nguồn nước là vấn đề toàn cầu, được xem là vấn đề ưu tiên tại nhiều quốc gia, đặc biệt đối với Việt Nam là quốc gia đang phát triển với định hướng phát triển nhanh và bền vững với đặc thù bất lợi về nguồn nước vị trí địa lý nằm ở hạ nguồn các lưu vực sông lớn, nằm trong khu vực thường xuyên xảy ra thiên tai.
0:00 / 0:00
0:00
Các kỹ sư Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi miền nam vận hành hệ thống cống Cái Lớn. (Ảnh VĂN LÚA)
Các kỹ sư Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi miền nam vận hành hệ thống cống Cái Lớn. (Ảnh VĂN LÚA)

Vì vậy, bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia cần được tập trung nghiên cứu, tổ chức thực hiện trong giai đoạn tới, với nhiệm vụ và giải pháp thủy lợi là then chốt.

Công tác thủy lợi, bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia đứng trước thách thức lớn từ biến đổi khí hậu, yêu cầu phát triển kinh tế -xã hội đất nước, tác động từ hoạt động khai thác, sử dụng nước tại vùng thượng nguồn các sông quốc tế. Quản trị nguồn nước cũng là đầu vào quan trọng quyết định hiệu quả công tác thủy lợi phục vụ mục tiêu bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia.

Thủy lợi góp phần phục vụ phát triển kinh tế-xã hội

Tại Việt Nam, ngay sau khi giành được độc lập, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã ký Sắc lệnh số 68/SL ngày 18/6/1949 về công tác thủy nông, bảo vệ đê điều, hộ đê phòng lụt, bảo vệ, quản lý hệ thống nông giang, mở rộng diện tích tưới - thủy lợi, coi đây là biện pháp hàng đầu để bảo vệ và phát triển sản xuất nông nghiệp. Nhiệm vụ bảo đảm an ninh nguồn nước được điều chỉnh trọng tâm qua các giai đoạn đấu tranh, phát triển đất nước.

Hệ thống văn bản pháp luật về nguồn nước tiếp tục được rà soát, bổ sung, hoàn thiện thống nhất, như: Luật Tài nguyên nước, Luật Thủy lợi, Luật Phòng, chống thiên tai, Luật Đê điều, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Điện lực, Luật Đất đai, Luật Lâm nghiệp, Luật Quy hoạch, Luật Khí tượng thủy văn... Việt Nam đã chủ động hợp tác, tham gia xây dựng và thực thi các hiệp định, văn kiện pháp lý về quản lý, bảo vệ nguồn nước liên quốc gia. Hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước, cơ sở đào tạo, nghiên cứu, tư vấn, doanh nghiệp, tổ chức của cộng đồng quản lý, cung cấp dịch vụ nguồn nước được xây dựng ở Trung ương và địa phương.

Được sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, sự tham gia của người dân qua các giai đoạn lịch sử, công tác thủy lợi đã đóng góp to lớn cho phát triển đất nước, tuy nhiên cũng đối mặt với thách thức lớn, đó là: Nguồn nước phân bố không đều theo không gian và thời gian dẫn đến tình trạng quá thừa nước trong mùa mưa, gây ra tình trạng lũ, lụt, ngập úng tại hầu hết các lưu vực sông trên cả nước về mùa mưa và tình trạng thiếu nước, hạn hán, xâm nhập mặn về mùa khô tại nhiều vùng.

Lượng nước sản sinh bên ngoài lãnh thổ Việt Nam chiếm tới 63% tổng lượng nước quốc gia, trong đó tập trung tại hai lưu vực sông chính, trọng điểm kinh tế-chính trị của cả nước là sông Cửu Long (90%) và sông Hồng (40%), nằm ngoài khả năng kiểm soát của ta. Nếu chỉ xét lượng nước sản sinh bên trong lãnh thổ thì Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia có nguy cơ cao mất an ninh nguồn nước (đứng thứ 26 trong 49 quốc gia thành viên ADB; thứ 9 trong 11 quốc gia khu vực Đông Nam Á). Hiện nay, các quốc gia thượng nguồn gia tăng việc tích trữ, khai thác, sử dụng cho nội tại và có kế hoạch chuyển nước ra ngoài lưu vực, dự báo gây ra tác động bất lợi vô cùng lớn, không thể đảo ngược về số lượng và chất lượng nguồn nước chảy về Việt Nam.

Biến đổi khí hậu, diễn biến thiên tai cực đoan dẫn đến tình hình suy thoái, ô nhiễm nước trên các hệ thống sông, kênh có xu hướng gia tăng. Ô nhiễm nguồn nước chủ yếu tập trung ở vùng trung và hạ lưu các lưu vực sông, nơi tập trung các đô thị, các làng nghề, khu công nghiệp với nước thải từ sinh hoạt, nông nghiệp, công nghiệp chiếm tỷ lệ lớn.

Mâu thuẫn trong quản lý, khai thác sử dụng nước giữa các ngành, địa phương gia tăng, cơ chế phối hợp, điều phối chưa hiệu quả, như: chống lũ với phát điện; phát điện với cấp nước cho hạ du, đẩy mặn; xả nước thải vào nguồn nước, hệ thống công trình thủy lợi… làm tăng nguy cơ thiếu nước, ngập lụt, úng, ô nhiễm môi trường nước.

Bên cạnh đó, hoạt động phát triển, đô thị hóa, công nghiệp hóa lấn chiếm không gian cho nước, cản trở các tuyến thoát nước, gây ngập lụt đô thị, làm suy giảm nguồn nước. Rủi ro mất an toàn đập, hồ chứa nước gia tăng do đập, hồ chứa nước xuống cấp, chưa được sửa chữa, nâng cấp, mưa lũ diễn biến cực đoan dưới tác động của biến đổi khí hậu, sự suy giảm rừng đầu nguồn, thảm phủ thực vật trên lưu vực hồ chứa.

Ngoài ra, công trình thủy lợi được xây dựng từ lâu đã xuống cấp, thiết kế giai đoạn trước đây tập trung cho sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, phục vụ cho cây lúa để đáp ứng yêu cầu xóa đói, bảo đảm an ninh lương thực, nên khó thay đổi nhiệm vụ đáp ứng cho sản xuất quy mô lớn, phục vụ nuôi trồng thủy sản. Hoạt động phát triển khai thác, sử dụng nước ở vùng thượng nguồn các lưu vực sông, hoạt động khai thác cát trên các sông làm suy giảm nghiêm trọng, thậm chí mất năng lực khai thác của các công trình thủy lợi dọc sông, gây gián đoạn giao thông thủy, cạn kiệt nguồn nước, suy thoái môi trường nước.

Thể chế, chính sách chưa đồng bộ, nguồn nước đang được nhiều bộ, ngành cùng tham gia quản lý, trong khi cơ chế phối hợp trong quản lý, khai thác sử dụng nước còn có mặt hạn chế, hiệu quả chưa cao, chế tài xử lý các hành vi vi phạm chưa nghiêm; chưa chú trọng kinh tế nước, huy động nguồn lực xã hội còn hạn chế, nguồn lực chủ yếu để bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước phụ thuộc vào ngân sách nhà nước.

Triển khai công tác thủy lợi phục vụ bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia

Nhận thức tầm quan trọng của bảo đảm an ninh nguồn nước đến phát triển bền vững đất nước, thực hiện Nghị quyết số 124/2020/QH14 ngày 11/11/2020 của Quốc hội, Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2021 của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ trì, phối hợp các bộ, ngành tổ chức tổng kết, đánh giá thực trạng việc thực thi các quy định pháp luật về an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước; nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế; xây dựng Đề án bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Căn cứ báo cáo của Ban cán sự đảng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và ý kiến của các cơ quan liên quan, ngày 23/6/2022, Bộ Chính trị đã có Kết luận số 36-KL/TW về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với mục tiêu bảo đảm số lượng, chất lượng nước phục vụ dân sinh trong mọi tình huống; đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho sản xuất, kinh doanh của các ngành, lĩnh vực, đặc biệt là các ngành kinh tế quan trọng, thiết yếu.

Với triết lý của ngành thủy lợi là phải đi trước các ngành kinh tế khác và khi đó phải bằng mọi cách, mọi giải pháp phục vụ cao nhất nhu cầu về nước. Phục vụ mục tiêu bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phòng chống thiên tai và thủy lợi quốc gia, trong đó tập trung đề xuất các giải pháp cân đối lớn về nguồn nước trên phạm vi toàn quốc, liên kết, kết nối, chuyển nước, xây dựng các công trình lớn trên dòng chính sông phục vụ đa mục tiêu, xác định cập nhật mức bảo đảm cấp nước, tưới, tiêu, thoát nước, phòng chống lũ phù hợp tình hình mới.

Thế giới đã khẳng định, nước là tài nguyên quan trọng thứ hai sau tài nguyên con người. Trong 77 năm qua, công tác thủy lợi đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của cả nước. Trải qua 77 năm, mạng lưới thủy lợi nước ta ngày càng được mở rộng và hiện đại hóa, đóng góp đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển nông nghiệp, nông thôn nói riêng và đất nước nói chung ■

GS, TS NGUYỄN VĂN TỈNH,Tổng cục trưởng Thủy lợi