Thụy Điển chính thức trở thành thành viên thứ 32 của NATO

Sau khi chính thức gia nhập NATO, Thủ tướng Thụy Điển Kristersson đã ca ngợi một kỷ nguyên mới mang tính lịch sử trong chính sách an ninh của Thụy Điển.
0:00 / 0:00
0:00
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg (trái) và Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson. (Nguồn: Bloomberg/TTXVN)
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg (trái) và Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson. (Nguồn: Bloomberg/TTXVN)

Ngày 7/3, Thụy Điển đã chính thức trở thành thành viên thứ 32 của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sau khi Thủ tướng nước này Ulf Kristersson chuyển các tài liệu gia nhập cho chính phủ Mỹ tại một buổi lễ ở Washington, D.C.

Trong động thái phản ứng đầu tiên, Thủ tướng Kristersson đã ca ngợi một kỷ nguyên mới mang tính lịch sử trong chính sách an ninh của Thụy Điển.

Phát biểu tại Washington sau cuộc gặp Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, ông Kristersson nhấn mạnh: "Chúng tôi sẽ chia sẻ gánh nặng, trách nhiệm và rủi ro với các đồng minh".

Cùng ngày, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg ca ngợi việc Thụy Điển trở thành thành viên của liên minh, khẳng định quốc gia Bắc Âu này giờ đây đã có được sự bảo đảm an ninh tối thượng.

Trên mạng xã hội X, ông Stoltenberg cho hay: "Sau hơn 200 năm không liên kết, Thụy Điển giờ đây hưởng lợi từ sự bảo vệ được quy định theo Điều 5, sự bảo đảm tối thượng cho tự do và an ninh của các đồng minh… Thụy Điển mang đến một lực lượng vũ trang hùng mạnh và một ngành công nghiệp quốc phòng hàng đầu. Quyết định gia nhập của Thụy Điển giúp cho NATO mạnh mẽ hơn, Thụy Điển an toàn hơn và toàn bộ Liên minh được bảo đảm hơn".

Trước đó, Chính phủ Thụy Điển thông báo Thủ tướng Ulf Kristersson và Ngoại trưởng Tobias Billstrom của nước này có chuyến thăm đến Washington, D.C. ngày 6/3 (theo giờ Mỹ).

Tại đây, Thụy Điển sẽ bàn giao các tài liệu gia nhập NATO cuối cùng của Stockholm cho các đại diện Mỹ. Đây là bước cuối cùng cần thiết để hoàn tất tiến trình 2 năm xin gia nhập liên minh quân sự.

Thụy Điển nộp đơn xin gia nhập NATO hồi tháng 5/2022 và cần có sự nhất trí của toàn bộ các quốc gia thành viên liên minh này.

Sau khi Thổ Nhĩ Kỳ phê chuẩn nỗ lực của Thụy Điển hồi tháng trước, Hungary là quốc gia cuối cùng trong số 31 thành viên NATO đưa ra quyết định tương tự.