Thực tiễn và kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới ở Đồng Nai

Sau gần bốn năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay tỉnh Đồng Nai đã có 52 trong số 136 xã hoàn thành 19 tiêu chí NTM theo Bộ tiêu chí quốc gia (đạt 38,2%/tổng số xã), và chỉ còn 14 xã đạt từ 5 đến 8 tiêu chí (chiếm 10,3%). Đặc biệt, Đồng Nai là địa phương đầu trong cả nước có huyện Xuân Lộc và thị xã Long Khánh là hai địa phương cấp huyện đạt chuẩn NTM.

Nhờ chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Nai nên nhiều tuyến đường giao thông trong xã Xuân Bắc, huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) đã được bê-tông hóa. Ảnh: PHẠM TÙNG
Nhờ chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Nai nên nhiều tuyến đường giao thông trong xã Xuân Bắc, huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) đã được bê-tông hóa. Ảnh: PHẠM TÙNG

Nông thôn khởi sắc

Kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã tác động tích cực đến tình hình nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh Đồng Nai, đó là: Cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch đúng định hướng phát triển; tốc độ tăng trưởng GDP bình quân ngành nông nghiệp giai đoạn 2011- 2014 đạt 4,74%/năm; giá trị sản xuất thu hoạch trên 1 ha diện tích trồng trọt và chăn nuôi đến cuối năm 2014 đạt gần 100 triệu đồng/ha; đời sống vật chất, tinh thần của hầu hết người dân nông thôn tiếp tục được cải thiện, chất lượng cuộc sống không ngừng được nâng lên; thu nhập bình quân của người dân nông thôn đến cuối năm 2014 đạt 32,58 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn của tỉnh (đối với khu vực nông thôn hộ nghèo thu nhập 650.000 đồng/người/tháng - cao hơn chuẩn quốc gia) đã giảm xuống còn dưới 1%. Kết cấu hạ tầng ở khu vực nông thôn ngày càng được đầu tư đồng bộ, hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ phát triển sản xuất và đời sống ở vùng nông thôn. Dân chủ ở cơ sở ngày càng phát huy, ý thức và trách nhiệm làm chủ của người dân được nâng lên rõ rệt. Hệ thống chính trị ở cơ sở tiếp tục được củng cố, không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Những kết quả đạt được trong thời gian qua, bên cạnh sự phấn đấu, nỗ lực không ngừng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền, còn có sự vào cuộc của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, các tầng lớp nhân dân, cộng đồng các doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng, ngân hàng đã đồng hành, cùng sát cánh trong phong trào "Toàn tỉnh chung sức xây dựng nông thôn mới". Điều đó đã thể hiện qua tổng vốn đầu tư cho xây dựng NTM là gần 62.735 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước chỉ chiếm 15%, còn lại là nhân dân và doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng tích cực tham gia đóng góp.

Qua phong trào xây dựng NTM đã xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương điển hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, trong đó có nhiều "vua tiêu", "vua bắp", "vua bưởi", "vua xoài" là nông dân; những "kỹ sư chân đất" trong sáng kiến, cải tiến kỹ thuật và áp dụng có hiệu quả những tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp; xuất hiện nhiều trang trại của nông dân, nhiều vùng sản xuất chuyên canh tập trung với quy mô lớn, tiên tiến không thua kém trang trại ở các nước trong khu vực và trên thế giới; nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với ứng dụng khoa học công nghệ để tăng năng suất, nâng cao chất lượng cây trồng, vật nuôi được nhân rộng...

Tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, những kinh nghiệm, cách làm tích cực, sáng tạo trong phong trào "Toàn tỉnh chung sức thi đua xây dựng NTM", Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Đồng Nai với quyết tâm chính trị cao, phấn đấu đến năm 2020 sẽ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.Cùng với việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành tiêu chí NTM ở các xã trên địa bàn tỉnh, Tỉnh ủy đã chủ trương không dừng lại ở các tiêu chí đạt được, mà phải tiếp tục nâng chất lượng các xã, các huyện NTM trên địa bàn toàn tỉnh, thúc đẩy phong trào đạt ở trình độ, chất lượng cao hơn, nhằm thực hiện mục tiêu "bốn tốt hơn", đó là: Đời sống, thu nhập của người nông dân ngày càng cao hơn; Cơ sở hạ tầng kinh tế -xã hội ngày càng đồng bộ, hoàn thiện theo hướng hiện đại hơn; Đời sống vật chất, văn hóa tinh thần, bảo tồn và phát huy tốt hơn các giá trị truyền thống ở nông thôn, an ninh, an toàn, an sinh xã hội ở nông thôn ngày càng tốt hơn; Bảo đảm môi trường sinh thái phát triển đa dạng và bền vững hơn. Phấn đấu sớm rút ngắn khoảng cách về trình độ và tính chất phát triển giữa nông thôn và đô thị, xây dựng Đồng Nai trở thành tỉnh giàu mạnh, văn minh, phát triển toàn diện, bền vững.

Bài học kinh nghiệm

Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh, Tỉnh ủy Đồng Nai rút ra một số kinh nghiệm trong hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo:

Một là, nơi nào cả hệ thống chính trị vào cuộc với quyết tâm chính trị cao, quyết liệt, quyết đoán trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện một cách thống nhất, đồng bộ, xác định rõ nội dung trọng tâm, trọng điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo và phù hợp điều kiện thực tiễn cụ thể của từng địa bàn thì nơi đó tình hình có sự chuyển biến tốt và đạt kết quả cao theo mục tiêu, nhiệm vụ đề ra; hiện thực hóa phương châm hành động của cả hệ thống chính trị và người dân, đó là phải đạt được "bốn chữ đồng": đồng lòng, đồng thuận, đồng hành và đồng tiến, thì dù việc gì khó khăn đến đâu cũng thực hiện được và thực hiện có kết quả.

Hai là, trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM phải xác định và thể hiện "bốn rõ", đó là: Rõ về trách nhiệm của từng tổ chức; Rõ về nội dung, nhiệm vụ phải thực hiện của từng tổ chức; Rõ về phương thức, biện pháp, cách thức tổ chức thực hiện của tổ chức mình; Rõ về kết quả đạt được do tổ chức mình tạo ra.

Ba là, đối với trách nhiệm của chính quyền, nhất là đối với chính quyền cơ sở phải bảo đảm "bốn sâu sát", đó là: Sâu sát tình hình sản xuất và đời sống của nông dân; Sâu sát với thực tiễn địa bàn cơ sở; Sâu sát với nhu cầu, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của nhân dân; Sâu sát với tình hình diễn biến của thị trường nông sản hàng hóa để thực hiện tốt công tác định hướng, hướng dẫn, hỗ trợ tích cực nông dân phát triển sản xuất, đáp ứng được yêu cầu của thị trường, nâng cao thu nhập của người nông dân. Từ đó người dân có điều kiện để tiếp tục tham gia đóng góp xây dựng NTM.

Bốn là, đối với cán bộ, đảng viên, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở cơ sở phải thực hiện nghiêm, đầy đủ "bốn phải", đó là: Phải ưu tiên tập trung dành thời gian, công sức, trí tuệ để lãnh đạo, chỉ đạo, theo dõi, kiểm tra việc tổ chức thực hiện; Phải gần gũi, tôn trọng, thấu hiểu, đối thoại, giải thích, giải đáp, giải quyết kịp thời, có kết quả những vấn đề mà thực tiễn đang đặt ra đối với nông dân trong quá trình sản xuất và đời sống; Bản thân và gia đình phải gương mẫu thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ nơi cư trú; Phải thống nhất giữa lời nói đúng và việc làm đúng để làm gương tốt, tạo sự lan tỏa nhằm phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động trong quá trình thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ.

Năm là, đặc biệt coi trọng, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và "Dân vận khéo" với cách thức, phương pháp tuyên truyền cụ thể, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ để nông dân hiểu và nhận thức đúng và đầy đủ về trách nhiệm, vai trò chủ thể của mình, hiện thực hóa phương châm "dân biết, dân bàn, dân quyết định, dân làm, dân giám sát, dân thụ hưởng"; ngoài sự hỗ trợ của nhà nước, vấn đề có ý nghĩa quan trọng là phải biết phát huy trí tuệ và sức mạnh của nhân dân, huy động hợp lý các nguồn lực trong dân để xây dựng NTM; mọi huy động đóng góp của dân phải được bàn bạc, công khai, dân chủ, đồng thuận cao trong cộng đồng dân cư để nhân dân hiến kế, đề xuất cách thức thực hiện, khi nhân dân thấy được kết quả, lợi ích thiết thực, từ đó tăng thêm lòng tin, đồng lòng, đồng thuận, đồng hành của nhân dân trong quá trình thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng NTM.

Trần ĐÌNH THÀNH

Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai