Ngày 19/3/2024, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 236/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Quy hoạch tỉnh được phê duyệt là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng, đóng vai trò như một bản thiết kế toàn diện, tổng quan, xác định tầm nhìn và mục tiêu phát triển dài hạn cho từng ngành, lĩnh vực và hình thành khung định hướng phát triển kinh tế-xã hội dài hạn giúp tỉnh Lạng Sơn nhận diện rõ tiềm năng, thế mạnh để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện đảm bảo phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế, cụ thể hóa khát vọng các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Lạng Sơn.
Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp với chủ trương, đường lối phát triển của Đảng và Nhà nước; Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của cả nước; Quy hoạch tổng thể quốc gia; Nghị quyết của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ; các quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía bắc.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu tham dự hội nghị. |
Quy hoạch xác định phát triển Lạng Sơn nhanh và bền vững trên cơ sở nâng cao hiệu quả cải cách thể chế, tăng cường hội nhập quốc tế, liên kết vùng, phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội, thu hút nhân tài và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bắt kịp trình độ chuyển đổi số của cả nước và tận dụng thành công các cơ hội phát triển từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Phát triển dựa trên cơ sở khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, đặc biệt là lợi thế vị trí cửa ngõ quốc tế kết nối với thị trường Trung Quốc.
Xác định giá trị văn hóa, con người là yếu tố nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng cho sự phát triển bền vững. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế-xã hội, hội nhập quốc tế với xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, củng cố quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia và xây dựng biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác và hữu nghị. Xác định bảo vệ môi trường, sinh thái là điều kiện nền tảng, yếu tố tiên quyết cho phát triển bền vững kinh tế-xã hội.
Mục tiêu phát triển đến năm 2030: xây dựng Lạng Sơn trở thành một trong các cực tăng trưởng, trung tâm kinh tế của vùng trung du và miền núi phía bắc, là “cầu nối” ngày càng quan trọng trong kết nối kinh tế, thương mại giữa Việt Nam, các nước ASEAN, Trung Quốc và châu Âu; có xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh, môi trường sinh thái được bảo đảm; phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Lạng Sơn có quy mô kinh tế và GRDP bình quân đầu người trong nhóm 5 tỉnh dẫn đầu của vùng trung du và miền núi phía bắc.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến tại hội nghị. |
Tầm nhìn đến năm 2050: Lạng Sơn có nền kinh tế hiện đại, năng động, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc sống số; có quan hệ hợp tác tích cực với các địa phương của Trung Quốc và các địa phương trong vùng, các tỉnh lân cận, Lạng Sơn trở thành vùng đất Xanh hấp dẫn đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực, đặc biệt là năng lượng sạch, nông nghiệp, công nghiệp và du lịch….
Tại hội nghị, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trao Quyết định số 236/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh cho lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn.
Trước sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn đã trao các Chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Biên bản ghi nhớ đầu tư cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Thủ tướng cũng đã chứng kiến lễ trao kinh phí của các doanh nghiệp, đơn vị hỗ trợ tỉnh Lạng Sơn xoá nhà tạm, nhà dột nát. Nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư đã tích cực hưởng ứng Phong trào thi đua "Xóa nhà tạm, nhà dột nát" trên địa bàn tỉnh, trong đó, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn SOVICO đã trao tặng kinh phí xóa 300 căn nhà tạm, nhà dột nát, với tổng trị giá 15 tỷ đồng.
Đến thời điểm này, tỉnh Lạng Sơn đã huy động được sự hỗ trợ, ủng hộ trong Phong trào thi đua “xóa nhà tạm, nhà dột nát” đến năm 2025 trên địa bàn là 3.210 căn nhà với tổng trị giá 160,5 tỷ đồng.
Tập đoàn SOVICO đã trao tặng Lạng Sơn kinh phí xóa 300 căn nhà tạm, nhà dột nát, với tổng trị giá 15 tỷ đồng. |
Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, cần bám sát 3 nội dung quan trọng trong công tác quy hoạch: bám sát chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; bám sát tình hình thực tiễn của địa phương, khu vực, thế giới, nhất là tiềm năng, thế mạnh của địa phương; bám sát nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân. Chú trọng 3 yếu tố quan trọng về tư tưởng chủ đạo trong công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch: luôn đặt con người là trung tâm, chủ thể và mục tiêu, nguồn lực, động lực cho sự phát triển; không hy sinh công bằng, tiến bộ xã hội, môi trường để đổi lấy tăng trưởng đơn thuần; xác định nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ doanh nghiệp và nhân dân, làm mới các động lực tăng trưởng cũ, bổ sung các động lực tăng trưởng mới; phù hợp xu thế phát triển của các ngành, lĩnh vực, vùng, đất nước, thế giới.
Thủ tướng lưu ý tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ của công tác quy hoạch: tìm ra và thúc đẩy phát triển tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh (khai thác hiệu quả, thu hút nguồn lực cho phát triển nhanh, bền vững); phát hiện và chỉ rõ những mâu thuẫn, tồn tại, hạn chế, bất cập, khó khăn, thách thức… để hóa giải, khắc phục; xây dựng danh mục các dự án (có các cơ chế, chính sách, ưu tiên); cách huy động nguồn lực thực hiện; tổ chức thực hiện khoa học, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, thường xuyên theo dõi, giám sát, quảng bá để người dân hiểu và làm theo quy hoạch, bổ sung việc phát triển không gian.
Thủ tướng nêu rõ, Lạng Sơn có thể chú trọng khai thác kinh tế cửa khẩu để phát triển nhanh nhất; các cặp cửa khẩu của Lạng Sơn kết nối với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh cũng thuận lợi.
Thủ tướng cũng lưu ý giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ bằng các biện pháp hòa bình. Do đó cần khai thác tối đa tiềm năng này. Lưu ý tỉnh về một số tồn tại, hạn chế của tỉnh, Thủ tướng yêu cầu Lạng Sơn cần làm tốt hơn nữa công tác giải phóng mặt bằng; quyết đoán một số chủ trương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân; phải năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; đấu tranh, ngăn chặn tình trạng buôn lậu qua biên giới; tiếp cận giáo dục, y tế bình đẳng cho cả vùng sâu, vùng xa. Thủ tướng mong các nhà đầu tư đến với Lạng Sơn với tất cả tấm lòng, trái tim, thấu hiểu những khó khăn của tỉnh; hiểu bản Quy hoạch tỉnh lựa chọn kỹ lĩnh vực đầu tư.
Thủ tướng đánh giá, Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn đã được chuẩn bị công phu, bài bản, khoa học; tin tưởng Quy hoạch này sẽ mở ra cơ hội mới, giá trị cho Lạng Sơn.
Thủ tướng nhấn mạnh các nhiệm vụ tổng quát của Lạng Sơn, đó là: cần không ngừng tăng cường, củng cố, đẩy mạnh quan hệ hữu nghị hợp tác chặt chẽ, bền vững, “vừa là đồng chí, vừa là anh em”, giữa nhân dân, dân tộc Việt Nam và Trung Quốc; làm tốt việc này cũng là nguồn lực để thực hiện Quy hoạch; giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ bằng các biện pháp hòa bình, hữu nghị, thực hiện Thỏa thuận cấp cao giữa hai Đảng, Nhà nước; tăng cường tiềm lực quốc phòng an ninh ở khu vực biên giới; phát huy tính kết nối về giao thông, không gian phát triển kinh tế giữa Lạng Sơn với các tỉnh trong vùng, Lạng Sơn với cả nước, giữa Việt Nam, ASEAN với Trung Quốc bảo đảm hiệu quả, phát triển ngày càng gắn kết chặt chẽ.
Quang cảnh hội nghị. |
Thủ tướng lưu ý, trong triển khai quy hoạch, tỉnh Lạng Sơn cần 5 bảo đảm: bảo đảm tính tuân thủ của quy hoạch; bảo đảm tính đồng bộ của quy hoạch; bảo đảm tính liên kết của quy hoạch; bảo đảm tính linh hoạt của quy hoạch; bảo đảm tính mở rộng của quy hoạch. Thủ tướng cho biết, với những biến động diễn ra trong quá trình triển khai, tỉnh phải bổ sung kịp thời.
Thủ tướng chỉ đạo Lạng Sơn cần chú trọng, tập trung thực hiện các trọng tâm: đổi mới và hoàn thiện thể chế, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch; đầu tư nâng cấp và phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thông suốt; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, quản trị tốt, thông minh; phát triển du lịch trở thành một động lực tăng trưởng, ngành kinh tế mũi nhọn; thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng gắn với xây dựng nông thôn mới; phát huy bản sắc truyền thống tốt đẹp, nâng cao đạo đức xã hội, ý thức pháp luật, xây dựng văn hóa và con người Lạng Sơn; tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển.
Đề cập các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, Thủ tướng nêu rõ, tỉnh phải khẩn trương ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch; bảo đảm tính tuân thủ và đồng bộ trong tổ chức thực hiện quy hoạch; phải luôn đổi mới tư duy, tầm nhìn phát triển, khai thác hiệu quả các tiềm năng; xác định các dự án ưu tiên để có cơ chế huy động nguồn lực; lưu ý 2 dự án mang tính kết nối là Dự án đường sắt cao tốc Lạng Sơn-Hà Nội kết nối với Hải Phòng và Dự án xây dựng cửa khẩu thông minh; tập trung đào tạo phát triển nguồn nhân lực, trên nền tảng nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài; chú trọng phát triển văn hóa, con người; chú trọng quản lý và sử dụng các nguồn tài nguyên, khoáng sản và bảo vệ môi trường; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cấp phép cho nhà đầu tư, giải phóng mặt bằng…, giảm thiểu chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp, ứng dụng chuyển đổi số mạnh mẽ hơn, nâng cao các chỉ số đánh giá về môi trường đầu tư.
Thủ tướng lưu ý phải làm tốt công tác thông tin tuyên truyền để “Dân biết - Dân hiểu - Dân tin - Dân theo - Dân làm".
Thủ tướng lưu ý phải làm tốt công tác thông tin tuyên truyền để “Dân biết - Dân hiểu - Dân tin - Dân theo - Dân làm". Các bộ, ngành, địa phương phải phối hợp chặt chẽ với Lạng Sơn để thực hiện tốt Quy hoạch; cụ thể hóa Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đoàn kết, đồng lòng, hỗ trợ lẫn nhau, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau.
Ngoài ra, các cơ quan trung ương có vai trò giám sát, phối hợp thực hiện hiệu quả Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn; thường xuyên tổng kết, rút kinh nghiệm, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp; phối hợp, hỗ trợ hiệu quả với Lạng Sơn, cùng địa phương, cùng cả vùng phát huy sức mạnh tổng hợp trong thực hiện Quy hoạch, phát huy sức mạnh, kết hợp nội lực với ngoại lực.
Thủ tướng trân trọng cảm ơn và hoan nghênh các doanh nghiệp, nhà đầu tư đã chọn Lạng Sơn; mong các doanh nghiệp, nhà đầu tư đã hứa, đã cam kết thì phải thực hiện hiệu quả, có sản phẩm, "cân, đong, đo, đếm" được; thực hiện đúng quy định của luật pháp; chống tiêu cực, tham nhũng trong quá trình đầu tư
Thủ tướng bày tỏ vui mừng trong Hội nghị này, tỉnh Lạng Sơn cùng các doanh nghiệp, nhà hảo tâm chung tay ủng hộ và cam kết hỗ trợ kinh phí xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ gia đình nghèo, cận nghèo; cùng cả nước phấn đấu đến năm 2025 hướng tới xóa nhà dột nát cho 100% hộ nghèo. Đây là chương trình có ý nghĩa chính trị, xã hội và nhân văn sâu sắc, thể hiện truyền thống tốt đẹp “uống nước nhớ nguồn”, với tinh thần “Ai có công góp công, ai có của góp của, ai có ít góp ít, ai có nhiều góp nhiều”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chụp ảnh lưu niệm với các nhà tài trợ chương trình Xóa nhà tạm, dột nát trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. |
Thủ tướng đề nghị doanh nghiệp quán triệt tinh thần “3 cùng”: “cùng lắng nghe, thấu hiểu”; “cùng sẻ chia tầm nhìn và hành động”; “cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng và cùng phát triển”; xây dựng chiến lược kinh doanh lâu dài, bền vững; tiên phong trong đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, chuyển đổi xanh, số, chuyển giao công nghệ, tiên phong trong quản trị thông minh, hiện đại; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; đóng góp ý kiến tham vấn cho chính quyền xây dựng thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh… Thủ tướng cũng mong các nhà tài trợ nước ngoài cùng cải cách thủ tục hành chính, sử dụng nguồn vốn hiệu quả, phát triển doanh nghiệp ngày càng bền vững, hiệu quả.
Thủ tướng bày tỏ tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, thường xuyên và trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu của là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự đồng hành của Quốc hội, sự điều hành của Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cùng với vào cuộc của tỉnh Lạng Sơn, sự đồng hành của người dân, doanh nghiệp, Lạng Sơn sẽ có bước phát triển mới, nhanh và bền vững sau hội nghị này, trong đó có việc hưởng ứng và thực hiện thành công Phong trào thi đua “Xóa nhà dột, nhà tạm”.