Thực hiện chế độ, chính sách đối với người có công trong Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc

Trong những năm quân và dân ta chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc của Tổ quốc, với các nhiệm vụ, vị trí công tác khác nhau, tôi đã có ba lần lên biên giới, đến với một số điểm nóng ở Lạng Sơn, Hà Giang, nhất là địa bàn huyện Vị Xuyên.

Trong tôi đầy ắp những kỷ niệm không thể nào quên. Có lần, tôi phụ trách một nhóm nhà văn quân đội đi thực tế ở Vị Xuyên, xin được lên chốt. Các cán bộ chỉ huy đơn vị không đồng ý, nhưng cho phép chúng tôi được gặp những chiến sĩ từ trên chốt trở về thay ca. Thật là bất ngờ khi những chiến sĩ trẻ, họ cắm chốt nhiều ngày, có người chỉ mặc một cái quần, có người tóc rất dài vì không kịp cắt. Chúng tôi hỏi chuyện, các anh kể lại chuyện nơi mũi tên hòn đạn “như không có gì đáng kể” và cười “kết luận”: “Bọn em như những con thằn lằn bám vào đá để sống và bảo vệ bằng được từng mỏm đá, mỏm núi của biên cương Tổ quốc”. Thế đấy, kiên cường chiến đấu, chịu đựng đến tận cùng mọi gian nan nhưng luôn thanh thản sống. Các anh xuống chốt, tắm rửa, cắt tóc, cạo râu và lại chuẩn bị cho đợt lên chốt mới…

Năm 2016 vừa qua, tôi cùng một số tướng lĩnh, sĩ quan đã từng chỉ huy, chiến đấu ở Vị Xuyên về thăm lại chiến trường xưa. Đứng trên đồi cao, một chiến sĩ từng chiến đấu ở đây chỉ điểm cao 1509 - nơi ta và đối phương đã giành giật nhau từng tấc đất, mỏm đá, nói với chúng tôi: “Bên đó còn nhiều hài cốt của đồng đội đã hy sinh nhưng chưa thể quy tập được, vì có rất nhiều mìn ở đó chưa thể rà phá”. Tất cả chúng tôi lặng đi trong đau thương. 40 năm đã qua mà các đồng đội của chúng tôi vẫn còn nằm đó, mặc dù chúng tôi đã làm rất nhiều, song còn mắc nợ những người đã hy sinh ở chiến trường ác liệt, thầm lặng và dai dẳng này. Được biết, những năm qua, chúng ta đã tìm kiếm, quy tập được khoảng 7.000 hài cốt liệt sĩ đã ngã xuống ở dọc tuyến biên giới phía bắc, song số hài cốt liệt sĩ ở đây chưa tìm kiếm, quy tập được còn khoảng 4.000, và trong số đó, riêng ở Hà Giang còn có 2.000 hài cốt liệt sĩ.

Chúng ta đã làm rất nhiều, với sự nỗ lực to lớn và tấm lòng biết ơn sâu sắc những người có công với đất nước, nhưng công việc phía trước còn nhiều... Trước hết, về mặt chủ trương và công tác tham mưu, chỉ đạo, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đã trình Chính phủ ban hành hai văn bản quan trọng quy định chính sách đối với các đối tượng, trong đó có các đối tượng tham gia chiến đấu ở biên giới tây nam, làm nhiệm vụ quốc tế ở Cam-pu-chia và ở biên giới phía bắc.

Ngày 9-11-2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 62/2011/QĐ-TTg về vấn đề nêu trên. Thời gian qua, thực hiện Quyết định 62, toàn quốc đã giải quyết chế độ trợ cấp một lần đối với gần 1,3 triệu đối tượng với số tiền chi trả hơn 5.111 tỷ đồng, giải quyết chế độ trợ cấp hằng tháng đối với 1.578 đối tượng. Trong đó, đối với những người trực tiếp tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu ở biên giới phía bắc, có hơn 250 nghìn người được giải quyết chế độ trợ cấp một lần, với số tiền hơn 1.050 tỷ đồng và 315 đối tượng được giải quyết chế độ trợ cấp hằng tháng.

Ngày 14-10-2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 49/2015/QĐ-TTg về một số chế độ, chính sách đối với dân công hỏa tuyến tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế. Thực hiện quyết định nêu trên, riêng đối với dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia phục vụ chiến đấu ở biên giới phía bắc đã có hơn 105 nghìn người được giải quyết chế độ một lần, với số tiền hơn 219 tỷ đồng. Hiện nay, ở các cấp từ xã đến huyện, về cơ bản đã hoàn thành việc thực hiện các quyết định nêu trên. Sau khi giải quyết một số hồ sơ cấp tỉnh và cấp quân khu, dự kiến đến quý III năm 2019 sẽ tổng kết toàn quốc.

Cùng với chủ trương và quyết định lớn nêu trên, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, khen thưởng, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng cũng đồng thời được triển khai ở các cấp từ cơ sở địa phương đến T.Ư. Nghĩa trang Liệt sĩ Vị Xuyên (Hà Giang) trở thành nơi hội tụ đầy nghĩa tình đồng đội, quân dân, người hy sinh và những người đang sống. 54 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng có chồng, con hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc của Tổ quốc được các cơ quan đơn vị, Bộ Quốc phòng phụng dưỡng. 406 ngôi nhà tình nghĩa được trao tặng với tổng số tiền hơn 28,4 tỷ đồng. Nhiều sổ tiết kiệm được tặng các gia đình khó khăn, hàng chục nghìn người được khám, chữa bệnh miễn phí, hàng chục vạn lượt người được thăm, tặng quà nhân dịp các ngày lễ, Tết, với tổng số tiền lên đến gần 80 tỷ đồng, kể từ năm 2008 đến 2018.

Từ năm 1984 đến nay, Nhà nước đã khen thưởng Huân chương Chiến công cho 30.088 cá nhân có thành tích tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu ở tuyến một biên giới phía bắc. Đó là những kết quả to lớn, sâu nặng nghĩa tình đối với những người có công trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc của Tổ quốc.

Những năm qua, Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân ta đã làm nhiều việc để đền đáp công ơn, sự hy sinh của quân và dân trong cuộc chiến đấu, song vẫn còn nhiều điều cần làm nữa để tri ân những hy sinh của đồng chí, đồng bào. Chưa làm xong, tất cả chúng ta chưa thấy an lòng. Trước hết là, cần một chính sách đặc biệt hơn, cần một văn bản quy phạm pháp luật có tính đặc thù tập trung giải quyết dứt điểm về cơ bản việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ ở biên giới phía bắc. Như chúng ta đã làm ở Cam-pu-chia và Lào đối với Quân tình nguyện Việt Nam, để linh hồn hàng nghìn người đã hy sinh trở về với quê hương, với người thân hoặc được quy tập trong những nghĩa trang liệt sĩ cùng đồng đội mình. Chúng tôi khát khao mong như vậy và chắc chắn rằng, tất cả chúng ta cùng mong như vậy.

GS, TS ĐINH XUÂN DŨNG

(Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật T.Ư)