Cùng dự, có đồng chí Nguyễn Thúy Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban xã hội của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn giám sát; đại diện các Ủy ban: Tài chính ngân sách, Pháp luật, Văn hóa-Giáo dục, Quốc phòng-An ninh, Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Kiểm toán Nhà nước và lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND, UBND tỉnh Lâm Đồng.
Giai đoạn 2016-2021, tỉnh Lâm Đồng tiếp tục thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và các đề án cơ cấu ngành, lĩnh vực theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả; chống lãng phí trong sử dụng các nguồn lực, tài nguyên thiên nhiên, góp phần đưa tổng sản phẩm trên địa bàn toàn tỉnh (GRDP) bình quân 5 năm đạt từ 8 đến 9%/năm; tiếp tục cơ cấu lại chi ngân sách đáp ứng mục tiêu tăng trưởng, bảo đảm quốc phòng-an ninh và an sinh xã hội trong tình hình mới.
Công tác quản lý chi ngân sách địa phương cơ bản bảo đảm theo dự toán; các cấp, các ngành và đơn vị nghiêm túc thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước; không bố trí kinh phí ngoài dự toán, ngoại trừ các khoản chi cấp bách được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Tại buổi làm việc, Đoàn giám sát đã nêu một số hạn chế trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thời gian qua tại Lâm Đồng, như công tác lập dự toán thu ngân sách nhà nước chưa sát thực tế, công tác dự báo còn những hạn chế nhất định, tình trạng nợ đọng thuế hằng năm ở mức cao; công tác quản lý, sử dụng quỹ biệt thự hiện nay do nhiều chủ thể thực hiện dẫn đến thiếu tính thống nhất, khó khăn trong quản lý, duy tu, bảo dưỡng.
Đại diện các sở, ngành liên quan đã báo cáo giải trình làm rõ thêm một số nội dung theo yêu cầu của đoàn giám sát, như việc tiết kiệm trong các công trình dân sinh, xây dựng nông thôn mới, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, việc huy động sử dụng nguồn lực ODA…
Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, Trưởng Đoàn giám sát, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh Lâm Đồng trong thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021.
Đồng chí nhấn mạnh, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là chuyên đề giám sát khó, phạm vi rộng, được Quốc hội và Chủ tịch Quốc hội đặc biệt quan tâm. Những kết quả đạt được của Lâm Đồng trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã góp phần quan trọng trong quá trình phát triển của địa phương.
Chia sẻ những khó khăn của địa phương trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở một số lĩnh vực, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị, Lâm Đồng cần chỉ đạo khắc phục những hạn chế nhằm tạo chuyển biến ngay. Trong đó, cần tiếp tục hoàn thiện các báo cáo; đánh giá thêm các mô hình hay, cách làm hiệu quả; làm rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan, quy rõ trách nhiệm người đứng đầu và giải pháp khắc phục. Với những vấn đề đã rõ, được kiểm nghiệm thực tế, thuộc phạm vi thẩm quyền của tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh cần chủ động chỉ đạo khắc phục, xử lý ngay.