Một loạt bất đồng liên quan các vụ tình nghi gián điệp, tấn công mạng, các nhân vật chính trị đối lập… thời gian qua đã đẩy quan hệ Nga - Đức, cũng như Nga - Liên hiệp châu Âu nói chung, liên tục rơi vào bế tắc. Tại cuộc hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 20/8 ở Điện Kremlin, nhấn mạnh sự cần thiết của duy trì đối thoại, Thủ tướng Đức Angela Merkel thẳng thắn chỉ ra các vấn đề hai bên cùng quan tâm, từ hợp tác song phương tới những vấn đề nóng ở khu vực và thế giới, trong đó có xung đột ở miền Đông Ukraine, tình hình tại Afghanistan.
Tổng thống Nga Putin cho rằng, không phải lúc nào Moskva và Berlin cũng có thể tìm tiếng nói chung, song hai bên luôn sẵn sàng đối thoại, tìm giải pháp. Khẳng định Đức là đối tác chủ chốt của Nga ở châu Âu và trên thế giới trong cả chính trị lẫn kinh tế, Tổng thống Putin dẫn số liệu cho thấy, bất chấp tác động nghiêm trọng từ dịch bệnh, kim ngạch thương mại song phương Nga - Đức tăng gần gấp hai lần trong sáu tháng đầu năm 2021.
Một trong những nội dung chính mà Thủ tướng Merkel đưa ra thảo luận trong chuyến thăm Nga là các giải pháp thúc đẩy hoàn thành dự án Dòng chảy phương Bắc 2. Dự án đưa khí đốt từ Nga đến châu Âu trị giá 11 tỷ USD này vốn vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Mỹ và một số nước. Mỹ lo ngại dự án sẽ đe doạ an ninh năng lượng và kinh tế của các đồng minh ở châu Âu, nhất là Ukraine - nước vốn đang được hưởng hàng tỷ USD mỗi năm từ khoản phí trung chuyển khí đốt.
Sau Nga, Thủ tướng Merkel đến ngay Ukraine để gặp Tổng thống Volodymyr Zelensky, nhằm trấn an Kiev về Dòng chảy phương Bắc 2. Tuyên bố không ra tranh cử sau 4 nhiệm kỳ liên tiếp đứng đầu chính phủ, bà Merkel đang nỗ lực hoàn thành những mục tiêu còn dang dở trước cuộc bầu cử Quốc hội Đức sắp tới. Vừa bảo đảm lợi ích kinh tế với Nga, vừa thuyết phục được Mỹ và đồng minh chấp thuận dự án vận chuyển khí đốt này là nhiệm vụ khó khăn với bà Merkel khi thời gian bà phải rời nhiệm sở đang đến gần.