Thúc đẩy thanh toán số sau đại dịch

NDO -

Xu hướng thanh toán hiện nay đang cho thấy có sự chuyển dịch mạnh mẽ sang các phương tiện điện tử thay thế cho tiền mặt. Đây cũng là một trong các mục tiêu của Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.

Toàn cảnh buổi tọa đàm.
Toàn cảnh buổi tọa đàm.

Chia sẻ tại buổi buổi tọa đàm với chủ đề “Thúc đẩy thanh toán số sau đại dịch” do Báo Tiền Phong và Công ty CP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas) tổ chức sáng 13/4 tại Hà Nội, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) Lê Văn Tuyên cho biết: Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025 tại Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ hướng tới một số mục tiêu chủ yếu sau: 

Thứ nhất, tạo sự chuyển biến tích cực về thanh toán không dùng tiền mặt với mức tăng trưởng cao; phổ cập, đưa việc sử dụng các phương thức, phương tiện thanh toán này trở thành thói quen của người dân ở khu vực đô thị và tạo sự lan tỏa, mở rộng ra các địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa; giảm chi phí xã hội liên quan đến tiền mặt; 

Thứ hai, ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 để đổi mới, phát triển hạ tầng thanh toán, phát triển dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt an toàn, tiện ích, đáp ứng tốt nhu cầu thanh toán ngày một tăng, yêu cầu ngày càng cao của người dân và doanh nghiệp; 

Thứ ba, bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt; góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước, minh bạch hóa các giao dịch thanh toán trong nền kinh tế; 

Thứ tư, phấn đấu đạt một số mục tiêu tăng trưởng sử dụng phương tiện, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt như từ 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác, tỷ lệ cá nhân, tổ chức sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt qua các kênh thanh toán điện tử đạt 40%…

Thực tế sau 2 năm chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thói quen thanh toán của người dân đã có những thay đổi lớn. Cùng với sự dịch chuyển của người dân, nhiều phương thức thanh toán số đã ra đời và được người dân ưa chuộng sử dụng như: thẻ chip, QR code, ví điện tử… và ứng dụng mobile banking. “Do vậy trong bối cảnh Việt Nam cần phải chủ động thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, chủ đề của tọa đàm hôm nay về tuyên truyền, phổ biến lợi ích của các phương thức thanh toán mới, hiện đại như thẻ chíp, thanh toán phi tiếp xúc, thanh toán qua mã QR, thanh toán qua Internet, điện thoại di động trở thành nội dung thiết thực đối với mỗi người dân và doanh nghiệp”, ông Lê Văn Tuyên khẳng định.

Tại tọa đàm, nhiều chuyên gia, đại diện các ngân hàng thương mại cũng đã chia sẻ, làm rõ các vấn đề liên quan thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán số, để người dân hiểu rõ hơn về lợi ích của hình thức này. Theo đó đối với Việt Nam, hoạt động thanh toán từ người dân, tổ chức, nhất là giới trẻ đã tiệm cận với trình độ công nghệ của thế giới. 

Các hình thức thanh toán đang được các ngân hàng giới thiệu, dần phổ cập đó là: thanh toán bằng thẻ chíp phi tiếp xúc (contactless), thanh toán trực tuyến lẫn ngoại tuyến tại điểm bán qua mã QR, thanh toán trực tuyến cho dịch vụ số, thương mại điện tử qua NFC, ứng dụng Mobile banking,… kết hợp với các giải pháp, dịch vụ hỗ trợ như xác thực sinh trắc học bảo mật, mã hóa thông tin thẻ (tokenization), định danh điện tử (eKYC) an toàn, thuận tiện.

Đáng chú ý trong thời gian gần đây, thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ, dịch vụ hành chính công được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tích cực đẩy mạnh triển khai. Một trong những giải pháp quan trọng là việc ra mắt Cổng Dịch vụ công Quốc gia chính thức vào ngày 9/12/2019. Theo đó, nhiều nhóm dịch vụ công đến nay đã được triển khai thanh toán bằng các phương thức điện tử đem lại sự thuận tiện, nhanh chóng cho người dân, thay vì phải đến trực tiếp nộp tiền mặt để nộp các loại thế, phí. 

Chia sẻ thêm về các giải pháp góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực dịch vụ công đã được triển khai thời gian qua, Phó Tổng Giám đốc Napas Nguyễn Quang Minh cũng cho biết: Hiện Napas đã hoàn thành kết nối hạ tầng thanh toán tới 48 địa phương, 15 đơn vị là các bộ, cục, cơ quan cung cấp dịch vụ công để cung cấp dịch vụ dịch vụ thanh toán trực tuyến cho 5 nhóm dịch vụ trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia gồm: nộp bảo hiểm xã hội, thuế bất động sản, nộp phạt vi phạm giao thông, tạm ứng án phí và thanh toán phí, lệ phí. 

Các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt do Napas triển khai gồm thanh toán qua thẻ chip do các ngân hàng phát hành, thanh toán qua số tài khoản ngân hàng và phương thức thanh toán bằng mã VietQR mới được triển khai phối hợp cùng 2 ngân hàng là NCB và Nam Á Bank vào tháng 1 năm nay. Qua đó, Napas mong muốn đem đến sự đơn giản, thuận tiện và an toàn khi người dân tiếp cận, sử dụng thanh toán các loại dịch vụ công tại Cổng dịch vụ công quốc gia. Thời gian tới, Napas sẽ tiếp tục mở rộng triển khai thanh toán nhiều dịch vụ như học phí, viện phí trên Cổng dịch vụ công quốc gia, từ đó nhân rộng mô hình trên nhiều kênh thanh toán khác.