Tiện lợi, nhanh chóng
Làm việc nhiều năm cho một công ty nước ngoài, anh Tuấn Kiệt (quận Bình Thạnh) gần như “quên” luôn chuyện xài tiền mặt khi mua sắm, đi lại, giải trí… Anh Tuấn Kiệt cho biết: “Lâu nay, đi ăn sáng thì mình thanh toán bằng ví điện tử hoặc thẻ ATM; mua vé máy bay thì dùng in-tơ-nét banking hoặc mobile banking; đi du lịch cùng gia đình cũng vậy, rất hiếm khi đụng tới tiền mặt. Thanh toán bằng các ứng dụng nêu trên còn giúp mình tiết kiệm được khá nhiều tiền nhờ được cộng điểm, khuyến mãi, giảm giá sản phẩm và dịch vụ”.
Tương tự, anh Việt Hùng, chủ một doanh nghiệp nhỏ ở quận 12, cũng sắm cho mình vài ba thẻ tín dụng, thẻ ATM và ví điện tử. Anh Hùng cho hay, ban đầu chưa quen nhưng giờ thấy rất tiện, không cần phải mang theo nhiều tiền mặt trong người, chỉ mất vài chục giây “quẹt thẻ” là thanh toán xong những khoản chi trong cuộc sống hằng ngày, như mua sắm tại siêu thị, ăn uống ở các quán cà-phê… hoặc thanh toán những khoản giao dịch trong kinh doanh.
Các đơn vị cung cấp dịch vụ trên địa bàn thành phố cũng rất nhanh nhạy trong việc chấp nhận thanh toán KDTM. Hiện, tất cả các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, trung tâm thương mại, doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực dịch vụ khác… đều triển khai các ứng dụng hiện đại để thực hiện thanh toán KDTM. Nhiều hệ thống siêu thị đã liên kết với các ngân hàng để phát hành thẻ đồng thương hiệu, vừa có chức năng là một thẻ tín dụng, vừa có chức năng tích điểm hưởng quyền lợi của siêu thị… Đến nay, hệ thống bán lẻ của Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) đã phát hành được khoảng bốn triệu thẻ đồng thương hiệu liên kết với ba ngân hàng.
Một loại hình dịch vụ đặc thù là bệnh viện cũng không đứng ngoài cuộc. Mới đây, Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh triển khai ứng dụng ngân hàng hiện đại trong thanh toán viện phí. Với sự liên kết và hỗ trợ của 15 ngân hàng, bệnh viện này triển khai hình thức thanh toán viện phí thông qua in-tơ-nét banking và bằng mobile banking (quét mã QR), giúp người bệnh thanh toán chi phí khám, chữa bệnh trực tiếp trên nền tảng thiết bị di động thông minh dễ dàng, nhanh chóng. Hiện nay, một số bệnh viện khác ở thành phố cũng đã áp dụng hình thức thanh toán viện phí KDTM như: Phạm Ngọc Thạch, Nhi Đồng 1, Từ Dũ… Theo sự nhìn nhận của các bệnh viện, việc thanh toán KDTM giúp người bệnh giảm thời gian chờ đợi và giúp bệnh viện giảm chi phí phát sinh, nhân viên thu tiền và bớt đi khâu quản lý tiền mặt; đồng thời, dễ dàng và minh bạch trong khâu quản lý tiền, tránh được các rủi ro mất tiền, tiết kiệm thời gian hơn trong công đoạn đếm và đối chiếu số liệu…
Tạo nhiều điều kiện thuận lợi
Theo nhiều chuyên gia tài chính - ngân hàng, phần lớn người dân vẫn còn thói quen sử dụng tiền mặt trong chi tiêu và chủ yếu sử dụng thẻ ATM để rút tiền mặt. Tuy vậy, thống kê của NHNN cho thấy, trong quý I-2019, số lượng giao dịch thanh toán qua in-tơ-nét và điện thoại di động tăng rất cao so cùng kỳ năm 2018. Theo đó, kênh in-tơ-nét tăng gần 70% về số lượng giao dịch và 13,4% về giá trị; kênh điện thoại di động tăng 97,7% về số lượng giao dịch và 232,3% về giá trị. Cũng trong quý I-2019, thanh toán nội địa qua thẻ ngân hàng đã tăng 18,45% về số lượng giao dịch và gần 9% về giá trị so cùng kỳ năm 2018.
Thời gian qua, cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ thanh toán KDTM được tiếp tục chú trọng đầu tư, mở rộng. Đến nay, cả nước có hơn 18.500 máy ATM hiện đại và hơn 260 nghìn điểm chấp nhận thanh toán (máy POS), phần lớn được lắp đặt ở các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng bán lẻ, khách sạn, khu du lịch, bệnh viện, trường học… Đồng thời, đã có 76 tổ chức cung cấp dịch vụ thanh toán qua in-tơ-nét, 41 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán di động, 16 ngân hàng cung ứng dịch vụ thanh toán bằng mã QR với 30 nghìn điểm chấp nhận thanh toán mã QR.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) Nguyễn Ngọc Dũng, cho rằng, để khuyến khích người dân thanh toán KDTM, các nhà bán lẻ và ngân hàng nên “bắt tay” nhau để giảm phí thanh toán, đồng thời bảo đảm chất lượng hàng hóa được bán qua mạng. Ngành ngân hàng cần tăng cường tuyên truyền để người dân quan tâm hơn chức năng thanh toán của thẻ ATM, có thể dùng thẻ ATM để thanh toán với mức phí rất thấp so với khi sử dụng các loại thẻ tín dụng.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho biết, thời gian tới, NHNN tiếp tục triển khai một số định hướng, giải pháp lớn nhằm thúc đẩy thanh toán KDTM như: Thúc đẩy việc áp dụng tiêu chuẩn cơ sở mã QR để bảo đảm khả năng tương thích giữa các giải pháp thanh toán trên nền mã QR; đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép nạp tiền mặt vào ví điện tử mà không cần thông qua tài khoản ngân hàng… Cùng với đó, NHNN sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án phát triển thanh toán KDTM giai đoạn 2016-2020; Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công (điện, nước, học phí, viện phí) và chi trả các chương trình an sinh xã hội… Đẩy mạnh thanh toán thẻ qua các máy POS; nghiên cứu, áp dụng các ứng dụng giải pháp, công nghệ mới trong thanh toán điện tử như mã QR, mã hóa thông tin thẻ, thanh toán di động, thanh toán phi tiếp xúc, xác thực sinh trắc học…