Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ðào Minh Tú, cho biết: Khu vực Ðông Nam Bộ có mạng lưới gần 3.500 chi nhánh tổ chức tín dụng, phòng giao dịch, quỹ tín dụng nhân dân. Ðến hết quý I năm 2023, huy động vốn khu vực đạt hơn 4,1 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 1/3 huy động toàn quốc, giảm 0,75% so với cuối năm 2022 (thấp hơn mức tăng chung của cả nước quý I là 1,24%; tín dụng đạt gần 4,3 triệu tỷ đồng, chiếm gần 35% dư nợ toàn quốc, tăng 1,72% so với cuối năm 2022 (thấp hơn mức tăng chung của cả nước quý I là 2,61%). Nguyên nhân tăng trưởng tín dụng đầu năm 2023 của vùng Ðông Nam Bộ ở mức thấp hơn cả nước do tác động cộng hưởng những khó khăn chung của nền kinh tế và một số khó khăn đặc thù của vùng.
Theo phân tích của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, những thách thức ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng của vùng Ðông Nam Bộ hiện nay là tăng trưởng kinh tế vùng đang có xu hướng chậm lại và thấp hơn cả nước, một số địa phương có mức tăng GRDP quý I ở mức thấp hoặc tăng trưởng âm. Doanh nghiệp tiếp tục cắt giảm lao động và khó khăn hơn về đơn hàng, nguồn vốn. Số vốn đăng ký doanh nghiệp thành lập mới giảm và số doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động tăng so với cùng kỳ.
Công tác quy hoạch và triển khai thực hiện quy hoạch còn chậm. Mạng lưới kết cấu hạ tầng cấp vùng, liên vùng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối nội vùng và liên vùng còn thiếu, yếu, chưa đồng bộ, ảnh hưởng đến sự phát triển và sức lan tỏa của vùng. Một số công trình trọng điểm chậm tiến độ. Công nghiệp phát triển thiếu bền vững, chủ yếu là gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng thấp. Trong khi đó, kinh doanh bất động sản là ngành trọng yếu của khu vực, đặc biệt là tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng những khó khăn của thị trường, nhất là vấn đề về pháp lý dẫn tới các dự án mới chậm được triển khai… ảnh hưởng lan tỏa tới các ngành có liên quan; giải ngân đầu tư công còn chậm, thấp hơn mức trung bình cả nước, ảnh hưởng tới sức cầu nền kinh tế và tác động gián tiếp tới cầu tín dụng.
Tại Hội nghị "Ngành ngân hàng góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh vùng Ðông Nam Bộ" do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 11/5 vừa qua, lãnh đạo các tỉnh, thành phố, đại diện các hiệp hội ngành hàng tại khu vực Ðông Nam Bộ nêu ra những khó khăn của doanh nghiệp trong tiếp cận vốn, nhất là vốn vay ưu đãi mà Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành, như gói tín dụng hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31/2022/NÐ-CP.
Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, Phan Văn Mãi thông tin: Trên địa bàn thành phố có gần 50% số doanh nghiệp đang sản xuất cầm chừng, giữ lao động và gần như không có nhu cầu tín dụng, chủ yếu do không có thị trường. Một bộ phận doanh nghiệp có nhu cầu về vốn lưu động để giải quyết yêu cầu thanh toán ngắn hạn hoặc tạo tính thanh khoản. Có khoản vay đến hạn nhưng thanh toán gặp khó khăn do hàng không bán được hoặc bán nhưng mà chưa được thanh toán.
Ngoài ra, doanh nghiệp ngại tiếp cận các gói tín dụng ưu đãi do nhu cầu về tín dụng thấp và tâm lý e ngại làm việc với các cơ quan chức năng. Ðối với bất động sản, người mua bây giờ cũng ngại vay và mong chờ có chính sách ưu đãi cho người mua nhà. Tương tự, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, Dương Văn Thắng cho biết: Thời gian qua, dù mặt bằng lãi suất đã được điều chỉnh, nhưng vẫn ở mức cao. Lãi suất ngắn hạn phổ biến ở mức 10-11%/năm, trong khi trước đây chỉ khoảng 7-9%; Lãi suất cho vay trung và dài hạn 11-13%/năm, trước đây chỉ 8,5-11%/năm cho nên nhiều doanh nghiệp vẫn cân nhắc khi vay vốn. Ngoài ra, các doanh nghiệp vẫn tính toán giữa lợi ích của gói ưu đãi và các chi phí phải bỏ ra. Ðến nay, toàn tỉnh chỉ giải ngân được 677 tỷ đồng theo gói này.
Ðể thúc đẩy tín dụng, cần triển khai chương trình kết nối, tổ chức đối thoại giữa ngân hàng, doanh nghiệp; kéo giảm lãi suất cho vay về mức hợp lý để tăng khả năng tiếp cận vốn.
Trước những phản ánh, kiến nghị của các địa phương và doanh nghiệp, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Nguyễn Thị Hồng cho biết: Trong thời gian qua, các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đều hướng tới mục tiêu kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, kịp thời cung ứng vốn tín dụng để góp phần phục hồi và tăng trưởng kinh tế.
Trong thời gian tới, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục đồng hành với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Ðông Nam Bộ trong việc tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh. Ðể hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung nguồn vốn vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; thực hiện các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận vốn tín dụng; bảo đảm hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả.
Trong đó, tập trung kết nối với các sở, ban, ngành tại các địa phương, các hiệp hội ngành hàng, các khu chế xuất, khu công nghiệp để tìm hiểu nguyên nhân doanh nghiệp khó tiếp cận được vốn vay. Từ đó, kiến nghị với địa phương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Chính phủ đưa ra các giải pháp tháo gỡ kịp thời ■