Thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ vải

NDO -

Theo dự báo, vụ vải năm nay ở hai tỉnh Hải Dương và Bắc Giang sẽ được mùa khi tỷ lệ ra hoa, đậu quả đạt cao. Trước diễn biến dịch Covid-19 ngày càng phức tạp, hiện nay các địa phương đang đẩy mạnh việc quảng bá, xúc tiến thương mại nhằm bảo đảm tiêu thụ thuận lợi cũng như xuất khẩu ra các thị trường nước ngoài.

Nhân dân xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) chăm sóc vải vụ 2021.
Nhân dân xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) chăm sóc vải vụ 2021.

Hứa hẹn bội thu

Năm 2021, tỉnh Hải Dương trồng khoảng 10.000 ha vải, tập trung chủ yếu ở huyện Thanh Hà và thành phố Chí Linh. Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lương Thị Kiểm cho biết, “do thời tiết thuận lợi, nhân dân có kỹ thuật chăm sóc tốt nên vụ vải năm nay hứa hẹn bội thu khi tỷ lệ ra hoa, đậu quả đạt khoảng 95%. Dự kiến, vụ vải năm nay sẽ cho năng suất cao với sản lượng khoảng 50 nghìn tấn quả. Trong đó, thời gian thu hoạch vải trà sớm sẽ bắt đầu khoảng 10-5. Điều đáng nói là phần lớn diện tích vải của tỉnh đã được cấp mã số vùng trồng và sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài ra, trên địa bàn đã có 1.000 ha vải, nhãn được cấp chứng nhận sản xuất theo hướng VietGAP, GlobalGAP”.

Với hơn 3.300 ha trồng vải, năm nay huyện Thanh Hà đang tích cực chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh sản xuất vải an toàn và theo tiêu chuẩn để xuất khẩu. Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Thanh Hà, Hoàng Thị Thúy Hà, để bảo đảm sản xuất vải đạt hiệu quả cao cũng như thuận lợi trong việc tiêu thụ tại thị trường nội địa và xuất khẩu, đến nay huyện đã thành lập các tổ chuyên môn giúp việc ban chỉ đạo huyện về sản xuất vải an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế.

Bên cạnh đó, huyện cũng chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp các xã, thị trấn rà soát, lựa chọn, quy hoạch 37 ha vùng trồng với diện tích 400 ha để sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Trong đó, duy trì 17 vùng với diện tích 155 ha đã được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu sang các nước Mỹ, Australia, Nhật Bản, Singapore…của năm 2020 và mở rộng 20 vùng với diện tích 264 ha. Ngoài ra, huyện cũng phối hợp Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh tổ chức, triển khai 42 lớp tập huấn, hướng dẫn quy trình chăm sóc vải cho khoảng 3.400 hộ dân.

Vụ vải năm nay tại tỉnh Bắc Giang cũng đang được dự báo sẽ đạt kết quả tốt. Qua đánh giá của cơ quan chuyên môn, diện tích vải trên địa bàn tỷ lệ ra hoa, đậu quả cũng đạt khoảng 95%. Hiện nay, Bắc Giang trồng khoảng 27.700 ha vải. Niên vụ vải năm nay dự kiến năng suất đạt hơn 58 tạ/ha với sản lượng 160.000 tấn. Toàn tỉnh có 15,2 nghìn ha vải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và 338 ha vải sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP.

Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, La Văn Nam cho biết “Trên địa bàn huyện hiện nay nhân dân đang trồng khoảng 16.000 ha vải. Điều đáng mừng là vải Lục Ngạn đã được công nhận chỉ dẫn địa lý ở tám quốc gia nên tạo sức hút lớn cho các hệ thống siêu thị, thương lái đến thu mua, góp phần nâng cao thu nhập cho nhân dân”.

Anh Giáp Văn Huynh, xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn chia sẻ “gia đình tôi trồng vải từ năm 1989, đến nay diện tích trồng khoảng hai mẫu với gần 300 gốc. Do trồng nhiều năm nên gia đình tôi có nhiều kinh nghiệm trong chăm sóc nên cây vải luôn cho năng suất tốt, bình quân mỗi năm, hai mẫu vải cho thu khoảng 17 tấn quả. Đặc biệt, do là thành viên trong hợp tác xã nên sản phẩm vải luôn được bảo đảm đầu ra ổn định. Chính vì vậy, nếu năm nào thời tiết không thuận lợi 300 gốc vải cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng; còn nếu được mùa, được giá thu nhập hơn 300 triệu đồng”.

Đẩy mạnh xuất khẩu

Việc vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) vừa qua được phía Nhật Bản bảo hộ chỉ dẫn địa lý đang có những tín hiệu tích cực để từng bước đưa sản phẩm quả vải tươi nước ta xâm nhập thị trường khó tính này.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang, Dương Thanh Tùng cho biết, “nhằm bảo đảm việc sản xuất và tiêu thụ vải được thuận lợi, Sở đã ban hành kế hoạch sản xuất gắn với xuất khẩu vải năm 2021. Theo đó, Sở đề nghị các cơ quan chức năng và địa phương vận động, hướng dẫn nhân dân tổ chức sản xuất vải thiều tập trung quy mô lớn để nâng cao năng suất, chất lượng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; lựa chọn, áp dụng công nghệ hiện đại vào bảo quản, chế biến, đóng gói nhằm kéo dài thời gian tiêu thụ đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu.

Đồng thời, hình thành và phát triển các chuỗi liên kết trong sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ vải ổn định, hiệu quả, bền vững. Thúc đẩy sản xuất theo mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết sản xuất để sản xuất tập trung quy mô lớn, triển khai áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tạo ra sản phẩn an toàn đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu; đẩy mạnh sản xuất vải an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ; áp dụng các giải pháp kỹ thuật tiến bộ để triển khai tổ chức sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu vào các thị trường như: Mỹ, Nhật Bản, Australia...; nắm chắc tình hình thị trường truyền thống và thị trường mới để có thông tin dự báo, định hướng cho sản xuất, tiêu thụ sản phẩm”.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Thanh Hà (Hải Dương) Hoàng Thị Thúy Hà, niên vụ vải 2020 sản phẩm vải thiểu của huyện đã xuất khẩu sang các thị trường như: Nhật Bản, Mỹ, Australia, Singapore…với sản lượng gần 1.500 tấn, tăng gần 1.000 tấn so với niên vụ trước. Niên vụ vải năm 2021, dự tính sản lượng vải xuất khẩu sang các thị trường trên khoảng 2.000 tấn; xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc từ 15 đến 20 nghìn tấn, còn lại tiêu thụ tại thị trường nội địa.

Vừa qua, UBND huyện đã tổ chức các buổi gặp gỡ, kết nối các doanh nghiệp, đơn vị thu mua ở cả trong nước và nước ngoài nhằm nhằm quảng bá, xúc tiến, tiêu thụ vải quả năm 2021. Qua đó đã đưa một số doanh nghiệp trong và ngoài nước về khảo sát chất lượng vải của huyện để xây dựng kế hoạch tiêu thụ cho nhân dân. Còn tại tỉnh Bắc Giang cũng đang thông tin đầy đủ, kịp thời yêu cầu của thị trường xuất khẩu, trong đó quan tâm thị trường truyền thống; nâng cao sản lượng xuất khẩu sang các thị trường như: EU, Australia, Singapore, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Để thúc đẩy xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo sản xuất đối với 149 mã số vùng trồng (được Trung Quốc chấp thuận) với diện tích 15.867 ha, sản lượng khoảng 95.000 tấn tại các huyện: Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế, Tân Yên bảo đảm điều kiện xuất khẩu. Đối với thị trường Mỹ, EU duy trì sản xuất 18 mã số vùng trồng với diện tích 218 ha, năng suất 75 tạ/ha, sản lượng 1.600 tấn. Tại thị trường Nhật Bản tiếp tục chỉ đạo 30 mã số vùng trồng, diện tích 219 ha.