Đây là hội nghị quan trọng giữa các nước Mê Công, gồm: Cam-pu-chia, Lào, Mi-an-ma, Thái-lan và Việt Nam với Nhật Bản, nhằm thống nhất định hướng cho phát triển hợp tác Mê Công - Nhật Bản giai đoạn 2016 - 2018. Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ cùng các nhà lãnh đạo Mê Công tiếp kiến Nhà vua Nhật Bản A-ki-hi-tô và có cuộc hội đàm riêng với Thủ tướng nước chủ nhà Sin-dô A-bê nhằm củng cố quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa Nhật Bản với các nước tiểu vùng Mê Công nói chung; đồng thời tăng cường sự tin cậy chính trị, thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa Việt Nam và Nhật Bản phát triển ngày càng toàn diện, hiệu quả. Nhật Bản là quốc gia khởi động khuôn khổ hợp tác Mê Công - Nhật Bản từ năm 2007, đến năm 2009 cơ chế đa phương này chính thức họp HNCC lần thứ nhất, với việc thông qua Tuyên bố Tô-ki-ô và Chương trình hành động gồm 63 điều.
Đây là hai văn kiện làm nền tảng cho hợp tác Mê Công - Nhật Bản, trong đó tập trung các lĩnh vực: Phát triển hạ tầng cứng và mềm; Phát triển kinh tế bền vững, thu hẹp khoảng cách phát triển, bảo vệ môi trường, ứng phó các thách thức dịch bệnh, thiên tai; đồng thời tăng cường giao lưu giữa các nước Mê Công và Nhật Bản. Qua sáu kỳ HNCC, khuôn khổ hợp tác Mê Công - Nhật Bản ngày càng được các nước quan tâm thúc đẩy đi vào thực chất, hiệu quả hơn, nhất là trong việc thực hiện Chiến lược Tô-ki-ô năm 2012.
Tại Việt Nam, nhiều dự án đã được triển khai như Dự án cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng); dự án Trung tâm đào tạo nghề Mê Công - Nhật Bản tại Đại học Hàng hải Hải Phòng; các chương trình giao lưu nhân dân Mê Công - Nhật Bản... HNCC Mê Công - Nhật Bản lần thứ 7 sẽ rà soát tình hình hợp tác Mê Công - Nhật Bản, nhất là kết quả triển khai Kế hoạch hành động Mê Công - Nhật Bản giai đoạn 2013 - 2015 và thông qua Chiến lược Tô-ki-ô năm 2015, một văn kiện quan trọng gồm những ưu tiên làm kim chỉ nam thúc đẩy hợp tác cho các nước tiểu vùng Mê Công và Nhật Bản trong ba năm tới. Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo Mê Công - Nhật Bản cũng sẽ thảo luận các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.
Chúng ta vui mừng nhận thấy, sau khi Việt Nam và Nhật Bản nâng cấp quan hệ thành Quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á nhân chuyến thăm cấp nhà nước tới Nhật Bản của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hồi tháng 3-2014 đến nay, mối quan hệ giữa hai nước tiếp tục phát triển mạnh mẽ, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, ngoại giao, an ninh quốc phòng.
Sự tin cậy chính trị ngày càng được tăng cường. Nhật Bản tiếp tục là đối tác phát triển quan trọng nhất của Việt Nam, là nhà cung cấp ODA lớn nhất cho Việt Nam, chiếm khoảng 30% tổng cam kết ODA của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam và nhà đầu tư lớn hàng đầu của nước ta. Nhật Bản là nước đầu tiên trong nhóm G7 công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam (tháng 10-2011). Hợp tác giữa các địa phương hai nước những năm qua được thúc đẩy mạnh mẽ. Đáng chú ý, hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp gần đây có bước phát triển đột phá. Việt Nam và Nhật Bản cũng hợp tác ngày càng chặt chẽ tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, đóng góp vào việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự HNCC Mê Công - Nhật Bản lần này thể hiện sự coi trọng của Việt Nam đối với cơ chế hợp tác này; khẳng định vai trò và nâng cao vị thế của Việt Nam trong hợp tác tiểu vùng; thúc đẩy và tranh thủ các nội dung ưu tiên hợp tác phù hợp định hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm lợi ích của Việt Nam. Các cuộc gặp, hội đàm, tiếp xúc cấp cao giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với lãnh đạo nước chủ nhà, cũng như các văn kiện được hai nước ký trong dịp này góp phần củng cố và phát triển Quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng vì hoà bình và phồn vinh ở châu Á giữa Việt Nam và Nhật Bản, đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, đóng góp cho hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.