Thúc đẩy nỗ lực ngoại giao nhằm chấm dứt xung đột ở Gaza

Nhà Trắng thông báo, trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định, Israel không nên tiến hành một chiến dịch quân sự tại thành phố Rafah ở phía nam Dải Gaza mà không có kế hoạch bảo đảm an toàn cho hàng triệu người dân đang trú ẩn trong khu vực.
0:00 / 0:00
0:00
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Ảnh: CNN/Vietnam+
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Ảnh: CNN/Vietnam+

Cuộc điện đàm giữa Tổng thống BidenThủ tướng Netanyahu là đối thoại lần đầu của hai nhà lãnh đạo sau khi ông Biden khẳng định, phản ứng quân sự của Israel tại Gaza đã vượt quá giới hạn.

Ai Cập kịch liệt phản đối kế hoạch của Israel tấn công trên bộ nhằm vào thành phố Rafah. Bộ Ngoại giao Ai Cập cảnh báo về những hậu quả thảm khốc của một chiến dịch quân sự như vậy, vì nó có nguy cơ làm trầm trọng thêm thảm họa nhân đạo ở Gaza. Ai Cập cũng khẳng định sẽ tiếp tục liên lạc với các bên để đạt được lệnh ngừng bắn ngay lập tức, thực thi lệnh ngừng bắn cũng như thúc đẩy kế hoạch trao đổi tù nhân.

Kênh truyền hình Aqsa dẫn lời một quan chức cấp cao của phong trào Hồi giáo Hamas cảnh báo, bất kỳ cuộc tấn công trên bộ nào của Israel vào Rafah sẽ khiến cuộc đàm phán trao đổi con tin bị đổ vỡ. Trong khi đó, Ai Cập đe dọa đình chỉ hiệp ước hòa bình với Israel nếu cuộc tấn công của Israel ở Dải Gaza mở rộng sang thành phố Rafah. Các tuyên bố nêu trên được đưa ra sau khi Thủ tướng Israel khẳng định việc điều quân đến Rafah là cần thiết để giành chiến thắng trong cuộc chiến chống lực lượng Hamas ở Gaza.

Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đến thủ đô Doha để thảo luận với Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani về lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza. Đại sứ Palestine tại Qatar cho biết, hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về những nỗ lực nhằm bảo đảm thực thi lệnh ngừng bắn ở Gaza và các biện pháp tăng viện trợ cho người dân Palestine. Qatar là quốc gia đóng vai trò quan trọng trong các nỗ lực hòa giải quốc tế nhằm đạt được lệnh ngừng bắn ở Gaza.

Bộ Ngoại giao Đức thông báo, Bộ trưởng Ngoại giao nước này Annalena Baerbock sẽ tới Israel giữa tuần này, nhằm thúc đẩy ngừng bắn giữa Israel và Hamas. Bộ trưởng Ngoại giao Đức nêu rõ, sự thống khổ của người dân ở Rafah đã vượt quá mức và một cuộc tấn công của quân đội Israel vào Rafah sẽ làm trầm trọng thêm thảm họa nhân đạo ở Gaza. Chuyến công du sắp tới sẽ là lần thứ 5 Bộ trưởng Ngoại giao Đức tới Israel kể từ khi cuộc xung đột Israel-Hamas nổ ra.

Giới chức y tế tại Dải Gaza cho biết, sáng 12/2, quân đội Israel không kích dữ dội thành phố Rafah và các khu vực lân cận, làm ít nhất 67 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương. Quân đội Israel cũng xác nhận đã thực hiện một loạt vụ không kích tại Gaza. Cơ quan y tế tại Gaza công bố số liệu cho thấy, số người Palestine thiệt mạng do các cuộc tấn công của Israel ở Gaza từ ngày 7/10/2023 đến nay đã lên đến hơn 28.000 người.

Kể từ khi xung đột bùng phát giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas tại Dải Gaza, cư dân Palestine từ nhiều nơi ở vùng lãnh thổ này dời đến thành phố Rafah ở phía nam Gaza để lánh nạn. Nhiều nước tiếp tục phản đối kế hoạch tấn công của Israel tại Rafah, do lo ngại chiến dịch tấn công này sẽ gây ra thảm họa nhân đạo tại thành phố được coi là nơi trú ẩn cuối cùng của người Palestine tại Dải Gaza.

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi ngừng bắn ở Gaza và bày tỏ mối quan ngại đặc biệt về các cuộc tấn công của Israel vào Rafah. Theo ông Ghebreyesus, hiện chỉ có 15 trong số 36 bệnh viện ở Gaza còn duy trì hoạt động. Liên hợp quốc cho biết, 85% số người dân Gaza đã phải di dời. Người dân Palestine đang đối mặt nạn đói, với 1/5 trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng.