Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn hướng tới mục tiêu phát triển bền vững

NDO -

Cùng với kinh tế xanh và kinh tế carbon thấp, kinh tế tuần hoàn chính là giải pháp để tiếp tục vững tin đi trên con đường hướng tới phát triển bền vững. Việc thúc đẩy hành động theo mô hình kinh tế tuần hoàn góp phần thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng “0”, qua đó mang lại nhiều lợi ích cho quốc gia, cộng đồng và doanh nghiệp.

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu tại hội nghị.
Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu tại hội nghị.

Quan điểm trên được Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhấn mạnh tại Hội nghị khởi động xây dựng Kế hoạch quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn của Việt Nam, do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức tại Hà Nội ngày 28/6.

Hội nghị thu hút sự tham gia của đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương, UBND các tỉnh, thành phố trong cả nước, các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp từ các ngành, lĩnh vực có vai trò tiên phong trong triển khai thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.

Đây là cơ hội để các bên cùng trao đổi và thảo luận về các cơ chế, chính sách, nguồn lực tài chính nhằm thúc đẩy các mô hình kinh tế tuần hoàn, qua đó tăng cường hợp tác, huy động các nguồn lực, đặc biệt từ khối tư nhân trong việc xây dựng và triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Điều này rất quan trọng để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Phát triển kinh tế tuần hoàn đòi hỏi sự chung tay, chia sẻ, cùng hành động

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra chủ trương lớn, đó là bên cạnh phát triển kinh tế xanh, kinh tế carbon thấp, cần phát triển kinh tế tuần hoàn như một định hướng trên con đường hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Bộ trưởng cho biết, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hết sức quan tâm đến hội nghị và chỉ đạo chuyển tới hội nghị thông điệp: Để thực hiện thành công kinh tế tuần hoàn đòi hỏi sự chung tay, chia sẻ và cùng hành động trong giảm phát thải carbon hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0”, như cách nhân loại đã cùng nhau ứng phó với đại dịch Covid-19.

Ngoài ra, cần chuyển giao công nghệ, gỡ bỏ các rào cản bao gồm quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ. Chìa khóa để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng “0” chính là công nghệ xanh, công nghệ hiện đại.

Đồng thời, thông qua hội nghị cần trao đổi để chính quyền các cấp, người dân, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp cùng hành động. Theo đó, trong quá trình triển khai kinh tế tuần hoàn, Chính phủ cần thực hiện các cơ chế, chính sách phù hợp để có thể kết nối doanh nghiệp và người dân, khuyến khích nền kinh tế tự cường, phát huy tính năng động, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, đồng thời kết nối tư duy sáng tạo từ các nhà khoa học, nhà sáng chế với doanh nghiệp và người dân.

Bộ trưởng nêu rõ, Thủ tướng kêu gọi sự hưởng ứng, tham gia tích cực của toàn xã hội, từ thay đổi thói quen tiêu dùng, thải bỏ các sản phẩm đã qua sử dụng đến chấp nhận các sản phẩm sản xuất từ vật liệu tái chế. Thủ tướng mong muốn, hội nghị - với sự tham gia của các tổ chức quốc tế, tổ chức chính trị-xã hội, cơ quan nghiên cứu, và đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài - sẽ đóng góp nhiều sáng kiến, giải pháp cho xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn của Việt Nam.

Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn hướng tới mục tiêu phát triển bền vững -0
Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu tại hội nghị. 

Lợi ích lớn từ phát triển kinh tế tuần hoàn

Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định, cùng với kinh tế xanh và kinh tế carbon thấp, kinh tế tuần hoàn chính là giải pháp để tiếp tục vững tin đi trên con đường hướng tới phát triển bền vững. Đây là nền kinh tế thay đổi cơ bản về nguyên lý và tư duy phát triển.

So với mô hình kinh tế tuyến tính truyền thống, việc thúc đẩy hành động theo mô hình kinh tế tuần hoàn góp phần thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng “0”, qua đó mang lại nhiều lợi ích cho quốc gia, cộng đồng và doanh nghiệp.

Theo Bộ trưởng, phát triển kinh tế tuần hoàn thể hiện trách nhiệm của quốc gia trong thực hiện cam kết về biến đổi khí hậu, đồng thời nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế cũng như của doanh nghiệp.

Kinh tế tuần hoàn góp phần giảm rủi ro cho doanh nghiệp và khủng hoảng thừa sản phẩm, khan hiếm tài nguyên; tạo động lực để đầu tư, đổi mới công nghệ, giảm chi phí sản xuất, tăng chuỗi cung ứng...

Kinh tế tuần hoàn giúp tận dụng được nguồn nguyên liệu đã qua sử dụng thay vì tiêu tốn chi phí xử lý; giảm thiểu khai thác tài và tận dụng tối đa tài nguyên thiên nhiên; hạn chế tối đa việc phát thải khí thải, chất thải rắn ra môi trường.

Cùng với đó, xã hội sẽ được hưởng lợi nhờ giảm chi phí trong quản lý, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu, tạo ra thị trường mới, cơ hội mới, việc làm mới và nâng cao sức khỏe cho người dân.

Thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ bền vững và xanh

Chia sẻ tại hội nghị, bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam đã đưa ra 5 khuyến nghị có thể phù hợp với bối cảnh Việt Nam hiện nay để thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn hướng tới mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0”.

Thứ nhất, tạo lập một khuôn khổ mới cho sứ mệnh “phục hồi kinh tế xanh”. Sự phục hồi kinh tế từ Covid-19 mang lại cơ hội lịch sử để các quốc gia trên thế giới chuyển sang mô hình phát triển bền vững và bao trùm hơn. Việc phục hồi xanh có thể giảm phát thải khí nhà kính tới 25% so kịch bản thông thường, đồng thời bảo đảm mục tiêu giữ nhiệt độ tăng dưới 2oC để phù hợp với Thỏa thuận Paris.

Thứ hai, gắn kết kinh tế tuần hoàn trong việc phát triển các đô thị thông minh, thành phố thông minh, vùng duyên hải. Đáng chú ý, ở các thành phố, ngành giao thông xanh có một vai trò rất quan trọng, nhất là khi có sự gia tăng của các loại xe điện.

“Việc khử carbon trong lĩnh vực giao thông vận tải sẽ giúp giảm ô nhiễm không khí cục bộ và cải thiện chất lượng cuộc sống. Chuyển sang giao thông điện có thể là một trong những cơ hội tuyệt vời để hỗ trợ quá trình chuyển dịch sang phát thải ròng bằng “0”, đồng thời mang lại lợi ích đáng kể và bền vững cho nền kinh tế”, bà Caitlin Wiesen nói.

Thứ ba, sản xuất và tiêu thụ bền vững và xanh. Ước tính có khoảng 45% lượng khí thải liên quan cách doanh nghiệp khai thác, tiêu thụ và thải bỏ nguyên vật liệu. Do đó, các chiến lược tuần hoàn là rất quan trọng để đạt được mức phát thải ròng bằng “0”.

Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn hướng tới mục tiêu phát triển bền vững -0
 Bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam phát biểu.

Thứ tư, đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo. Việt Nam có tiềm năng to lớn để phát triển năng lượng tái tạo. Chỉ trong vòng 5 năm, Việt Nam đã mở rộng quy mô công suất năng lượng mặt trời từ gần như không có vào năm 2017 lên hơn 16.000MW vào năm 2022, vượt xa các mục tiêu quốc gia.

Không những vậy, Việt Nam cũng có tiềm năng điện gió đáng ghen tị, đặc biệt là điện gió ngoài khơi, với hơn 3.200km bờ biển.

Thứ năm, bảo đảm rằng không ai bị bỏ lại phía sau, quá trình chuyển đổi phải mang lại lợi ích cho người dân. Các chính sách kinh tế tuần hoàn và khí hậu sẽ có ý nghĩa đối với tương lai của việc làm.

Tại hội nghị, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) chính thức công bố Mạng lưới kinh tế tuần hoàn Việt Nam tại website https://vietnamcirculareconomy.vn/.

Mạng lưới được xây dựng với sự hỗ trợ từ Đại sứ quán Na Uy, Đại sứ quán Hà Lan và Đại sứ quán Phần Lan, gồm 5 trụ cột chính gồm: Chính sách và đối thoại, Kiến thức và nghiên cứu điển hình, Thông tin tài chính, Diễn đàn doanh nghiệp, và Các sáng kiến kinh tế tuần hoàn.

Bên cạnh phiên toàn thể, hội nghị còn bao gồm 4 phiên thảo luận chuyên đề tập trung vào các nội dung: thúc đẩy hợp tác về kinh tế tuần hoàn thông qua tạo lập mạng lưới đối tác, chia sẻ kiến thức; tài chính và công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn; các mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam; và thúc đẩy các giải pháp kinh tế tuần hoàn nhằm giảm thiểu tác động của ô nhiễm nhựa tới sức khỏe.