Thúc đẩy đổi mới vì an ninh lương thực

Áp dụng khoa học-công nghệ và các sáng kiến đổi mới để bảo đảm an ninh lương thực là chủ đề chính được bàn thảo tại Hội nghị thượng đỉnh an ninh lương thực toàn cầu vừa diễn ra ở Anh. Những cú sốc nghiêm trọng, diễn ra đồng thời từ biến đổi khí hậu, dịch bệnh và xung đột đang khiến hệ thống lương thực toàn cầu trở nên mong manh, dễ bị tổn thương hơn bao giờ hết.
0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Anh phát biểu khai mạc Hội nghị thượng đỉnh an ninh lương thực toàn cầu.
Thủ tướng Anh phát biểu khai mạc Hội nghị thượng đỉnh an ninh lương thực toàn cầu.

Thu hút sự tham gia của đại diện khoảng 20 quốc gia và các tổ chức quốc tế, Hội nghị thượng đỉnh an ninh lương thực toàn cầu diễn ra ngày 20/11 tại London, Anh đã nêu bật tầm quan trọng của việc khai thác tiềm năng từ công nghệ hiện đại trong ngăn chặn khủng hoảng lương thực.

Phát biểu tại phiên khai mạc hội nghị, Thủ tướng Anh Rishi Sunak kêu gọi cộng đồng quốc tế chung tay giải quyết các nguyên nhân cơ bản gây mất an ninh lương thực, trong đó nổi bật là biến đổi khí hậu. Nhà lãnh đạo nước Anh nêu rõ: Thế giới cần có sự thay đổi cơ bản trong phương thức tiếp cận vấn đề an ninh lương thực, theo đó cần khai thác toàn bộ sức mạnh của khoa học-công nghệ để bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm có khả năng phục hồi trước những mối đe dọa từ xung đột, hạn hán, lũ lụt.

Thế giới cần có sự thay đổi cơ bản trong phương thức tiếp cận vấn đề an ninh lương thực.

Thủ tướng Anh Rishi Sunak

Điểm nhấn chính của hội nghị là việc Anh công bố thành lập Trung tâm khoa học trực tuyến, nhằm liên kết các nhà khoa học đang nghiên cứu, phát triển các loại cây trồng có khả năng kháng bệnh và có sức chống chịu tốt hơn trước tác động từ biến đổi khí hậu. Theo truyền thông Anh, quốc gia này đang thúc đẩy phát triển những giống cây trồng tiên tiến như giống lúa chịu ngập, lúa mì kháng bệnh, khoai lang giàu vitamin...

Giới chuyên gia nhận định, Anh đang tăng tốc hành động để nắm vị thế là một trong những trung tâm công nghệ hàng đầu thế giới, đặc biệt sau khi Xứ sở Sương mù đăng cai thành công Hội nghị thượng đỉnh về an toàn AI toàn cầu vào đầu tháng 11 vừa qua. Tại Hội nghị an ninh lương thực toàn cầu mới đây, Thủ tướng Anh Rishi Sunak cũng thúc giục các nước khai thác AI để chấm dứt tình trạng suy dinh dưỡng.

Trên thực tế, các công cụ AI đang hỗ trợ hiệu quả cho người nông dân, giúp ứng phó tình trạng mất an ninh lương thực. Với Farmer.CHAT - một ứng dụng chatbot sử dụng AI được cài trên điện thoại di động, người nông dân dễ dàng nhận được sự tư vấn, giúp đỡ từ giới chuyên gia trong quản lý vụ mùa, tăng năng suất, cải thiện tưới tiêu, kiểm soát thuốc trừ sâu.

Các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra với tần suất ngày càng tăng đang đe dọa nghiêm trọng kế hoạch an ninh lương thực của nhiều nước. Điều phối viên nhân đạo của Liên hợp quốc tại Somalia George Conway cho biết, khoảng 4 triệu người dân nước này phải gánh chịu các mức độ khủng hoảng an ninh lương thực khác nhau do hiện tượng thời tiết El Nino.

Somalia đã trải qua một đợt hạn hán kéo dài và tồi tệ nhất trong 40 năm qua, dẫn đến nguy cơ cao xảy ra nạn đói. Theo thống kê của Chính phủ Anh, năm 2023, có gần một tỷ người đứng trước tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng và hiện có 45 triệu trẻ em dưới 5 tuổi đang bị suy dinh dưỡng cấp tính.

Nguồn tài chính đầy đủ chính là yếu tố quan trọng, tiên quyết để các quốc gia cải thiện hệ thống lương thực, thực phẩm. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi khoản đầu tư trị giá 500 tỷ USD mỗi năm để giúp các nước đang phát triển cải thiện hệ thống lương thực. Tại Hội nghị mới diễn ra ở London, Anh - với vai trò chủ nhà - đã cam kết tài trợ 100 triệu bảng Anh để hỗ trợ các điểm nóng về nạn đói, suy dinh dưỡng trên thế giới, đồng thời công bố nhiều khoản tài trợ khác.

Triển khai các sáng kiến chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm là nhiệm vụ cấp bách để bảo đảm an ninh lương thực. Hội nghị vừa qua tại Anh khẳng định tầm quan trọng của việc xây dựng hệ thống lương thực bền vững, chống đỡ tốt trước rủi ro, nhất là cú sốc khí hậu, là tiền đề quan trọng để cộng đồng quốc tế tiếp tục bàn thảo về các giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu tại Hội nghị COP28 sắp tới.