Thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi xanh

Việc từng bước "xanh hóa" sản xuất, gồm nhà máy xanh, công nghệ xanh, nguyên liệu sạch, năng lượng xanh để hướng tới sản xuất xanh đang trở thành xu thế tất yếu và là công cụ tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp. Ngành công thương thành phố Đà Nẵng đã chủ động triển khai các hoạt động, chương trình nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nắm rõ quy trình cũng như trách nhiệm thực hiện.
0:00 / 0:00
0:00
Buồng theo dõi chỉ số quan trắc khí thải hơi của Công ty Tân Long.
Buồng theo dõi chỉ số quan trắc khí thải hơi của Công ty Tân Long.

Hỗ trợ triển khai các nhóm giải pháp

Trong thực tế, để thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng "0" (Net Zero) và chuyển đổi xanh hướng đến phát triển bền vững, trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, ngành công thương đã chịu trách nhiệm hỗ trợ, thúc đẩy triển khai áp dụng ba nhóm giải pháp.

Cụ thể, áp dụng các giải pháp về quản lý, công nghệ, thiết bị, kỹ thuật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nhằm giảm chi phí năng lượng đầu vào, giảm giá thành sản xuất, tăng hiệu quả kinh doanh, đồng thời giảm phát thải khí nhà kính.

Các giải pháp này đã được thể chế hóa tại Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2010 và cộng đồng doanh nghiệp, người dân được Chính phủ hỗ trợ thực hiện thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả từ năm 2006 đến nay và tiếp tục thực hiện đến năm 2030.

Nhóm giải pháp thứ hai là khai thác và sử dụng các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch. Việc này làm giảm nhu cầu sử dụng các nguồn năng lượng hóa thạch như hiện nay. Theo đó, Chính phủ cũng đã ban hành nhiều cơ chế khuyến khích, hỗ trợ phát triển các loại hình năng lượng tái tạo từ năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng sinh khối, năng lượng từ chất thải...

Tiếp theo là áp dụng tổng thể các giải pháp quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, nguyên nhiên liệu đầu vào của hoạt động sản xuất. Giảm đến mức thấp nhất lượng chất thải ra môi trường và tận dụng tối đa các cơ hội áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ... hướng đến mô hình sản xuất bền vững của doanh nghiệp.

Để hỗ trợ giải pháp này, Chính phủ đã ban hành Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp từ năm 2009 và đã được nâng cấp, bổ sung nội dung thực hiện thành Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030 đang được Bộ Công thương chủ trì triển khai thực hiện theo Quyết định số 889/QĐ-TTg ngày 24/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng "0", bên cạnh ba nhóm giải pháp kỹ thuật cụ thể nêu trên, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã quy định rõ về vai trò, trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp phải tham gia thực hiện giảm phát thải khí nhà kính theo lộ trình.

Theo đó, các quy định về kiểm kê phát thải khí nhà kính, xây dựng kế hoạch và thực hiện các biện pháp giảm nhẹ, hay các cơ chế hỗ trợ sẽ thực hiện từ năm 2023 trở đi nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đạt được mục tiêu giảm phát, chuyển đổi xanh, hướng đến nền sản xuất bền vững của mình.

Đồng hành cùng doanh nghiệp

Nhằm giúp các doanh nghiệp Đà Nẵng hiểu rõ hơn về vai trò, trách nhiệm, giải pháp, cũng như thách thức và cơ hội khi thực hiện chuyển đổi xanh trong chiến lược phát triển bền vững của mình, Sở Công thương TP Đà Nẵng đã tổ chức Hội thảo "Chuyển đổi xanh-Xu hướng phát triển bền vững cho doanh nghiệp".

Tại đây, cộng đồng chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp cùng nhau kết nối, thảo luận và chia sẻ quan điểm về những thách thức và cơ hội khi tham gia tiến trình Net Zero.

Công ty TNHH Bao Bì Tân Long (Khu công nghiệp Hòa Khánh, Liên Chiểu) là một trong những doanh nghiệp sản xuất theo xu hướng bao bì xanh và rất quan tâm đến chuyển đổi xanh, đã đoạt Giải thưởng Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn TP Đà Nẵng năm 2023.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà - Giám đốc công ty chia sẻ: "Chúng tôi đã xây dựng lộ trình. Việc đầu tiên là phải kiểm kê phát thải khí nhà kính để doanh nghiệp biết thực trạng của mình. Sau đó, phải tìm giải pháp để giảm thiểu phát thải CO2. Đơn vị đã đầu tư máy móc để sản xuất sạch hơn, đầu tư 2 trạm giám sát quan trắc khí thải lò hơi, đầu tư hệ thống xử lý nước thải chuẩn cao, quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn ISO 50.001".

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng được cung cấp, giới thiệu một số giải pháp để chuyển đổi xanh trong công nghiệp như: mô hình ESCO; chứng chỉ iREC cho nhà máy; công nghệ quang điện thế hệ mới Ntype Topcon.

"Với các cam kết hành động mạnh mẽ của quốc gia, Việt Nam nói chung và TP Đà Nẵng nói riêng xác định chuyển đổi xanh, phát triển bền vững sẽ là xu hướng chủ đạo trong thời gian tới của doanh nghiệp" - bà Nguyễn Thị Thúy Mai, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Đà Nẵng cho biết.

Việc tổ chức các hội thảo sẽ giúp doanh nghiệp trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ nhau trong việc nắm bắt xu hướng dịch chuyển xanh trên thế giới và Việt Nam, từ đó đưa ra lộ trình chuyển đổi xanh phù hợp với doanh nghiệp hiện nay.

Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công thương) Phương Hoàng Kim nhấn mạnh: "Việc chủ động, tích cực của Sở Công thương Đà Nẵng và các doanh nghiệp là một trong những nỗ lực chung tay cùng Chính phủ thực hiện việc chuyển đổi xanh nền kinh tế. Bộ Công thương sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp các giải pháp để chuyển đổi xanh một cách hiệu quả và thành công".