Đây là hoạt động thường niên theo nghĩa vụ thành viên thuộc kênh hợp tác ASEAN về phúc lợi xã hội và phát triển (SOMSWD). Đồng thời, là một trong những sáng kiến của Việt Nam trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020, Tuyên bố Hà Nội về thúc đẩy công tác xã hội hướng tới một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng đã được các nhà lãnh đạo ASEAN thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37.
Hội nghị thảo luận về thực hiện Tuyên bố Hà Nội thông qua xác định các hoạt động chuyên ngành tiềm năng, các vấn đề hiện tại và mới nổi, cũng như các khuyến nghị trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, tư pháp, công tác xã hội và phát triển.
Bên cạnh đó, hội nghị cũng là một diễn đàn để các quốc gia thành viên ASEAN và các bên liên quan chia sẻ bài học kinh nghiệm, thách thức và cơ hội trong thực hiện Kế hoạch công tác ASWC 2016-2020, hướng tới việc xây dựng các sáng kiến và ưu tiên cho kế hoạch hoạt động tiếp theo giai đoạn 2021-2025.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan đánh giá cao vai trò của ASWC. Đây là một cơ chế phù hợp và kịp thời góp phần thúc đẩy sự công nhận và phát triển chính thức công tác xã hội như một nghề ở các nước thành viên ASEAN.
Theo ông Nguyễn Bá Hoan, năm 2020 cũng là một năm đặc biệt với những thách thức chưa từng có do đại dịch Covid-19 gây ra, đòi hỏi ASEAN và các nước thành viên cần có những biện pháp kịp thời để đối phó với các thách thức, cũng như tăng cường nỗ lực chung nhằm phục hồi mạnh mẽ đi đôi với phòng, chống đại dịch, cùng với việc bảo đảm tiếp tục cung cấp dịch vụ xã hội cho người dân, đặc biệt là cho các nhóm dễ bị tổn thương trong xã hội.
Có thể nói, trước những căng thẳng, thách thức do đại dịch Covid-19 gây ra, các yêu cầu hỗ trợ cho các đối tượng trong bối cảnh dịch bệnh đối với nhân viên công tác xã hội đòi hỏi ASEAN phải nhìn nhận lại tầm quan trọng của công tác xã hội trong sự phát triển của mỗi quốc gia.
Theo đó, Thứ trưởng hy vọng Tuyên bố Hà Nội về thúc đẩy công tác xã hội hướng đến Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng vừa được thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN sẽ được hiện thực hóa và lồng ghép vào các kế hoạch hành động của các cơ quan chuyên ngành có liên quan, như: phúc lợi xã hội và phát triển, y tế, giáo dục, lao động…
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận để xác định ra những vấn đề, lĩnh vực mới nổi liên quan tới nghề công tác xã hội; chia sẻ những bài học kinh nghiệm; đưa ra các sáng kiến nhằm hiện thực hóa bản Tuyên bố Hà Nội này cũng như thống nhất được về định hướng, ưu tiên cụ thể cho sự phát triển của Hiệp hội trong thời gian tới.
Có thể thấy, với 11 dòng hành động trên cơ sở xem xét khả năng và nguồn lực của mỗi quốc gia thành viên, Tuyên bố có ý nghĩa quan trọng đối với các nước thành viên ASEAN, đặc biệt trong bối cảnh ngành công tác xã hội hiện nay chưa đáp ứng được các nhu cầu của người dân, đặc biệt là nhóm dễ bị tổn thương. Do đó, việc hiện hiện thực hóa bản Tuyên bố với việc phát triển một lộ trình thực hiện sẽ góp phần thúc đẩy và nâng cao năng lực cho ngành công tác xã hội, qua đó bảo đảm an sinh xã hội và dịch vụ xã hội cho các nhóm yếu thế, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 mà chúng ta đang phải đối mặt hiện nay, từ đó đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững, khả năng cạnh tranh và tự cường của Cộng đồng ASEAN.
Lộ trình sẽ bao gồm các chiến lược và hành động nhằm thực hiện các cam kết của Tuyên bố và sẽ được tham vấn rộng rãi các bên liên quan trong thời gian tới, để trình lên Hội nghị Cấp cao ASEAN vào năm 2021.