Thúc đẩy các giải pháp đồng bộ phát triển ngành điện gió Việt Nam

NDO - Để bảo đảm tính khả thi cho các dự án điện gió ở Việt Nam, đặc biệt là điện gió ngoài khơi, các chuyên gia cho rằng, chìa khóa cho thành công là phải xác định một hướng đi rõ ràng về mọi mặt cho điện gió, cùng với việc thúc đẩy thực hiện các giải pháp đồng bộ để phát triển ngành công nghiệp còn khá mới mẻ này.
0:00 / 0:00
0:00
Toàn cảnh phiên khai mạc Hội nghị Điện gió Việt Nam 2022. (Ảnh: TRUNG HƯNG)
Toàn cảnh phiên khai mạc Hội nghị Điện gió Việt Nam 2022. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Ngày 1/12, Hội nghị Điện gió Việt Nam (VWP) 2022 chính thức khai mạc tại Hà Nội. Là sự kiện thường niên lớn nhất của ngành công nghiệp điện gió Việt Nam, hội nghị do Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC) tổ chức từ năm 2018, đem đến cơ hội để các chuyên gia, tổ chức trong nước và quốc tế trao đổi kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm và góp ý cho việc hoàn thiện khung chính sách phát triển điện gió tại Việt Nam, đặc biệt là điện gió ngoài khơi, hướng tới mục tiêu chung bảo đảm an ninh năng lượng và chống biến đổi khí hậu.

Diễn ra trong 2 ngày 1 và 2/12, năm nay, hội nghị thu hút sự tham gia của 350 đại biểu là lãnh đạo Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các địa phương trên cả nước, đại diện đại sứ quán các nước tại Việt Nam, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề liên quan, các tổ chức và tập đoàn lớn trong và ngoài nước, các chuyên gia đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học trong nước và quốc tế.

Bảo đảm an ninh năng lượng trong dài hạn

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công thương Phạm Nguyên Hùng cho biết, là nước nhiệt đới với bờ biển dài hơn 3.200km, tổng diện tích biển khoảng 1 triệu km2, Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng điện gió và điện gió ngoài khơi rất lớn.

Thúc đẩy các giải pháp đồng bộ phát triển ngành điện gió Việt Nam ảnh 1
Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công thương Phạm Nguyên Hùng. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Theo ông Hùng, Việt Nam là quốc gia dẫn đầu khu vực về gia tăng công suất nguồn điện năng lượng tái tạo. Tính đến hết năm 2021, tổng công suất lắp đặt nguồn điện năng lượng tái tạo đã đạt khoảng 20,7GW, chiếm hơn 27% tổng công suất lắp đặt của hệ thống điện, trong đó điện gió khoảng 4GW.

Cho rằng trên thế giới, công nghệ năng lượng tái tạo đang phát triển vượt bậc, chi phí công nghệ đang giảm nhanh, các giải pháp công nghệ về truyền tải, lưu trữ điện đang có những tiến bộ mới, ông Hùng khẳng định, đây là cơ hội tốt để Chính phủ tiếp tục xây dựng chính sách, kế hoạch hiện thực hóa mục tiêu chuyển dịch năng lượng theo hướng tăng trưởng xanh.

Trong đó, các nguồn điện tái tạo, nhất là điện gió trên bờ và điện gió ngoài khơi được dự báo sẽ phát triển mạnh mẽ, trở thành nền tảng cho bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia trong dài hạn.

Do đó, phát triển điện gió, điện gió ngoài khơi và từng bước hình thành ngành công nghiệp nội địa về lắp đặt, thi công, chế tạo thiết bị nhằm tăng tính tự chủ, giảm giá thành là định hướng lớn của Chính phủ trong những năm sắp tới.

Ông Vương Anh Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn và xây dựng điện 4 (EVNPECC4), cho rằng, với tính chất là nguồn tài nguyên thiên nhiên vô tận, điện gió đóng vai trò như một giải pháp rất quan trọng để bảo đảm tự chủ và an ninh năng lượng quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh bất ổn về an ninh năng lượng trên thế giới, cũng như có vai trò quan trọng trong hiện thực hóa các cam kết phát thải ròng bằng 0 (net zero) của Việt Nam.

Thúc đẩy các giải pháp đồng bộ phát triển ngành điện gió Việt Nam ảnh 2

(Nguồn: Dự thảo Quy hoạch Phát triển điện lực VIII và Tờ trình số 7194/TTr-BCT ngày 11/11/2022 của Bộ Công thương)

Ông Dũng cũng nêu rõ, là một nền kinh tế đang phát triển với GDP bình quân đầu người còn ở mức trung bình thấp, để đạt được mục tiêu net zero nói chung và phát triển điện gió nói riêng rất cần sự chung tay hỗ trợ về mặt tài chính của quốc tế trên cơ sở chuyển dịch năng lượng công bằng.

Đặc biệt do điện gió ngoài khơi vẫn còn khá mới so với các nguồn năng lượng truyền thống nên việc xây dựng, ban hành cơ chế chính sách trong phát triển các loại hình năng lượng này ở Việt Nam cũng chưa có nhiều kinh nghiệm và cơ sở thực tiễn còn thiếu và chưa đồng bộ.

Do vậy, ông Dũng cho rằng, bên cạnh sự quyết liệt của Chính phủ, rất cần chia sẻ kinh nghiệm và tư vấn từ các quốc gia phát triển hơn trong lĩnh vực này để hoàn thiện khung pháp lý và tạo cơ chế, chính sách thuận lợi, góp phần thúc đẩy phát triển điện gió cũng như năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

Cần lộ trình rõ ràng cho phát triển điện gió

Các chuyên gia tại hội nghị nêu rõ, đối với điện gió ngoài khơi, cơ hội rất nhiều nhưng thách thức cũng rất lớn, do nguồn điện gió ngoài khơi trong giai đoạn đến năm 2030 vẫn là nguồn điện có chi phí đầu tư xây dựng cao. Bên cạnh đó, phát triển điện gió ngoài khơi cũng đòi hỏi cao về hạ tầng đồng bộ, tăng cường khả năng vận hành của hệ thống và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…

Thúc đẩy các giải pháp đồng bộ phát triển ngành điện gió Việt Nam ảnh 3
Ông Hà Đăng Sơn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Ông Hà Đăng Sơn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh cho biết, do Việt Nam chưa có đủ nguồn lực tài chính cạnh tranh, cách thức đẩy mạnh đầu tư vào các nguồn điện gió hay điện mặt trời cần phải phù hợp với những đặc thù của nước ta.

Đồng thời, cần phải có một lộ trình rõ ràng với những bước đi rất cụ thể của từng bộ, ngành hay các bên liên quan để hiện thực hóa các cam kết cũng như các chiến lược và định hướng, mục tiêu cụ thể về phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam.

Từ đó, để thúc đẩy các bước tiến trong việc thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư từ khu vực tư nhân cho lĩnh vực điện gió và điện gió ngoài khơi, ông Hà Đăng Sơn kiến nghị, cần hoàn thiện khung pháp lý và thể chế để bảo đảm các nguồn vốn đầu tư khi thu hút về sẽ có đầy đủ cơ sở, căn cứ để các bộ, ngành liên quan khẩn trương rà soát cũng như phê duyệt để triển khai kịp tiến độ đặt ra, đặc biệt cho giai đoạn từ nay đến 2030.

“Đây sẽ là cơ hội nhưng nếu chúng ta không có chiến lược, không có kế hoạch và nguồn lực rõ ràng, cụ thể thì sẽ để lỡ cơ hội và cũng rất khó để đạt được những mục tiêu đề ra”, ông Hà Đăng Sơn nêu rõ.

Chung quan điểm, ông Bùi Vĩnh Thắng - Giám đốc quốc gia của GWEC tại Việt Nam, hoan nghênh các cam kết của Chính phủ đưa ra tại Hội nghị COP26 về giảm phát thải, thúc đẩy chuyển đổi năng lượng xanh cũng như các mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo, điện gió như đã được đưa ra trong dự thảo Quy hoạch Phát triển điện lực VIII, nhưng để đạt được các mục tiêu này cần phải có lộ trình cụ thể.

Thúc đẩy các giải pháp đồng bộ phát triển ngành điện gió Việt Nam ảnh 4
Ông Bùi Vĩnh Thắng - Giám đốc quốc gia của GWEC tại Việt Nam. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Nêu rõ do phải mất từ 6-8 năm để đưa một trang trại gió ngoài khơi vào hoạt động, ông Thắng khuyến nghị các chính sách và quy định cần được hoạch định khẩn trương, rõ ràng để bảo đảm đạt được mục tiêu 7GW điện gió ngoài khơi vào năm 2030 như mục tiêu của dự thảo Quy hoạch Phát triển điện lực VIII.

“Nếu các chính sách và quy định hỗ trợ chính có thể được áp dụng vào giữa năm 2023, 7GW điện gió ngoài khơi có thể được hòa lưới vào năm 2030”, ông Thắng nêu rõ.

Ngoài ra, chuyên gia này cũng kiến nghị cần xây dựng cơ chế mua bán điện đơn giản, rõ ràng, triển khai nhanh, cùng quy trình cấp phép rõ ràng, lộ trình chắc chắn để thuyết phục các nhà đầu tư.

Do đó, nên bắt đầu với các dự án thí điểm để mang lại sự chắc chắn và rõ ràng, từ đó thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt là vào một thị trường mới cho điện gió ngoài khơi như Việt Nam. Điều này cũng cho phép dự báo doanh thu dài hạn để phát triển chuỗi cung ứng địa phương - chìa khóa để giảm giá thành của điện gió ngoài khơi.

“Với 4GW các dự án thử nghiệm, ngành điện gió ngoài khơi có thể đưa các dự án cạnh tranh lên lưới điện vào năm 2030. Các dự án này có thể được chỉ định thông qua quy trình lựa chọn hoặc quy trình lựa chọn/cạnh tranh kết hợp để lựa chọn 4GW đầu tiên. GWEC sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ Việt Nam xác định các dự án thí điểm điện gió ngoài khơi khả thi, bảo đảm 4GW điện gió ngoài khơi sẽ được thông qua tài chính trước năm 2026”, ông Bùi Vĩnh Thắng nhấn mạnh.