Thừa Thiên Huế chủ động ứng phó với mưa lũ trên diện rộng

NDO - Theo Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế, từ tối 13 đến ngày 15/10, trên địa bàn tỉnh sẽ xuất hiện một đợt mưa to, mưa rất to, lượng mưa phổ biến từ 150-300mm.
0:00 / 0:00
0:00
Sạt lở diễn ra nghiêm trọng tại vùng bờ biển Thừa Thiên Huế.
Sạt lở diễn ra nghiêm trọng tại vùng bờ biển Thừa Thiên Huế.

Mưa với cường độ lớn nhất tập trung trong ngày và đêm 14/10, gây nguy cơ sạt lở, ngập úng ở nhiều địa phương. Hiện nay mực nước trên các sông của Thừa Thiên Huế dao động ở mức trên báo động 1.

Ngày 13/10, thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, cơ quan này đã phát đi cảnh báo đến các địa phương, đơn vị liên quan về một đợt mưa to, đến rất to được dự báo sẽ xuất hiện trên địa bàn, gây nguy cơ sạt lở đất, ngập úng diện rộng.

Thừa Thiên Huế chủ động ứng phó với mưa lũ trên diện rộng ảnh 1

Thời tiết tại Thừa Thiên Huế được dự báo sẽ có mưa lớn từ tối 13 đến ngày 15/10 gây nguy cơ ngập úng diện rộng. Trong ảnh: Mưa lớn tại huyện miền núi Nam Đông.

Theo đó, dự báo từ tối ngày 13 đến ngày 15/10, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ xuất hiện một đợt mưa to, mưa rất to, lượng mưa phổ biến từ 150-300mm. Mưa với cường độ lớn nhất tập trung trong ngày và đêm 14/10, gây nguy cơ sạt lở, ngập úng ở nhiều địa phương.

Tổng lượng mưa cả đợt ở các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang được dự báo phổ biến ở mức từ 150-300mm, có nơi hơn 350mm; thị xã Hương Trà, Hương Thủy và thành phố Huế từ 170-300mm, có nơi hơn 400mm; huyện A Lưới 150-300mm, có nơi hơn 300mm; huyện Phú Lộc và Nam Đông phổ biến 200-400mm, có nơi hơn 500mm. Mưa với cường độ lớn tập trung trong ngày và đêm 14/10.

Thừa Thiên Huế chủ động ứng phó với mưa lũ trên diện rộng ảnh 2

Quốc lộ 1A qua huyện Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên Huế) bị ngập nặng trong đợt mưa lớn gần đây.

Dự báo tác động của mưa lớn có khả năng gây ra lũ, lũ ống, lũ quét ven các sông suối nhỏ; sạt lở, trượt lở đất ở vùng đồi núi và các công trình đang thi công như đường cao tốc, đập thủy điện... ở các huyện miền núi A Lưới, Nam Đông và nhiều địa phương trong tỉnh.

Ngoài ra, mưa lớn cũng có nguy cơ gây ra lũ lụt ở vùng hạ du các sông, ngập úng đô thị, đặc biệt là các tuyến đường thấp trũng và hệ thống thoát nước kém.

Thừa Thiên Huế chủ động ứng phó với mưa lũ trên diện rộng ảnh 3

Hồ chứa thủy lợi Tả Trạch tăng cường điều tiết nước tăng dung tích phòng lũ về vùng hạ du.

Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Nguyễn Văn Hùng thông tin, theo dự báo có khả năng tiếp tục duy trì ở trạng thái La Nina từ này đến hết năm 2022 với xác suất khoảng 65-65% và khả năng còn kéo dài sang đầu năm 2023.

Theo ông Hùng, từ nay đến cuối năm 2022, trên biển đông khả năng còn 3-5 cơn bão và Áp thấp nhiệt đới, trong đó có 1-2 cơn ảnh hưởng đến thời tiết trên đất liền và vùng biển tỉnh. Cần đề phòng có khả năng từ 1-2 cơn bão đổ bộ hoặc ảnh hưởng trực tiếp đến địa bàn tỉnh gây mưa lớn và gió mạnh. Xuất hiện 4-6 đợt mưa lớn trên diện rộng, cần chú ý các đợt mưa lớn trên diện rộng kéo dài trong nhiều ngày hoặc 2 đợt liên tiếp chỉ cách nhau thời gian ngắn.

“Với tình hình thời tiết diễn biến phức tạp từ nay đến cuối năm, mưa lớn có khả năng gây ra lũ ống, lũ quét ven sông suối nhỏ; sạt lở đất trên các triển đồi núi và các công trình giao thông, thủy điện đang thi công. Ngoài ra, mưa lớn cũng có nguy cơ gây ngập lụt vùng hạ du các sông, vùng trũng và khu vực đô thị có hệ thống thoát nước kém”, ông Hùng khuyến cáo.

Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phan Thanh Hùng cho biết, toàn tỉnh có 56 hồ chứa thủy lợi, 13 hồ thủy điện, tổng công suất lắp máy là 459,3MW với tổng dung tích khoảng 2 tỷ m3. Trong đó có hồ thủy điện Hương Điền và thủy lợi Tả Trạch là 2 công trình hồ chứa nước quan trọng đặc biệt theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.Ông Phan Thanh Hùng đánh giá, trong các đợt mưa lũ vừa qua, việc vận hành hồ đập bảo đảm nguyên tắc an toàn tuyệt đối cho công trình. Mặc dù tổng lượng mưa về hồ rất lớn, cấp tập, nhưng các công trình vẫn hoạt động an toàn, mực nước hồ được khống chế theo đúng quy trình đã được phê duyệt. Mực nước sông Hương, sông Bồ vẫn chỉ ở mức báo động 1 đến dưới báo động 2.

Thừa Thiên Huế chủ động ứng phó với mưa lũ trên diện rộng ảnh 4

Dự báo mưa lớn sẽ gây nguy cơ sạt lở đất nhiều tuyến đường, vùng xung yếu trong tỉnh.

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã sử dụng các bản tin dự báo, áp dụng tích hợp các công nghệ radar được chụp theo thời gian thực của các radar khí tượng trong khu vực như Đông Hà, Quảng Nam và radar thuộc Dự án Vận hành hồ chứa nước trong tình huống khẩn cấp và quản lý lũ hiệu quả bằng hệ thống thông tin quản lý thiên tại toàn diện.

Để ứng phó với diễn biến xấu của thời tiết, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã yêu cầu các chủ công trình hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện tổ chức trực ban theo dõi, thực hiện nghiêm túc quy trình vận hành đã được phê duyệt bảo đảm an toàn công trình và an toàn vùng hạ du; thường xuyên thông báo, cảnh báo tình hình mưa lũ, mực nước, lệnh vận hành hồ cho các cơ quan, đơn vị có liên quan và người dân vùng hạ du để chủ động phòng tránh.

Nhằm tăng dung tích phòng lũ, ứng phó với các đợt mưa lớn sắp tới, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cũng đã có lệnh vận hành điều tiết mức nước ở các hồ thủy điện Hương Điền, Bình Điền và hồ thủy lợi Tả Trạch.

Tại cuộc họp rà soát và triển khai công tác phòng, chống thiên tai năm 2022, tổ chức ngày 13/10, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hoàng Hải Minh nhấn mạnh, với dự báo từ nay đến cuối năm, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, thiên tai khó lường, nhất là trận mưa lớn trong những ngày tới, sẽ gây nguy cơ cao tình trạng ngập úng cho vùng thấp trũng ở đồng bằng, đô thị và sạt lở vùng miền núi, gò đồi khi đất đã “no” nước.

Yêu cầu các đơn vị phải chủ động công tác ứng phó hiệu quả, không được chủ quan, tổ chức vận hành hồ chứa nước thủy điện, thủy lợi bảo đảm an toàn cho công trình và vùng hạ du, cảnh báo, phối hợp thông tin cho người dân vùng hạ du khi vận hành điều tiết.

Các địa phương rà soát phương án sơ tán dân vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở ở vùng núi, vùng gò đồi, các khu vực trọng điểm cửa sông, ven biển, ven sông, suối, ngập úng đô thị nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và Nhà nước.

Chủ đầu tư các công trình đang thi công, đặc biệt là công trình ven biển, ven sông có phương án bảo đảm an toàn cho người, phương tiện, thiết bị, vật tư thi công và tổ chức phân luồng giao thông tại các điểm ngập úng cục bộ, bố trí biển báo tại các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, đá, khu vực ngầm tràn.

Đồng thời, chủ động nguồn cung lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân có nguy cơ bị chia cắt và sẵn sàng cứu trợ các hộ dân bị thiếu đói và triển khai hiệu quả công tác khắc phục sau thiên tai.