Lễ khởi công được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại 2 điểm cầu: điểm cầu ở tỉnh Khánh Hòa tại Km33+800 dự án Nha Trang-Cam Lâm thuộc địa bàn xã Cam Hiệp Nam, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa; điểm cầu kết nối ở tỉnh Bình Thuận tại Km 1604+700 dự án Vĩnh Hảo-Phan Thiết (giao với quốc lộ 1) thuộc xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.
Dự án đường bộ cao tốc bắc-nam phía đông giai đoạn 2017-2020 gồm 11 dự án thành phần dài 654km. Trong đó có 8 dự án thành phần dài 477km đầu tư bằng hình thức đầu tư công và 3 dự án thành phần đầu tư theo phương thức đối tác công tư dài 177km.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đồng chí lãnh đạo cắt băng khánh thành. |
Hiện nay, dự án đã hoàn thành và đưa vào khai thác 6 dự án thành phần dài 425km, trong đó 2 dự án khánh thành ngày hôm nay là: dự án Vĩnh Hảo-Phan Thiết dài 101 km khởi công năm 2020, sử dụng vốn đầu tư công.
Dự án Nha Trang-Cam Lâm dài hơn 49 km khởi công năm 2021, là một trong 3 dự án đầu tư theo phương thức đối tác công-tư (PPP), được kêu gọi đầu tư trong bối cảnh pháp luật về đầu tư PPP chưa thực sự hoàn thiện, nhiều nhà đầu tư và tổ chức tín dụng có tâm lý e ngại, lo lắng, có lúc tưởng chừng không thể thực hiện.
Đưa vào khai thác 150km cao tốc đoạn Nha Trang-Cam Lâm và Vĩnh Hảo-Phan Thiết
Nhưng với sự quyết tâm, kiên định, quyết liệt trong chỉ đạo cũng như sự tháo gỡ kịp thời về chính sách của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Dự án đã lựa chọn được nhà đầu tư, huy động được sự cung cấp tín dụng của các ngân hàng; điều đó có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là minh chứng về sự thành công chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc đẩy mạnh thu hút nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển nói chung và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia nói riêng.
Dự án cao tốc Nha Trang-Cam Lâm được khởi công xây dựng từ tháng 9/2021 và hoàn thành vượt tiến độ 3 tháng so kế hoạch đề ra; nằm trên địa phận tỉnh Khánh Hòa, do Công ty trách nhiệm hữu hạn Tập đoàn Sơn Hải làm chủ đầu tư với tổng vốn hơn 7.600 tỷ đồng, có tổng chiều dài tuyến chính khoảng 49,11km.
Công trình thiết kế giai đoạn hoàn chỉnh là đường cao tốc loại A, vận tốc 100-120km/giờ, quy mô 6 làn xe, bề rộng nền đường 32,25m; giai đoạn phân kỳ hiện nay có quy mô 4 làn xe, vận tốc khai thác 80km/giờ, bề rộng nền đường 17m. Trên tuyến có hầm Dốc Sạn với chiều dài 1.485m và 25 cầu trên toàn tuyến, 4 nút giao liên thông.
Dự án cao tốc Vĩnh Hảo-Phan Thiết (thuộc dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc bắc-nam giai đoạn 2017-2020) có chiều dài 100,8km điểm đầu từ xã Vĩnh Hảo (Tuy Phong) và điểm cuối ở xã Hàm Kiệm (Hàm Thuận Nam).
Tuyến có mặt cắt ngang 4 làn xe lưu thông 2 chiều, trên tuyến bố trí các vị trí (dải) dừng xe khẩn cấp với khoảng cách 4-5km/điểm trên cùng một chiều xe chạy.
Dự án có tổng mức đầu tư 10.853 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách, được khởi công vào cuối tháng 9/2020.
Chủ đầu tư dự án là Ban quản lý dự án 7; Liên danh nhà thầu VINACONEX-VNCN E&C là đơn vị đảm nhiệm thi công gói thầu XL04: thi công xây dựng đoạn Km185+400-Km235+000, nút giao Ma Lâm và nút giao Phan Thiết với giá trị hợp đồng xây lắp 3,225 tỷ đồng.
Trước đó ngày 19/5, cao tốc Vĩnh Hảo-Phan Thiết đã được đưa vào khai thác, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân dù chưa làm lễ khánh thành, đó là kết quả 31 tháng làm việc không ngừng nghỉ của nhà thầu VINACONEX cùng các đơn vị thi công.
Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, dưới sự lãnh đạo của Đảng; sự đồng hành, phối hợp của Quốc hội, Chính phủ; sự vào cuộc của các địa phương và cả hệ thống chính trị; sự ủng hộ của nhân dân, doanh nghiệp; chúng ta đã vượt nắng, thắng mưa, thắng đại dịch; không kể ngày đêm, sớm tối để vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành 2 dự án.
Thủ tướng cũng nêu rõ: "Trong không khí phấn khởi, tự hào kỷ niệm 75 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, chính thức phát động phong trào thi đua yêu nước trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta (ngày 11/6/1948), tại 2 tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ (Khánh Hòa và Bình Thuận), chúng ta vui mừng tổ chức Lễ Khánh thành 2 Dự án thành phần Nha Trang-Cam Lâm và Vĩnh Hảo-Phan Thiết (thực tế 2 Dự án này đã được Bộ Giao thông vận tải đưa vào khai thác, phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân từ ngày 19/5/2023)".
Việc đưa vào khai thác 2 tuyến đường cao tốc này đã cơ bản kết nối tuyến cao tốc từ Thành phố Hồ Chí Minh-Khánh Hòa, giúp rút ngắn thời gian di chuyển, giảm tải cho quốc lộ 1A, đáp ứng nhu cầu đi lại, vận tải, giao lưu văn hóa, xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, kích cầu du lịch góp phần phát huy tối đa tiềm năng và lợi thế của vùng đất tươi đẹp duyên hải Nam Trung Bộ.
Thủ tướng nêu rõ, hành lang vận tải bắc-nam luôn đóng vai trò vô cùng quan trọng, là trục xương sống, hành lang kinh tế-vận tải huyết mạch của đất nước.
Chính vì vậy, để tạo ra động lực đột phá, phát huy được tiềm năng, lợi thế các địa phương trên hành lang này, tuyến đường bộ cao tốc bắc-nam phía đông đã được quy hoạch với tổng chiều dài 2.063km từ cửa khẩu Hữu Nghị-Lạng Sơn đến Cà Mau đi qua 32 tỉnh, thành phố; đã hoàn thành đưa vào khai thác 804 km.
Hôm nay, 2 Dự án Nha Trang-Cam Lâm và Vĩnh Hảo-Phan Thiết được đưa vào khai thác, với tổng chiều dài hơn 150km; nâng tổng số chiều dài khai thác trên trục cao tốc bắc-nam là 954km.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã đưa vào khai thác gần 600 km, nâng tổng số đường cao tốc cả nước lên 1.729km, tới đây, sẽ hoàn thành thêm 123km vào cuối năm 2023, và tập trung triển khai thực hiện xây dựng để hoàn thành toàn tuyến vào năm 2025.
Dự án Nha Trang-Cam Lâm và Vĩnh Hảo-Phan Thiết được khởi công trong năm 2020 và 2021, cũng như các Dự án khác của giai đoạn 1 đang triển khai xây dựng, trong quá trình thi công đã gặp nhiều khó khăn, vướng mắc làm ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ; có thể kể đến ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, công tác giải phóng mặt bằng tuy đã được triển khai quyết liệt nhưng vẫn chưa đáp ứng được tiến độ theo kế hoạch; biến động giá nguyên, nhiên vật liệu do ảnh hưởng xung đột địa chính trị trên thế giới gây khó khăn đến nguồn lực tài chính của các nhà thầu; thiếu hụt về nguồn vật liệu đắp, thời tiết diễn biến bất thường, mùa mưa đến sớm và kéo dài hơn thường lệ...
Nắm bắt và chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc đó, Chính phủ, Ban Chỉ đạo Nhà nước đã tập trung thời gian để chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, toàn diện với tinh thần “Khó khăn đến đâu thì tháo gỡ đến đó, khó khăn ở đâu thì tháo gỡ ở đó; vướng mắc ở cấp nào thì cấp đó giải quyết”, “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm”.
Chính phủ đã kịp thời ban hành các Nghị quyết để giải quyết thiếu hụt vật liệu cho các dự án; quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện nhiều giải pháp để sớm bình ổn giá vật liệu xây dựng, bảo đảm nguồn cung ứng xăng dầu...
Đặc biệt, đối với dự án Vĩnh Hảo-Phan Thiết cho đến cận thời điểm về đích (30/4/2023), tuyến chính dù đã cơ bản hoàn thành song vẫn không thể kết nối đồng bộ cùng thời điểm với cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây do phải chờ gia hạn mỏ đất đắp.
Tháo gỡ khó khăn cho dự án, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 47 thí điểm về tháo gỡ khó khăn cấp phép khai thác các mỏ đất đắp phục vụ dự án Vĩnh Hảo-Phan Thiết, dự án đã hoàn thành vào Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/2023).
Đối với Dự án Nha Trang-Cam Lâm được đầu tư theo phương thức đối tác công-tư (PPP), triển khai trong bối cảnh pháp luật về đầu tư PPP chưa hoàn thiện.
Dự án được lựa chọn Nhà đầu tư trước khi Luật Đầu tư PPP được ban hành, “làn sóng” phản ứng các dự án BOT giao thông xuất hiện tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước khiến tâm lý của các nhà đầu tư và e ngại của tổ chức tín dụng tài trợ vốn.
Đã có 5/8 dự án thành phần: QL 45-Nghi Sơn, Nghi Sơn-Diễn Châu, Mai Sơn-QL 45, Vĩnh Hảo-Phan Thiết, Phan Thiết-Dầu Giây buộc phải báo cáo Quốc hội xem xét, cho chuyển đổi từ phương thức PPP sang đầu tư công.
Bộ Giao thông vận tải cần đánh giá và đúc rút kinh nghiệm từ dự án PPP này và các dự án sắp hoàn thành tới đây để có cái nhìn khách quan đầu tư theo hình thức PPP.
Việc kêu gọi đầu tư PPP tại dự án cao tốc bắc-nam có lúc tưởng chừng khó thực hiện. Nhưng với sự đồng hành tháo gỡ vướng mắc trong cơ chế, chính sách của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành liên quan, các dự án thành phần: Nha Trang-Cam Lâm, Diễn Châu-Bãi Vọt, Cam Lâm-Vĩnh Hảo lần lượt lựa chọn được các nhà đầu tư uy tín.
Hợp đồng PPP dự án Nha Trang-Cam Lâm được ký kết ngày 6/5/2021, đánh dấu sự thành công đầu tiên của mục tiêu cụ thể hóa cơ chế “Nhà nước và nhân dân cùng làm” tại dự án cao tốc huyết mạch đầu tiên của cả nước. Với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải, sự vào cuộc quyết tâm cao của nhà đầu tư và các đơn vị liên quan, Dự án Nha Trang-Cam Lâm đã rút ngắn thời gian về đích trước 3 tháng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến tại lễ khánh thành. |
Thủ tướng đánh giá cao nhà thầu thi công đã áp dụng công nghệ mới, rút ngắn thời gian thi công, giảm chi phí.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng đánh giá cao và biểu dương, cảm ơn nhân dân tỉnh Khánh Hoà; cảm ơn nhà thầu, tư vấn đã “vượt nắng, thắng mưa” không kể ngày nghỉ, xuyên Tết để có kết quả vượt tiến độ 3 tháng.
Đạt được kết quả ngày hôm nay, Thủ tướng nêu rõ, chúng ta rút ra một số bài học kinh nghiệm quan trọng:
Một là, phải có cách làm, tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận mới, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, tổ chức thực hiện khoa học, hợp lý, hiệu quả; luôn lắng nghe, thấu hiểu các nhà thầu, tư vấn.
Hai là, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, cần phải bám sát thực tiễn, chủ động nắm bắt tình hình và nâng cao tính dự báo để kịp thời điều chỉnh kế hoạch, thực hiện các giải pháp để kịp thời xử lý kịp thời, dứt điểm ngay tại công trường các vướng mắc, tồn tại phát sinh trong quá trình triển khai các dự án. Các bộ, ngành, địa phương đã quyết tâm rồi, cần quyết tâm cao hơn nữa; đã cố gắng rồi, cố gắng hơn nữa; đã nỗ lực rồi, nỗ lực nhiều hơn nữa để hoàn thành mục tiêu đề ra.
Ba là, phải chủ động giải quyết các công việc trong thẩm quyền; phải xác định đường cao tốc là tài sản chung của quốc gia mà địa phương trực tiếp được hưởng lợi để huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc một cách trách nhiệm, hiệu quả; linh hoạt xử lý các vấn đề theo thẩm quyền, nhất là giải phóng mặt bằng, nguyên vật liệu, đường hậu cần, bãi thải...; đặc biệt, xử lý vấn đề nguyên vật liệu xây dựng.
Bốn là, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để nhân dân hiểu và đồng thuận chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước; quan tâm đến đời sống của nhân dân, chú trọng công tác bố trí tái định cư cho người dân, đảm bảo nơi ở mới phải tốt hơn hoặc ít nhất bằng nơi ở cũ, đảm bảo về hạ tầng, y tế, giáo dục, dịch vụ; các thiết chế văn hoá, thể thao, y tế, giáo dục; từ đó người dân tin tưởng, sẵn sàng nhường đất, dời nhà phục vụ xây dựng các Dự án.
Năm là, không chia nhỏ gói thầu; xác định các tiêu chuẩn, tiêu chí, điều kiện để lựa chọn nhà thầu phù hợp với thực tế; bảo đảm công khai, minh bạch, nghiêm túc, hiệu quả, tuân thủ quy định pháp luật để lựa chọn được nhà thầu thật sự có năng lực, uy tín, kinh nghiệm quản lý, triển khai dự án quy mô lớn; đảm bảo các yếu tố về kỹ-mỹ thuật, tiết kiệm chi phí, không để tăng tổng mức đầu tư bất hợp lý.
Sáu là, kịp thời xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc với tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, không gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp; các vấn đề thuộc thẩm quyền thì phải giải quyết, tránh đùn đẩy trách nhiệm; kiên quyết chống tiêu cực, lãng phí, tham nhũng.
Thủ tướng khẳng định, việc hoàn thành 2 tuyến cao tốc Nha Trang-Cam Lâm và Vĩnh Hảo-Phan Thiết có vai trò, ý nghĩa to lớn trong phát triển kinh tế-xã hội của các tỉnh Khánh Hòa, Bình Thuận nói riêng, của vùng duyên hải Nam Trung Bộ và của đất nước nói chung.
Tuyến cao tốc Nha Trang-Cam Lâm. |
Để phát huy tối đa hiệu quả đầu tư các dự án, Thủ tướng yêu cầu: Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, địa phương tổ chức vận hành, khai thác bảo đảm an toàn; căn cứ nhu cầu giao thông để xây dựng kế hoạch đầu tư hoàn chỉnh dự án theo quy mô quy hoạch trong tương lai; nghiên cứu, phân tích, đánh giá rút kinh nghiệm trong việc triển khai Dự án để làm bài học cho các dự án sau này; đẩy nhanh tiến độ thi công để đưa các đoạn còn lại của tuyến cao tốc bắc-nam vào khai thác đúng tiến độ; phối hợp, hỗ trợ chặt chẽ với các địa phương khẩn trương triển khai xây dựng các Dự án cao tốc trục đông-tây, các Dự án Vành đai đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, các Dự án kết nối liên vùng theo hình thức PPP.
Ủy ban nhân dân các tỉnh: Khánh Hòa, Bình Thuận chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan tiếp tục chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người dân, nhất là những gia đình, người dân nhường mặt bằng cho Dự án, bảo đảm người dân có điều kiện sống tốt hơn, yên tâm “an cư-lập nghiệp”; tận dụng tối đa lợi thế của tuyến đường cao tốc để quy hoạch và phát triển không gian mới, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.