Thủ tướng Phạm Minh Chính đến thăm hiện trường tìm kiếm người mất tích tại Làng Nủ

NDO - Chiều 12/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đi thị sát, kiểm tra công tác ứng phó, khắc phục hậu quả bão lũ, tìm kiếm cứu nạn tại Lào Cai. Đến thăm hiện trường công tác cứu hộ, cứu nạn, tìm kiếm người mất tích tại bản Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Thủ tướng thăm hỏi, động viên các lực lượng quân đội, công an đang lội bùn tìm kiếm những người đang mất tích trong trận lũ quét lịch sử. 
0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm hỏi, động viên các cán bộ, chiến sĩ quân đội đang tìm kiếm người mất tích tại Làng Nủ. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm hỏi, động viên các cán bộ, chiến sĩ quân đội đang tìm kiếm người mất tích tại Làng Nủ. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Ân cần hỏi thăm, nói chuyện với các cán bộ, chiến sĩ đang tìm người mất tích dưới lớp bùn dày, Thủ tướng nhấn mạnh, việc tìm kiếm khó khăn do lớp bùn dày, do đó cần nghiên cứu thay đổi phương thức; cần tăng cường phán đoán theo quy luật của nước lũ cuốn để tìm ra những địa điểm có thể tìm thấy người mất tích; vì diện tích tìm kiếm rộng nên cần huy động thêm lực lượng, chó nghiệp vụ, tăng ca, kíp…

Thủ tướng Phạm Minh Chính đến thăm hiện trường tìm kiếm người mất tích tại Làng Nủ ảnh 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm hỏi lực lượng quân đội tham gia tìm kiếm người mất tích tại Làng Nủ. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Ân cần thăm hỏi, chia buồn, chia sẻ với mất mát của những người dân có thân nhân bị thiệt mạng trong trận lũ quét vừa qua ở Làng Nủ, Thủ tướng giao tỉnh nhanh chóng từ nay đến ngày 31/12 phải xây xong chỗ ở mới cho người dân. Trước mắt, cần tìm địa điểm an toàn để quy hoạch xây dựng lại chỗ ở cho dân. Cân đối ngân sách tỉnh, Trung ương sẽ hỗ trợ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đến thăm hiện trường tìm kiếm người mất tích tại Làng Nủ ảnh 2

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm hỏi một người dân Làng Nủ có thân nhân thiệt mạng trong trận lũ quét vừa qua. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Thủ tướng chỉ đạo tỉnh cần tăng cường tìm kiếm phía dưới vì lũ đã quét xuống dưới; những người bị thương phải được cứu chữa, bảo đảm cung cấp nước sạch, lương thực, thực phẩm. Việc quy hoạch xây dựng lại bản mới với các cơ chế, chính sách đặc thù để tiến hành nhanh nhất trước ngày 31/12, bảo đảm có điện nước, an toàn; tiếp tục khôi phục sản xuất, chăn nuôi, tạo sinh kế cho người dân.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đến thăm hiện trường tìm kiếm người mất tích tại Làng Nủ ảnh 3

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo công tác tìm kiếm người mất tích và ổn định đời sống bà con nhân dân Làng Nủ. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Sau khi đi thị sát hiện trường tìm kiếm, Thủ tướng chủ trì cuộc họp nhanh với các bộ, ngành, lực lượng tại Sở chỉ huy tìm kiếm cứu nạn tiền phương đóng tại Nhà văn hóa Làng Nủ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đến thăm hiện trường tìm kiếm người mất tích tại Làng Nủ ảnh 4

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm hỏi bà con nhân dân Làng Nủ. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường cho biết: đến nay đã xác định có 95 người chết và mất tích; các lực lượng chức năng đã tìm được 45 thi thể; có 16 người bị thương, được chuyển ra bệnh viện đa khoa cấp huyện và một số bệnh viện tuyến trên, có 2 trường hợp tiên lượng nặng vì bùn vào phổi.

Đây là vụ việc gây thiệt hại lớn đối với địa phương. Hiện nay, điều kiện vận chuyển phương tiện, trang thiết bị vào hiện trường khó khăn, tại hiện trường có khoảng 650 người tham gia cứu hộ. Tổng chỉ huy trưởng việc tìm kiếm, cứu nạn là Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đến thăm hiện trường tìm kiếm người mất tích tại Làng Nủ ảnh 5

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp nhanh tại Sở chỉ huy tiền phương ở Làng Nủ. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Trước mắt, công việc ưu tiên là tập trung cứu chữa 16 người bị thương, tìm kiếm những người còn lại. Tỉnh cũng đã di dời những hộ dân còn lại ra các địa điểm an toàn; đến đêm, các lực lượng tìm kiếm cũng được cơ động ra phía ngoài đề bảo đảm an toàn. Để bảo đảm đời sống nhân dân, tỉnh được các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị quan tâm hỗ trợ. Về lâu dài, tỉnh xác định quỹ đất của xã, sau khi xác định bảo đảm an toàn, sẽ thống nhất thiết kế, thi công ngay khu dân cư mới cho người dân. Hiện nay, rất nhiều cơ quan báo chí quan tâm ủng hộ tỉnh tái thiết lại Làng Nủ. Tỉnh quyết tâm động viên, ổn định tình hình bà con nhân dân.

Phát biểu ý kiến, thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi lời chia buồn sâu sắc nhất, lời thăm hỏi tới Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương về sự mất mát to lớn vừa qua; gửi lời chia buồn, chia sẻ tới các gia đình có người thân bị thiệt mạng, mất tích; đề nghị các lực lượng tập trung tìm kiếm người mất tích; thay đổi phương thức tìm kiếm vì gia đình đang rất mong chờ; đối với những người bị thương cần được cứu chữa, chăm sóc y tế đầy đủ; phải dọn dẹp vệ sinh môi trường tích cực phòng, chống dịch bệnh; khôi phục lại giao thông, tinh thần là “Trung ương lo việc lớn, đường lớn; tỉnh lo tỉnh lộ, huyện lo huyện lộ, xã lo xã lộ”.

Bộ Giáo dục và Đào tạo nhanh chóng khôi phục lại cơ sở giáo dục đào tạo bị ảnh hưởng để các cháu đến trường sớm nhất có thể; khôi phục sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân, bên cạnh đó phải động viên, chia sẻ, nắm tình hình xem người dân còn khó khăn gì để tiếp tục hỗ trợ; khảo sát quy hoạch, tìm một vài địa điểm an toàn để xây dựng lại bản mới.

Các cơ quan chức năng cần đánh giá lại khả năng sạt lở ở khu vực này, chậm nhất đến ngày 31/12 phải hoàn thành. Thủ tướng giao việc này cho cấp ủy, chính quyền tỉnh phải lo, nếu thiếu gì thì báo cáo Chính phủ để hỗ trợ. Đến thời điểm này, những người bị mất nhà phải được có chỗ ở, có đầy đủ điện nước, môi trường sống an toàn, lành mạnh; trước mắt, các lực lượng quân đội, công an huy động tối đa lực lượng, ổn định tình hình nhân dân; lực lượng quân đội và công an cùng với tỉnh khôi phục lại bản này, vận dụng các cơ chế đặc biệt để xử lý các vấn đề liên quan, nếu cần huy động các lực lượng công binh vào làm ngay; tinh thần là tỉnh chịu trách nhiệm chính, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng khác, quyết tâm không để ai bị đói, rét, thiếu ăn thiếu mặc, thiếu chỗ ở, thiếu nước sạch.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đến thăm hiện trường tìm kiếm người mất tích tại Làng Nủ ảnh 7

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến tại cuộc họp nhanh. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Thủ tướng cảm ơn bà con nhân dân trong quá trình chống thiên tai, bão lũ, đã cùng các lực lượng chức năng, cấp ủy, chính quyền chấp hành nghiêm chỉ đạo, lãnh đạo của các cấp để di dời, hỗ trợ lẫn nhau, ổn định cuộc sống.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đến thăm hiện trường tìm kiếm người mất tích tại Làng Nủ ảnh 8

Cán bộ, chiến sĩ quân đội tham gia tìm kiếm người mất tích tại Làng Nủ. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Thủ tướng đề nghị, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội cùng lo toan công việc này. Các bộ, ngành nhanh chóng triển khai công việc. Các cơ quan báo chí cần tăng cường thông tin, cùng với đó là hướng dẫn kỹ năng phòng, chống thiên tai, ứng phó bão lũ. Thủ tướng cũng biểu dương, cảm ơn các lực lượng cứu nạn, cứu hộ của Quân đội, Công an có mặt đầy đủ, kịp thời.

* Tối cùng ngày, sau khi đi thăm hiện trường tìm kiếm người mất tích tại thôn Làng Nủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp với một số bộ, ngành, lãnh đạo chủ chốt tỉnh Lào Cai tại trụ sở Ủy ban nhân dân huyện Bảo Yên.

Phát biểu ý kiến chỉ đạo cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, lịch sử Lào Cai chưa bao giờ có trận bão lũ tàn khốc như lần này, thể hiện ở: phạm vi rộng, đối tượng bị tác động nhiều; tính chất phức tạp, diễn ra rất nhanh chóng; kỹ năng và trang thiết bị, phản ứng chưa kịp thời; vẫn còn một bộ phận người dân chủ quan.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đến thăm hiện trường tìm kiếm người mất tích tại Làng Nủ ảnh 9

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến tại cuộc họp.

Thay mặt Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Thủ tướng gửi lời thăm hỏi, chia buồn gia đình có thân nhân bị thiệt mạng, mất tích, thương tích trong cơn bão lũ này; hoan nghênh, biểu dương Đảng bộ, chính quyền Lào Cai đã đoàn kết, thống nhất, quyết tâm cao, gồng mình chống bão lũ; mặc dù thiệt hại lớn nhưng tỉnh đã vận dụng hết khả năng.

Thủ tướng đặc biệt biểu dương lực lượng quân đội và công an đã triển khai ngay từ đầu, từ sớm, từ xa, từ cơ sở, luôn sát cánh cùng nhân dân, chính quyền; nêu rõ, số người thiệt mạng và mất tích 179 người, bị thương 255 người tính đến nay; thiệt hại về tài sản, hoa màu, nhà cửa, lúa rất lớn; tổn thương về tinh thần của nhân dân cũng cần được quan tâm, động viên, chia sẻ vì mất mát lớn, thiệt hại nặng nề, đột ngột, do đó tâm lý của người dân cũng nặng nề, một bộ phận người dân hoang mang...

Về mục tiêu tổng quát, Thủ tướng yêu cầu Lào Cai không được để người dân nào thiếu ăn, thiếu nước sạch, thiếu chỗ ở; nhanh chóng ổn định tình hình cho người dân, doanh nghiệp, toàn xã hội; khôi phục lại sản xuất, kinh doanh cả về công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, tạo việc làm, sinh kế cho người dân; bảo đảm ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, an ninh, an toàn, an dân.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đến thăm hiện trường tìm kiếm người mất tích tại Làng Nủ ảnh 10

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành, tỉnh Lào Cai.

Về nhiệm vụ tổng thể, Thủ tướng yêu cầu Đảng bộ, chính quyền, quân và dân, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội phải thực hiện tốt những chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn để khắc phục hậu quả lũ lụt bảo đảm hiệu quả với tinh thần đặt an toàn, sức khỏe và tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết như hồi chống đại dịch Covid-19. Chúng ta phải tự tin, tự lực, tự cường, phấn đấu bằng mọi khả năng của mình để nhanh chóng ổn định tình hình, khôi phục sản xuất, kinh doanh, bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Thủ tướng yêu cầu khẩn trương tập trung tìm kiếm người mất tích, lo hậu sự người chết, cứu chữa người bị thương, bị bệnh; đánh giá, quy hoạch lại, di dời dân những nơi có nguy cơ sạt lở vì có thể có những cơn bão tiếp theo khó lường, ngoài tầm dự báo. Từ đó, chúng ta có giải pháp tổng thể. Riêng Làng Nủ, Thủ tướng yêu cầu tỉnh cần tìm 1-2 địa điểm để xây dựng lại khu tái định cư an toàn, ổn định cuộc sống cho người dân. Việc này đến ngày 31/12 phải làm xong, nếu vượt thẩm quyền phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ; việc này phải bảo đảm ổn định lâu dài, nhà cửa, điều kiện sinh hoạt cho dân phải bảo đảm tốt hơn trước đây. Thủ tướng cũng yêu cầu tìm mọi cách, mọi phương tiện để tiếp cận những nơi còn đang bị chia cắt bởi bão lũ với tư duy nhạy bén, sáng tạo, đổi mới tư duy. Thủ tướng nêu rõ cần quyết tâm tiếp tế cho những người dân ở vùng bị chia cắt lương thực, thực phẩm như mỳ tôm, bánh mỳ, lương khô, cơm cháy…

Thủ tướng nhấn mạnh tư tưởng “biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể” trong công tác ứng phó thiên tai. Lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm hay như công cuộc xây dựng đất nước đã chứng minh thực tế này, vấn đề là tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, làm có trọng tâm, trọng điểm; làm tốt công tác vệ sinh môi trường; khôi phục hạ tầng giao thông, điện nước, viễn thông; tổ chức lại sản xuất, kinh doanh, tạo sinh kế cho người dân, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp, kinh tế cửa khẩu, dịch vụ, tập trung vào các động lực tăng trưởng truyền thống; sửa chữa các cơ sở giáo dục đào tạo bị hư hại. Rà soát lại hệ thống y tế khám chữa bệnh; rà soát thiệt hại, phân tích nguyên nhân, đề ra giải pháp; rà soát các khu vực có nguy cơ sạt lở, có giải pháp bảo đảm an toàn cho người dân; tăng cường huy động lực lượng quân đội, công an hỗ trợ địa phương, cần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc gồm Mặt trận Tổ quốc, thanh niên, phụ nữ, doanh nghiệp tại chỗ theo phương châm “4 tại chỗ”.

Thủ tướng chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lo khôi phục sản xuất nông nghiệp như giống, vật tư nông nghiệp gồm thuốc trừ sâu, phân bón…; khắc phục hạ tầng giao thông trên tinh thần phân cấp “quốc lộ thì Trung ương lo, tỉnh lộ thì tỉnh lo, huyện lộ thì huyện lo, xã lộ thì xã lo”.

Bộ Công thương bảo đảm cung ứng các mặt hàng như xăng dầu, không được để tăng giá các mặt hàng thiết yếu, không để xảy ra tình trạng găm hàng, đội giá, xử lý nghiêm các vi phạm nếu có. Tiếp tục kêu gọi tinh thần "tương thân, tương ái", "lá lành đùm lá rách"; tập trung làm tốt công tác truyền thông, nâng cao trách nhiệm tập thể, cá nhân, tập thể, cơ quan, đơn vị, địa phương, nêu cao tính tự lực, tự cường; hướng dẫn kỹ năng phòng, chống thiên tai, nhất là kỹ năng sông nước của các tỉnh miền núi phía bắc còn yếu. Tổng kết, đánh giá, làm tốt công tác thi đua, khen thưởng đối với những cá nhân hy sinh, bị thương trong công tác khắc phục hậu quả bão lũ, xử lý nghiêm những cá nhân lơ là, không hoàn thành nhiệm vụ…