Thủ tướng chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về giải pháp cấp bách phòng, chống dịch

NDO -

Sáng 29-5, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình, giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Cùng dự tại điểm cầu TP Hồ Chí Minh có Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình; tại điểm cầu Trụ sở Chính phủ ở Hà Nội có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

Dự Hội nghị tại các điểm cầu địa phương có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh; Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành ủy Hà Nội.

Hội nghị được tổ chức trực tuyến tới UBND tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư và các quận, huyện, thị xã có khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất, khu kinh tế.

Phát biểu ý kiến mở đầu hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, vừa qua, cuối tháng 4, đợt dịch thứ 4 bùng phát cả nước. Chính phủ và các cơ quan liên quan dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chủ tịch nước, các cơ quan đã vào cuộc tích cực. Tuy nhiên, tình hình mới, diễn biến mới phức tạp hơn thì chúng ta cần phải có những giải pháp tích cực hơn, mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, thần tốc hơn mới có thể kiềm chế, đẩy lùi dịch, đặc biệt là các thành phố lớn và các KCN. Do đó, hôm nay, Thủ tướng chủ trì hội nghị quan trọng này với tinh thần "chống dịch như chống giặc". Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cả nước phải tập trung sức lực, trí tuệ, tinh thần cao nhất vào công cuộc chống dịch. Chức vụ càng cao thì trách nhiệm phải càng lớn.

Thủ tướng chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về giải pháp cấp bách phòng, chống dịch -0

Tại hội nghị, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, tại Bắc Ninh, Bắc Giang, dịch bệnh diễn biến phức tạp, dịch bùng phát với số mắc cao, dự báo lây lan trong các KCN và ra cộng đồng. Các trường hợp mắc mới sẽ tiếp tục được ghi nhận do nguồn lây tồn tại trong thời gian dài, phạm vi rộng, nhưng cơ bản tình hình dịch bệnh tại hai địa phương đang cố gắng từng bước kiểm soát. Các trường hợp hầu hết đã được cách ly từ trước hoặc được phát hiện trong khu vực phong tỏa. Một số địa phương, đặc biệt tại các đô thị tập trung đông người như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh có thể vẫn tiếp tục ghi nhận các ổ dịch rải rác, các chùm ca bệnh trong cộng đồng do có nhiều nguồn lây chưa được phát hiện, kiểm soát từ các ổ dịch cũ, từ các địa phương khác hoặc có các nguồn lây nhập cảnh từ nước ngoài chưa được phát hiện.

Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và Bộ Y tế liên tục tổ chức họp, làm việc với hai tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh và yêu cầu địa phương thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch với ưu tiên nhanh chóng kiểm soát tình hình dịch tại hai tỉnh; thiết lập bộ phận thường trực phòng chống dịch của Bộ Y tế tại Bắc Ninh, Bắc Giang; chuẩn bị thiết lập kho vật tư phòng chống dịch tại khu vực này.

Thủ tướng chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về giải pháp cấp bách phòng, chống dịch -0

Tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, triển khai thần tốc công tác truy vết, cách ly, khoanh vùng, thực hiện lây mẫu, xét nghiệm trên diện rộng tại các địa điểm, khu vực có dịch; chỉ đạo triển khai các phương án cách ly y tế phù hợp tình hình thực tế, thực hiện thí điểm việc thiết lập khu vực cách ly y tế tập trung ngay tại khu vực lưu trú của công nhân, người lao động thuộc khu vực phong tỏa, chỉ đạo triển khai các phương pháp xét nghiệm trong tình hình mới như xét nghiệm kháng nguyên huyết thanh, xét nghiệm gộp mẫu.

Huy động và điều động số lượng lớn nhất từ trước tới nay với gần 1.500 y bác sĩ, cán bộ y tế, giảng viên, học viên và sinh viên ngành y trực tiếp tham gia hỗ trợ Bắc Giang và Bắc Ninh. Chỉ đạo xây dựng kế hoạch đáp ứng phòng, chống dịch với tình huống 30 nghìn trường hợp mắc và chỉ đạo các địa phương, đơn vị báo cáo số lượng hiện có, tình hình sử dụng và đề xuất nhu cầu bổ sung các trang thiết bị, vật tư, hóa chất phục vụ công tác dự phòng phòng, chống dịch đáp ứng tình huống 30 nghìn trường hợp mắc...

Thủ tướng chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về giải pháp cấp bách phòng, chống dịch -0

Đến ngày 27-5, toàn quốc đã hoàn thành việc triển khai tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 đợt 1, đợt 2 và đã tiêm được 1.038.802 liều trên tổng số 917.600 liều vaccine phân bổ trên phạm vi toàn quốc; tỷ lệ sử dụng vaccine đạt 113%. Trong đó, số người đã được tiêm đủ hai mũi vắc vaccine phòng Covid-19 khoảng 42 nghìn người.  Bộ Y tế đã tiếp nhận 1.682.400 liều vaccine phòng Covid-19 của AstraZeneca do COVAX Facility hỗ trợ và 288 nghìn liều mua của AstraZeneca. Một số đơn vị, địa phương đã bắt đầu triển khai tiêm chủng vaccine đợt 3, trong đó tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang đã phát động chiến dịch triển khai tiêm chủng cho công nhân tại KCN, chế xuất trên địa bàn.

Bộ Y tế đang xây dựng Đề án nhập khẩu, sản xuất, tổ chức tiêm vaccine phòng, chống dịch Covid-19 và bố trí, huy động nguồn lực để thực hiện đồng thời khẩn trương rà soát, cập nhật kế hoạch tiêm chủng để đáp ứng việc tiêm chủng với số lượng đối tượng lớn và nhiều loại vaccine khác nhau.

Báo cáo thêm về việc thực hiện chiến lược vaccine, Bộ trưởng Y tế cho biết, mục tiêu là tạo miễn dịch cộng đồng trong năm 2021, tuy nhiên, nhu cầu vaccine ở các nước rất lớn, tình trạng khan hiếm trên toàn cầu chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Tại Việt Nam, bên cạnh việc đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước, trong đó có một loại chuẩn bị thử nghiệm giai đoạn thứ 3, Bộ Y tế đã tích cực đàm phán, tìm kiếm tất cả các nguồn vaccine phòng Covid-19 trên thế giới. Cho tới nay, Việt Nam đã ký kết, cam kết khoảng hơn 100 triệu liều vaccine để tiêm cho 70% dân số từ 18 tuổi trở lên và đang nỗ lực để mua thêm 40 triệu liều để có thể thực hiện được mục tiêu đề ra. 

Bên cạnh đó, tiến độ cung ứng vaccine cũng cần hết sức được quan tâm để các lô vaccine về sớm nhất. Bộ Y tế khẳng định ưu tiên cho Bắc Giang, Bắc Ninh để tiêm cho hai địa phương này nhanh nhất có thể. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, việc bảo vệ các KCN trong bối cảnh hiện nay là hết sức quan trọng để bảo vệ sản xuất công nghiệp. Chúng ta đã xác định nguy cơ đối với các KCN là cao nhất, có thể lây nhiễm rất nhanh chóng, khó khăn trong vấn đề kiểm soát. Bộ Y tế đã xây dựng kịch bản ứng phó chi tiết với tình huống lây nhiễm trong KCN, phải lên phương án giãn cách sản xuất cụ thể trong từng nhà máy, khu công nghiệp khi có dịch bệnh. Đặc biệt, phải tiến hành quản lý chặt chẽ công nhân từ nơi làm việc, khi đi trên phương tiện giao thông, đến nơi cư trú. Các KCN phải thực hiện xét nghiệm sàng lọc thường xuyên, tối thiểu từ 20% số công nhân trở lên. Trách nhiệm của các chủ doanh nghiệp, cơ quan quản lý doanh nghiệp phải được tăng cường. Tăng cường khả năng tiếp cận vaccine cho công nhân trong các KCN.

Giãn cách xã hội là biện pháp rất quan trọng để phòng chống dịch, các địa phương đã rất chủ động thực hiện khoanh vùng, cách ly quyết liệt nhưng ở phạm vi gọn nhất có thể, hạn chế tối đa ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân.

Tập trung khống chế dịch Covid-19 lây lan