Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp:

Thủ tướng chỉ quyết định nhân sự người đứng đầu doanh nghiệp nhà nước then chốt

NDO - Theo quy định tại dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ chỉ quyết định nhân sự người đứng đầu, chiến lược kinh doanh của một số doanh nghiệp giữ vị trí, vai trò chủ đạo, then chốt, quan trọng quốc gia theo danh sách cụ thể trong từng thời kỳ.
Thứ trưởng Tài chính Cao Anh Tuấn trình bày Tờ trình về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. (Ảnh: DUY LINH)
Thứ trưởng Tài chính Cao Anh Tuấn trình bày Tờ trình về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. (Ảnh: DUY LINH)

Sáng 7/10, bắt đầu Phiên họp thứ 38, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Chính phủ quản lý vốn nhà nước thông qua cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn

Trình bày tờ trình dự án luật, Thứ trưởng Tài chính Cao Anh Tuấn nêu rõ, phạm vi điều chỉnh của Luật số 69/2014/QH13 có nội dung “sử dụng vốn nhà nước”, “đầu tư vào sản xuất, kinh doanh” thể hiện sự chi tiết, bó hẹp về cách tiếp cận, hạn chế tính tự chủ của doanh nghiệp trong việc sử dụng vốn, tài sản trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Đồng thời còn thể hiện sự can thiệp hành chính của nhà nước vào hoạt động của doanh nghiệp; chưa bao quát được công tác quản lý dòng vốn của nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; đồng thời chưa bao gồm nội dung sắp xếp, cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Thủ tướng chỉ quyết định nhân sự người đứng đầu doanh nghiệp nhà nước then chốt ảnh 1

Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: DUY LINH)

Do đó, cần thiết điều chỉnh phạm vi theo hướng không quy định cụ thể nội dung “sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp”. Theo đó, việc sử dụng vốn, tài sản được quy định theo hướng “đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp”; các quy định về huy động vốn; mua, bán, sử dụng tài sản cố định; quản lý nợ phải thu, phải trả được giao cho doanh nghiệp quyết định nhằm xác định rõ Nhà nước là chủ sở hữu đầu tư vốn, quản lý theo phần vốn góp tại doanh nghiệp, không can thiệp hành chính vào hoạt động của doanh nghiệp; tăng cường phân cấp mạnh gắn với trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp.

Về quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, ông Tuấn cho biết, dự thảo quy định theo hướng Chính phủ thống nhất quản lý vốn thông qua cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn, cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn quản lý theo phần vốn tại doanh nghiệp có vốn đầu tư của nhà nước.

Thủ tướng Chính phủ thực hiện một số quyền của chủ sở hữu vốn tại một số doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư lớn, giữ vị trí, vai trò chủ đạo, then chốt, quan trọng quốc gia của nền kinh tế trong từng thời kỳ. Giao cho cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn thực hiện các quyền hạn, nghĩa vụ như một nhà đầu tư và bình đẳng như các nhà đầu tư khác, còn lại giao cho doanh nghiệp chịu trách nhiệm; trên cơ sở đó quy định cụ thể thẩm quyền về công tác nhân sự, chiến lược kinh doanh, kế hoạch kinh doanh hàng năm và phân phối lợi nhuận của doanh nghiệp.

Thủ tướng chỉ quyết định nhân sự người đứng đầu doanh nghiệp nhà nước then chốt ảnh 2

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự phiên họp. (Ảnh: DUY LINH)

Thủ tướng Chính phủ chỉ quyết định nhân sự người đứng đầu, chiến lược kinh doanh của một số doanh nghiệp giữ vị trí, vai trò chủ đạo, then chốt, quan trọng quốc gia theo danh sách cụ thể trong từng thời kỳ.

Cụ thể, dự thảo quy định: “Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, thuê, chấp thuận từ chức, miễn nhiệm, chấm dứt hợp đồng thuê, khen thưởng, kỷ luật Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty tại doanh nghiệp có vốn đầu tư của nhà nước 100% vốn điều lệ giữ vai trò chủ đạo, giữ vị trí then chốt của nền kinh tế, quản lý hạ tầng quan trọng quốc gia. Chính phủ quyết định danh sách cụ thể các doanh nghiệp trong từng thời kỳ”.

Thủ tướng Chính phủ quyết định một số nội dung về công tác nhân sự đối với Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty tại doanh nghiệp có 100% vốn nhà nước.

Cần quy định cụ thể thẩm quyền quyết định công tác nhân sự với từng loại hình doanh nghiệp

Thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, Thường trực Ủy ban cho rằng, việc quy định “thuê”, “hợp đồng thuê” Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch Công ty cũng cần bảo đảm thống nhất với Luật Doanh nghiệp vì Luật Doanh nghiệp không có quy định này.

Có ý kiến tại cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ khái niệm và việc xác định doanh nghiệp giữ vai trò chủ đạo, giữ vị trí then chốt của nền kinh tế hoặc đưa ra nguyên tắc chung để xác định; đồng thời đề nghị bổ sung quy định về trình tự, thủ tục ra quyết định.

Đa số ý kiến Thường trực Ủy ban thẩm tra đề nghị cần quy định cụ thể thẩm quyền quyết định công tác nhân sự đối với từng loại hình doanh nghiệp vì quy định tại dự thảo Luật chỉ phù hợp khi áp dụng đối với doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Các doanh nghiệp từ 50% đến dưới 100% vốn nhà nước thì ngoài thực hiện theo quy định của Luật này và Luật Doanh nghiệp còn phải thực hiện theo Điều lệ công ty.

Thủ tướng chỉ quyết định nhân sự người đứng đầu doanh nghiệp nhà nước then chốt ảnh 3

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh trình bày báo cáo thẩm tra tại phiên họp. (Ảnh: DUY LINH)

Về nguyên tắc, thứ tự phân phối lợi nhuận sau thuế, Chính phủ đề xuất trích không quá 50% vào Quỹ Đầu tư phát triển để tại doanh nghiệp để đầu tư bổ sung vốn vào doanh nghiệp thực hiện các dự án đầu tư kinh doanh, dự án tăng cường năng lực quản trị của doanh nghiệp. Số dư Quỹ Đầu tư phát triển để tại doanh nghiệp khi doanh nghiệp không có nhu cầu, chưa có kế hoạch sử dụng được nộp về ngân sách nhà nước hoặc điều chuyển giữa các doanh nghiệp theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Phần còn lại sau khi sử dụng, trích lập các quỹ theo quy định, doanh nghiệp nộp ngân sách nhà nước.

Theo phương án này, ước tính số nộp ngân sách nhà nước từ nguồn lợi nhuận, cổ tức được chia sẽ giảm khoảng 19.847 tỷ đồng/năm và doanh nghiệp được sử dụng nguồn này để bổ sung vốn điều lệ tương ứng là 19.847 tỷ đồng (theo số quyết toán thu ngân sách nhà nước năm 2021 đã được Quốc hội phê chuẩn với tổng số nộp ngân sách từ cổ tức, lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp là 69.463 tỷ đồng).

Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhất trí với mức trích lập tối đa như quy định tại dự thảo. Tuy nhiên, đề nghị cân nhắc, trao quyền cho cơ quan đại diện chủ hữu quyết định mức cụ thể tại từng doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị quy định mức trích 100% vào Quỹ đầu tư phát triển vì đây là phần lợi nhuận sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ thuế đối với nhà nước và tạo nguồn lực quan trọng đối với doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có quy mô vốn nhỏ, doanh nghiệp quốc phòng, an ninh, doanh nghiệp công ích để tăng vốn điều lệ, tái đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả đầu tư và thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ chính trị được giao.

Có ý kiến đề nghị quy định mức trích 80% để vừa bảo đảm có nguồn lực dành cho doanh nghiệp tái đầu tư phát triển, vừa thực hiện nghĩa vụ chia cổ tức đối với nhà đầu tư là nhà nước và việc chuyển 20% lợi nhuận về ngân sách để bảo đảm lợi ích của nhà nước từ việc đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp.